BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tiến hành khảo sát công tác thi hành án dân sự năm 2012 tại Cục Thi hành án dân sự

Cập nhật ngày: 23/11/2012 - 05:54

Có đơn vị còn buông lỏng quản lý, giáo dục cán bộ…

Ông Nguyễn Ngọc Dũng phát biểu tại buổi làm việc

(BTN) - Ngày 20.11.2012, Ban Pháp chế HĐND tỉnh do ông Nguyễn Ngọc Dũng – Trưởng ban Pháp chế làm Trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát công tác thi hành án dân sự năm 2012 tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh. Cuộc khảo sát nhằm phục vụ cho công tác thẩm tra của Ban tại kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới (Cục Thi hành án dân sự phải báo cáo công tác thi hành án dân sự trước kỳ họp, theo quy định của Luật Thi hành án dân sự).

Theo báo cáo của Cục THADS tỉnh, lượng án thụ lý hằng năm rất lớn, năm sau luôn cao hơn năm trước, năm 2012 là 24.627 việc, tăng so cùng kỳ năm 2011 là 1.875 việc (trong đó có 9.004 việc năm trước chuyển sang). Với lượng án hằng năm rất lớn nhưng số lượng chấp hành viên lại quá ít (hiện có 59 chấp hành viên), bình quân mỗi chấp hành viên phải đưa ra giải quyết 50 việc/tháng, 600 việc/năm. Trong tổng số thụ lý năm 2012, thì Cục Thi hành án uỷ thác 396 việc, tổng số vụ việc phải thi hành là 24.231 việc, đã thi hành xong 12.192 việc, chưa thi hành 767 việc; số án chưa có điều kiện thi hành là 9.159 việc (hoãn thi hành án 2.927 việc, tạm đình chỉ 17 việc, trả đơn 630 việc, lý do khác 5.585 việc). Tổng số tiền phải thi hành là 847.499.051.000đ, số có điều kiện thi hành là 334.722.330.000đ, đạt 73,5% vượt 0,5% so với chỉ tiêu được giao.

Với sự nỗ lực của ngành, công tác THADS được chỉ đạo đi vào thực chất, kết quả phân loại án cụ thể, phản ánh đúng thực tiễn tại địa phương. Công tác tiếp dân, phân loại và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự được quan tâm chỉ đạo, một số vụ việc phức tạp kéo dài được giải quyết dứt điểm; công tác quản lý tài chính được thực hiện tốt. Công tác phối, kết hợp trong thi hành án dân sự được tăng cường và đạt hiệu quả tốt hơn, Ban chỉ đạo THADS hoạt động có hiệu quả, định kỳ 6 tháng đều tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của đương sự…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác THADS trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như tỷ lệ án thi hành xong hoàn toàn chưa đạt so với yêu cầu; việc giải quyết án tồn về giá trị của một số đơn vị chưa đạt hiệu quả; trụ sở chưa đáp ứng nhu cầu về diện tích, kho vật chứng hiện chỉ có 4/10 đơn vị được xây kho, các đơn vị còn lại chỉ có kho tạm; còn có đơn vị buông lỏng công tác quản lý, giáo dục cán bộ, công chức nên đã xảy ra 1 trường hợp thủ kho tham ô tài sản, thái độ của một số cán bộ, công chức khi tiếp xúc với dân chưa hoà nhã, trình tự thủ tục trong công tác thi hành án còn có sơ sót dẫn đến khiếu nại của dân…; công tác phát mãi tài sản thi hành án không bán được tài sản có giá trị thi hành lớn, nên gặp khó khăn trong việc bán đấu giá tài sản và do người dân ngại mua tài sản đấu giá; một số người dân yêu cầu định giá lại tài sản dẫn đến kéo dài quá trình thi hành án nhằm đối phó hoặc có hành vi tẩu tán tài sản; việc quy định xét miễn giảm còn cứng nhắc gây khó khăn cho công tác xét, miễn giảm…

Qua khảo sát, Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Ngọc Dũng ghi nhận những kết quả đạt được và khó khăn của ngành, đồng thời đề nghị Cục THADS có giải pháp hữu hiệu để thi hành có hiệu quả các bản án, quyết định có hiệu lực của pháp luật tạo được lòng tin trong nhân dân; lưu ý chấn chỉnh không để xảy ra tiêu cực ở các đơn vị; chú ý phần trách nhiệm chủ quan của chấp hành viên đối với án không có điều kiện thi hành; chú ý giáo dục tư tưởng chính trị cho cán bộ, công chức toàn ngành nhằm chống suy thoái đạo đức, lối sống…

Kim Chi