BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ban Pháp chế - HĐND tỉnh giám sát ngành Tư pháp: Cố gắng thực hiện cải cách hành chính nhưng cũng còn nhiều bất cập

Cập nhật ngày: 01/04/2009 - 10:03

Buổi làm việc ở Sở Tư pháp

Như tin đã đưa, ngày 25.3.2009, Đoàn giám sát về công tác cải cách hành chính (CCHC), quản lý hộ tịch, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện chế độ, chính sách đối với CBCC cấp xã do ông Nguyễn Văn Xê, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND phường 3, phường Hiệp Ninh (Thị xã). Tiếp theo đó, ngày 26, 27 và 31.3.2009, Đoàn đã đến làm việc với hai huyện Tân Châu, Tân Biên và Sở Tư pháp.

Báo cáo của Sở Tư pháp cho biết, Sở thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tiến hành rà soát các loại thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi khi người dân đến liên hệ giải quyết công việc. Đối với công tác tự kiểm tra, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đối với các ngành, các cấp theo thẩm quyền, đã phát hiện 43/165 văn bản cấp huyện và 40/110 văn bản cấp xã sai sót về hình thức, nội dung và thẩm quyền. Sở Tư pháp cũng đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, giúp cho công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả.

Thực hiện cơ chế “một cửa”, Sở Tư pháp tổ chức công khai, niêm yết các quy trình thủ tục, các quy định về thu phí, lệ phí, thời gian giải quyết công việc... đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, tạo điều kiện cho người dân đến giải quyết công việc. Trong năm 2008 và quý I năm 2009, Sở Tư pháp tiếp nhận và giải quyết 2.064 hồ sơ, trong đó giải quyết trễ hẹn 59 hồ sơ, phần lớn là hồ sơ lý lịch tư pháp, đăng ký kết hôn. Việc trễ hẹn này, nguyên nhân là do có nhiều hồ sơ phức tạp, ngành công an phải xác minh tốn nhiều thời gian... Về thực hiện Nghị định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch, Sở Tư pháp đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ làm công tác hộ tịch ở tỉnh, huyện, xã về quy trình, thủ tục, các nghiệp vụ chuyên môn trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc về lĩnh vực hộ tịch. Quá trình thực hiện, qua kiểm tra, Sở Tư pháp cũng kịp thời chỉ ra những thiếu sót về chuyên môn ở cấp cơ sở. Đăng ký hộ tịch trong năm 2008, ở cấp xã có 31.972 hồ sơ đăng ký khai sinh, 6.327 đăng ký khai tử, 12.405 đăng ký kết hôn.

Giải trình một số ý kiến của các thành viên trong Đoàn giám sát, Ban Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, công tác tư pháp ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, phần lớn mỗi xã chỉ có một nhân sự, trình độ còn hạn chế, vừa làm, vừa học. Đáng chú ý là vẫn còn tình trạng cán bộ tư pháp nhũng nhiễu dân, có trường hợp vi phạm pháp luật.

HỮU ĐỨC