BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ban Pháp chế HĐND tỉnh: Khảo sát hoạt động của các đơn vị, tổ chức hành nghề công chứng

Cập nhật ngày: 17/06/2010 - 08:56
HTML clipboard

Đại diện Phòng Công chứng số 3 báo cáo với đoàn khảo sát

Vừa qua, Ban Pháp chế - HĐND tỉnh Tây Ninh đã tiến hành khảo sát hoạt động của các đơn vị, tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh. Đoàn khảo sát đã tiến hành làm việc với các Phòng Công chứng số 1, số 2, số 3 và UBND các xã Trường Hoà (Hoà Thành), phường 4 (thị xã Tây Ninh), Thạnh Bình (Tân Biên), Bàu Năng (Dương Minh Châu); 2 văn phòng công chứng hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân là Văn phòng Công chứng Nguyễn Gia Thôn, Văn phòng Công chứng Trảng Bàng.

Qua khảo sát cho thấy, hầu hết các phòng công chứng có số lượng nhân viên từ 5 người trở lên; đối với cấp xã việc chứng thực do cán bộ tư pháp, hộ tịch và cán bộ Văn phòng UBND xã trực tiếp tham mưu cho UBND xã. Đối với 3 Phòng Công chứng 1, 2, 3 UBND tỉnh cũng đã cho chuyển đổi thành đơn vị sự nghiệp có thu, tạo động lực phát triển, cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng, đáp ứng kịp thời có hiệu quả nhu cầu công chứng của tổ chức, công dân.

Trên địa bàn tỉnh đã có 5 huyện, thị thực hiện việc chuyển giao chứng nhận các loại hợp đồng giao dịch liên quan đến bất động sản cho các phòng công chứng và văn phòng công chứng theo Quyết định 2569/QĐ-UBND ngày 9.12.2009 của UBND tỉnh Tây Ninh gồm các huyện Hoà Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng, Tân Châu và thị xã Tây Ninh. Ở những huyện còn lại thì người tham gia hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản được quyền lựa chọn công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn khác hoặc chứng thực tại UBND cấp huyện, xã theo quy định. Nhìn chung, các tổ chức hành nghề công chứng đều hoạt động tuân thủ Luật Công chứng, bảo đảm tính an toàn pháp lý, thực hiện quy trình công chứng một cách chặt chẽ; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc được đảm bảo; có niêm yết hồ sơ, quy trình, trình tự giải quyết, niêm yết lệ phí, mẫu hồ sơ theo từng loại yêu cầu công chứng; thời gian giải quyết được các tổ chức rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ từ 2 ngày còn 1 ngày đối với các loại việc đơn giản, từ 10 ngày còn 3 ngày đối với loại hồ sơ phức tạp.

Tuy nhiên, hoạt động công chứng hiện nay cũng còn gặp không ít khó khăn. Đối với hoạt động chứng thực ở xã, vấn đề đáng quan tâm là cán bộ phụ trách công chứng, chứng thực của xã bị quá tải công việc, trong khi trình độ chưa đáp ứng được nhiệm vụ được giao (Trung cấp Luật). Việc thu phí theo quy định của Thông tư số 91/2008 của liên Bộ Tài chính và Tư pháp quy định mức thu phí công chứng chưa phù hợp khi quy định đối với các hợp đồng giao dịch có giá trị dưới 100 triệu đồng thì thu 100.000đ. Do vậy có những trường hợp người dân vay vốn quỹ tín dụng chỉ có giá trị 3 triệu đồng phải đóng phí 100.000đ đã gây bức xúc cho dân. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong hoạt động công chứng hiện nay chưa thống nhất và chặt chẽ trong yêu cầu cung cấp thông tin nhất là đối với các cơ quan Tài nguyên và Môi trường, Thi hành án dân sự và UBND các xã. Công tác tuyên truyền về công chứng chưa được chú trọng nên người dân vẫn còn thắc mắc chưa hiểu tại sao phải đi công chứng và đa số là họ không tự nguyện, chỉ thực hiện khi có yêu cầu của cơ quan khác. Về phía những người hành nghề công chứng, đôi khi do khối lượng công việc nhiều, công chứng viên và nhân viên không tránh khỏi có thái độ kém hoà nhã với người dân.

Qua phản ánh của cử tri, việc chuyển giao các hợp đồng giao dịch liên quan đến bất động sản cho các phòng công chứng đã làm mất nhiều thời gian của dân do phải đi lại với cự ly xa, lệ phí cao… nhiều trường hợp người dân phải quay trở lại UBND cấp xã để xác nhận về nguồn gốc, hiện trạng đất đai và gặp nhiều trường hợp không nhận được sự hỗ trợ của cán bộ cấp xã vì cho rằng đây là trách nhiệm của tổ chức hành nghề công chứng…

Đoàn khảo sát đánh giá cao những mặt đạt được và ghi nhận những khó khăn mà các đơn vị hoạt động công chứng gặp phải, Đoàn sẽ tập hợp và kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp tháo gỡ sau đợt khảo sát.

KIM CHI