BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh: Đề xuất điều chỉnh quy hoạch chỉ còn 7 KCN

Cập nhật ngày: 06/06/2013 - 05:44
HTML clipboard

Cổng vào KCN Trảng Bàng

(BTNO) – Theo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh, tính đến tháng 5.2013, trên toàn tỉnh có 9 khu công nghiệp nằm trong quy hoạch Khu công nghiệp Việt Nam với tổng diện tích đất tự nhiên 4.492ha.

Trong đó có 05 khu công nghiệp (KCN) gồm Trảng Bàng, Linh Trung III, Bourbon An Hoà, Phước Đông, Chà Là, đã được cấp phép thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 3.384ha, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê là 2.162ha, diện tích đất đã cho thuê là 398/2.162ha – đạt tỷ lệ lấp đầy 18,41%. Tổng số các dự án đã được cấp phép vào KCN là 180 dự án đầu tư còn hiệu lực (trong đó 135 dự án FDI và 45 dự án trong nước).

Ngoài 5 KCN đã đi vào hoạt động, Tây Ninh còn có 4 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương thành lập trong quy hoạch khu công nghiệp Việt Nam với tổng diện tích 950ha. UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho các chủ đầu tư thực hiện xây dựng hạ tầng 3 KCN Gia Bình, bàu Hai Năm, Hiệp Thạnh, riêng KCN Thanh Điền chưa có chủ đầu tư.

BQL Khu kinh tế tỉnh cho biết, các KCN đóng vai trò chủ đạo trong việc thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Luỹ kế đến nay đã thu hút được 1.211,35 triệu USD và 4.368,25 tỷ đồng, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP. Thúc đẩy ngành dịch vụ, thương mại phát triển và đa dạng hoá các dịch vụ; kim ngạch xuất khẩu năm 2012 đạt 818 triệu USD, nhập khẩu 479 triệu USD, doanh thu đạt 703 triệu USD. Thu hút một lượng lớn lao động trong và ngoài tỉnh, từ khu vực nông nghiệp chuyển sang. Hình thành tầng lớp công nhân công nghiệp lành nghề thông qua đào tạo trên dây chuyền và môi trường xí nghiệp, tạo động lực cho phát triển bền vững. Tính đến nay, số lao động đang làm việc tại các KCN là 45.953 người, trong đó lao động nước ngoài là 693 người. Bên cạnh đó, hoạt động của các KCN cũng đã tạo nguồn thu rất lớn cho ngân sách địa phương, chỉ riêng năm 2012, các doanh nghiệp đã nộp 130 tỷ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, sau khi tiến hành rà soát, BQL Khu kinh tế tỉnh đề xuất, đối với các KCN đã được thành lập và đang hoạt động cần tăng cường xúc tiến thu hút đầu tư, tiếp tục hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng cho sản xuất và kiểm soát môi trường, khuyến khích phát triển hạ tầng xã hội xung quanh KCN, đặc biệt là nhà ở công nhân và các thiết chế văn hoá. Đẩy nhanh tiến độ mở rộng, nâng cấp hạ tầng đấu nối vào KCN Phước Đông (đường 782 – đường 784), KCN Bourbon – An Hoà (đường 787) và tạo điều kiện triển khai nhanh cảng Thanh Phước, góp phần hỗ trợ cho các KCN hoạt động hiệu quả hơn.

Nhà ở cho người lao động cũng là vấn đề đang gây bức xúc. Lao động thuê nhà trọ tự phát của người dân chỉ giải quyết tạm thời nhu cầu trước mắt. Về lâu dài, phải có chính sách của Nhà nước hỗ trợ đầu tư theo quy hoạch khu nhà ở, khu đô thị phục vụ cho KCN, hướng đến chăm lo đời sống văn hoá, tinh thần cho người lao động được tốt hơn. Khi đó, KCN mới có được sự hấp dẫn, giữ chân được người lao động, phục vụ cho yêu cầu phát triển bền vững.

KCN Phước Đông

Riêng KCN Chà Là đã lấp đầy 68% giai đoạn 1, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế đã triển khai một số dự án kết cấu hạ tầng như dự án xử lý nước thải, dự án cấp nước, hệ thống giao thông, diện tích còn lại không nhiều. Để chuẩn bị cho yêu cầu phát triển khi đường 782, 784 hoàn chỉnh, giao thông thuận lợi, vị trí gần trung tâm Thị xã có triển vọng thu hút đầu tư trong tương lai nên đề xuất giữ nguyên diện tích quy hoạch được duyệt là 200ha.

Đối với các KCN đang triển khai, chưa có quyết định thành lập, BQL Khu kinh tế tỉnh đề xuất xoá KCN Gia Bình và KCN Bàu Hai Năm do tại huyện Trảng Bàng đã có nhiều KCN với quy mô lớn, độ tập trung các KCN cao, tạo áp lực lớn trong đền bù giải toả, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân và hạ tầng xã hội.

Hiện nay, quỹ đất sạch sẵn sàng cho thuê tại KCN Phước Đông và KCN Bourbon An Hoà còn khá nhiều, không có áp lực về đất sạch để thu hút đầu tư. Mặt khác, các dự án từ khi có chủ trương đến nay triển khai chậm, khả năng triển khai không cao do khó khăn về thị trường và tín dụng. Nếu tiếp tục duy trì quy hoạch đến năm 2015, chưa biết tình hình có khả quan hơn không, càng kéo dài người dân càng bức xúc. Bên cạnh đó, quy hoạch của 2 KCN này có diện tích đất lúa tương đối nhiều trong khi việc sử dụng diện tích đất lúa cho mục đích khác ngày càng bị kiểm soát chặt chẽ.

Đối với KCN Hiệp Thạnh, BQL Khu kinh tế tỉnh kiến nghị giữ nguyên quy hoạch được duyệt 250ha do vị trí quy hoạch tương đối thuận lợi, liền kề với Thị trấn huyện Gò Dầu, có tác dụng hỗ trợ qua lại giữa phát triển đô thị và KCN. Đất thổ cư của KCN này rất ít, không có nhà, khoảng 0,16ha tại vị trí đường vào KCN từ hướng Quốc lộ 22B. Hầu hết là đất nông nghiệp, năng suất không cao, khi chưa có quyết định thu hồi đất thì người dân vẫn có quyền sang nhượng, chia tách sổ đỏ, thế chấp ngân hàng…

Đối với KCN Thanh Điền, hiện có quy hoạch 300ha, BQL Khu kinh tế tỉnh kiến nghị điều chỉnh giảm còn 166ha do không có khả năng mở rộng diện tích, phần diện tích cắt giảm là đất lúa 3 vụ, có hệ thống thuỷ lợi được kiên cố hoá, thuộc diện phải giữ lại theo quy hoạch nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Với những đề xuất trên, theo BQL Khu kinh tế tỉnh, từ nay đến năm 2015, quy hoạch KCN của tỉnh gồm 7 KCN, tổng diện tích đất tự nhiên là 3.958ha, giảm 534ha so với quy hoạch ban đầu (4.492ha). Trong đó, có 5 KCN được thành lập, diện tích tự nhiên theo quy hoạch là 3.542ha và 2 KCN chưa thành lập với diện tích là 416ha.

HY UYÊN