Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bản thảo Thanh Điền - “Ba mươi năm làm nên sự nghiệp anh hùng”
Thứ tư: 10:24 ngày 17/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thật tình cờ, vào dịp kỷ niệm 42 năm giải phóng miền Nam, những ngày tháng 4 vừa qua, mằn mò giữa các chồng tư liệu cũ của Thư viện Tây Ninh, tôi lại tìm ra bản dự thảo cuốn “30 năm làm nên sự nghiệp anh hùng” của Ðảng bộ xã Thanh Ðiền, dự kiến phát hành đúng vào ngày 30.4.1985, dịp kỷ niệm 10 năm giải phóng quê hương.

Bàu Cá Trê hôm nay.

Sách có lẽ còn chưa được in ra, vì một lý do nào đó. Nhưng những trang viết này có một sức hút lạ kỳ, như khi ta đọc những trang ký sự về một vùng đất, con người, những sự kiện lịch sử, những câu chuyện vẫn còn sống động, tươi nguyên.

Xin đi thẳng vào một sự kiện, mà có lẽ các nhà viết sử tỉnh nhà còn đang lúng túng. Bởi qua nhiều cuốn sách đã in, nội dung đã cơ bản thống nhất nhưng thời gian diễn ra còn chênh nhau. Như sự kiện trận đầu tiên đánh Pháp trên đất Thanh Ðiền, cũng là trận đầu chiến thắng của quân dân Tây Ninh thời kỳ “trứng nước”. Trong tập bản thảo, người Thanh Ðiền đã dành riêng cho sự kiện này một chương có tựa đề: “Trận đánh “Bàu Cá Trê” là trận mở màn cho công cuộc kháng chiến của Thanh Ðiền và cho cả Tây Ninh (1945- 1948)”.

Ðấy là một ngày thu: “Lúa mùa hai bên vệ đường số 7 đã chín vàng, có một số đang cắt, gió bấc đang thổi, đường số 7 khô ráo, trên đường không khí lành lạnh, người qua lại rất ít, Nhưng bên trong, những chiến sĩ cách mạng đang rộn rịp chuẩn bị lau chùi súng, sửa soạn dao găm, mã tấu và cung ná. Ðồng bào cũng rìu, rựa, búa đã nắm chặt trong tay…”.

Ðoạn mở đầu là thế đấy! Rất gợi tả, có không khí và tình quân dân ấm áp. Ðường số 7 năm ấy, chính là đường tỉnh 786 hôm nay. Xin kể luôn, nơi này gần cột cây số ghi cách thị xã 3km, cách Bến Cầu (thị trấn) 26km. Bàu Cá Trê vẫn còn kia, ngay sát vệ đường, Năm nay giữa mùa khô bàu vẫn lưng lửng nước, một nửa lục bình, còn lại là rau dừa xanh ngắt. Hỏi ông Tư Mềm nhà ở kế bên, thì ông bảo ngày xưa các cụ kể bàu này nhiều cá trê lắm nên đã thành tên gọi. Nay vẫn còn bàu, mà cá trê đã hết…

Ðoạn quan trọng nhất tới rồi đây: “Ðúng 13 giờ chiều ngày 23.11.1945, hai chiếc xe Jeep của bọn Tây từ Tây Ninh chạy ra hãng đường, dọc hai bên vệ đường, nhứt là phía tay phải, từ đầu ấp Thanh Phước đến Thanh Ðông toàn là rừng và cao su, chúng sợ nên bắn cảnh giới rất dữ. Ðúng 15 giờ chúng quay về. Thấy xe địch quay lại, trinh sát lật đật chạy về đánh mõ trống báo động. Tiếng trống tại Củ Chi Một do hai anh Muôn và Ngọc đánh. Tiếng trống nhà ông Năm Lăng do anh Thệ đánh. Khi nghe tiếng trống đồng bào Thanh Phước, Thanh Ðông ùa ra cắt cây ngã xuống cản đường, bộ đội kéo trụ dây thép cho ngã cúp đầu xuống…”.

Vậy là đã rõ thời gian diễn ra trận đánh Bàu Cá Trê ở Thanh Ðiền: 23.11.1945, đúng hai tháng sau ngày Nam bộ kháng chiến 23.9. Và người chép sách cũng nhớ được tên người chỉ huy các đơn vị tham gia; các anh Hinh, Ngọc, Mẫn chỉ huy một phân đội của lực lượng vũ trang tỉnh, anh Tư Ðẩu cũng là chỉ huy một trung đội của lực lượng vũ trang non trẻ ở tỉnh nhà. Một chi tiết nữa: “Bộ đội ở đây hầu hết là dân Thanh Ðiền và dân cao su từ các sở trên Miên kéo về. Nói là bộ đội nhưng kỳ thật chưa có ai ra trận bao giờ…”.

Diễn biến trận đánh cũng được diễn tả lại chi tiết và sinh động: “Ðịch lọt vòng kích, anh Hinh, anh Mẫn, Cò Kiếm nổ súng… biết là chúng đã bị phục kích, nên bắn xả và cố chạy, chúng đã thoát ba bộ phận trên, vừa chạy đến trước mặt anh Tư Ðẩu, cây trụ dây thép kéo xuống, nhưng không sát đường, chúng cố chạy để ráng qua, anh Tư Ðẩu kịp thời bắn cho một phát, tên lái xe đầu bị thương, xe ngừng lại và 2 chiếc đều dồn một chỗ, súng ta vừa nổ vừa xung phong sát xe, địch không bắn trả được chúng bỏ xe chạy, ta rượt theo…”.

Ðoạn tiếp theo là những diễn biến của các trận càn quét, trả thù của quân Pháp. Ngay chiều hôm ấy, lực lượng tiếp viện kéo ra với cả xe bọc thép (nồi đồng). Chúng đã tìm được hai tên bị thương và lấy xác của 7 tên bị chết. Ngày hôm sau (24.11.1945), lực lượng Pháp và Việt, Miên gian ra càn bố Thanh Ðiền. Những ngày này, người Thanh Ðiền đã bị tổn thất biết bao nhiêu máu, của cải và nước mắt.

Ba người dân bị bắn chết ở cống Ba Miệng là ông Hùm, ông Ðầy và ông Son. Nếu còn nghi ngờ về thời điểm, tốt nhất là tìm lại con cháu họ để biết về ngày giỗ, sẽ xác minh được chính xác ngày diễn ra trận đánh Thanh Ðiền (trong cuốn “Truyền thống cách mạng xã Thanh Ðiền” in năm 2010 thì ngày đánh trận Bàu Cá Trê diễn ra: “ba ngày sau khi Pháp tái chiếm thị xã Tây Ninh”, tức là 11.11.1945).

Vẫn theo lối viết đầy cảm xúc ấy, bản thảo trên đã mô tả nên một thiên nhiên cùng một bức tranh xã hội Thanh Ðiền rất sinh động qua các thời kỳ phát triển. Ðịa danh, nào là Bàu Khỉ, Bàu Nai, trảng Bò Cạp hay đìa Rắn Hổ… Rồi các dòng họ đến khai phá, định cư trên các xóm ấp Thanh Ðiền… Cho đến những sự chèn ép, chiếm đất của các thế lực phong kiến, thực dân.

Có những chi tiết chưa từng được sách nào ghi lại. Như: “Ông thày Ngay, khi hiệp định Giơ- ne- vơ ký kết, ông mang giấy giới thiệu Ðảng từ Ðảng bộ xã An Ninh (Long An) đem về và chi bộ Thanh Ðiền giao cho ông ở chùa Cổ Lâm tự. Ông có một người con là bộ đội hy sinh…”. Hoặc chi tiết: “chính tên Oconel (chủ đồn điền người Pháp) tự ra làm cả (Hương cả) làng Thanh Ðiền và đã truất phế linh vị “thần Thanh Ðiền… buộc tề Thanh Ðiền phải xuống Sài Gòn rước linh vị cha nó về làm thần Thanh Ðiền…” vv…vv…

Dĩ nhiên, sách truyền thống vẫn chủ yếu viết về sự trưởng thành của lực lượng cách mạng và nhân dân xã Thanh Ðiền trong suốt cuộc chiến đấu 30 năm kháng chiến. Biết bao chiến công; cũng là biết bao đau thương mất mát.

Còn rất nhiều nữa trong tập bản thảo đánh máy chữ giấy than đã mờ dần theo năm tháng. Một cuốn sách, có thể chưa đạt yêu cầu là sách lịch sử nhưng lại mang tính chất ký sự lịch sử hay như thế, sao nỡ để “quên” trong lưu trữ đã 32 năm?

TRẦN VŨ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục