BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ: Tiếp nhận tài liệu, hình ảnh lịch sử Bộ đội Sivotha

Cập nhật ngày: 01/12/2013 - 06:20

Bộ đội Sivotha gồm khoảng 600 chiến sĩ người Campuchia, Khmer Nam Bộ và Việt kiều, do Ngô Thất Sơn chỉ huy, chiến đấu giỏi, kỷ luật nghiêm...

(BTNO)- Chiều 29.11 vừa qua, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Võ Hoàng Khải tiếp nhận toàn bộ những tài liệu, hình ảnh lịch sử liên quan đến lực lượng Bộ đội hải ngoại I Nam bộ, sau này gọi là Bộ đội Sivotha do ông Lê Việt Hùng bàn giao.

Theo lời ông Lê Việt Hùng – tên thật là Lê Văn Danh, nguyên Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Tư pháp, hiện là Trưởng ban Liên lạc Bộ đội Sivotha, ngày 10.8.1946, ông Trần Văn Giàu - Bí thư Xứ uỷ kiêm Chủ tịch Uỷ ban hành chánh kháng chiến Nam bộ và là đặc phái viên Bộ Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam thay mặt Bộ Tư lệnh Uỷ ban kháng chiến Hành chánh Nam bộ công bố quyết định thành lập Bộ đội Độc lập số 1 tại chiến khu 4 ở Tà Om, tỉnh Battambang, nước Xiêm (nay thuộc Campuchia).

Đơn vị được lệnh chuyển về nước tham gia kháng chiến Nam bộ, do ông Huỳnh Văn Vàng (tức Dương Tấn) làm Chỉ huy trưởng, ông Ngô Thất Sơn làm Chỉ huy phó, ông Đặng Văn Duyệt làm chính trị viên kiêm Bí thư chi bộ.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Võ Hoàng Khải tiếp nhận tài liệu, hình ảnh do ông Lê Việt Hùng bàn giao.

Khi Bộ đội Độc lập số 1 về đến Nam bộ, tháng 10.1946 đổi tên là Bộ đội Hải ngoại 1 Nam bộ khu 7, rút ông Huỳnh Văn Vàng về công tác ở khu đặc Sài Gòn – Gia Định và chỉ định ông Ngô Thất Sơn làm chỉ huy trưởng Bộ đội Hải ngoại 1. Theo đề nghị của lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, Quân khu 7 cho Bộ đội Hải ngoại số 1 lập căn cứ rừng Cây Cầy (nay thuộc ấp Lưu Văn Vẳng, xã Hoà Hội, huyện Châu Thành) để phối hợp với quân dân Tây Ninh đánh Pháp.

Tháng 10.1948, Bộ đội Hải ngoại 1 được củng cố, tăng cường lực lượng, đổi tên thành Bộ đội Sivotha (hoàng thân Angduong Sivotha - 1841 – 1891, người chỉ huy cuộc nổi dậy phản đối triều đình Norodom I ký hiệp ước với thực dân Pháp để thành lập một chính quyền bảo hộ trên toàn vương quốc Campuchia) hoạt động chủ yếu ở khu vực các tỉnh Đông Bắc Campuchia giáp với Việt Nam như Svay Rieng, Prey Veng, Kampong Cham, Kratíe và Tây Ninh.

Bộ đội Sivotha gồm khoảng 600 chiến sĩ người Campuchia, Khmer Nam Bộ và Việt kiều, do Ngô Thất Sơn (còn có tên Naisơn Sichăn, hy sinh năm 1952) chỉ huy, chiến đấu giỏi, kỷ luật nghiêm. Nhân dân Campuchia quý trọng Ngô Thất Sơn, gọi ông là “Sănk pram (đại tá) Naisơn Sichăn”. Suốt từ năm 1948 – 1954, Bộ đội Sivotha góp nhiều chiến công vào công cuộc kháng chiến chống Pháp của toàn dân tộc. Ngày 21.12.1994, liệt sĩ Ngô Thất Sơn được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Nhà bia trong căn cứ Hải ngoại số 1-Sivotha

Ông Lê Việt Hùng cho biết, hiện nay phần lớn các thành viên trong Ban liên lạc Bộ đội Sivotha đã mất hoặc tuổi cao, sức yếu. Ông hy vọng những tài liệu, hình ảnh lịch sử, hồ sơ công trình Khu di tích căn cứ Cây Cầy sẽ tiếp tục được bảo quản một cách cẩn thận.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Võ Hoàng Khải đã cám ơn Ban liên lạc Bộ đội Sivotha và ông Lê Việt Hùng đã tin tưởng, bàn giao những tài liệu, hình ảnh quý để thế hệ sau tiếp tục gìn giữ nhằm giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng bất khuất của nhân dân ta.  

Đặng Hoàng Thái


 
Liên kết hữu ích