Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tính đến ngày 31.12.2012, toàn tỉnh có 81 di tích lịch sử – văn hóa được lập hồ sơ xếp hạng, trong đó có 23 di tích cấp quốc gia và 58 di tích cấp tỉnh.
(BTNO)- Sau đợt khảo sát công tác quản lý Nhà nước đối với các di tích lịch sử - văn hóa ở một số huyện trên địa bàn tỉnh, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đã có buổi trao đổi, làm việc với Ban lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (Sở VH–TT&DL).
Trong buổi làm việc, phía Sở VH–TT&DL đã có bản báo cáo tổng thể về công tác quản lý Nhà nước đối với các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tính đến ngày 31.12.2012, toàn tỉnh có 81 di tích lịch sử – văn hóa được lập hồ sơ xếp hạng, trong đó có 23 di tích cấp quốc gia và 58 di tích cấp tỉnh. Trong số đó có 70 di tích lịch sử, 4 di tích kiến trúc nghệ thuật, 6 di tích khảo cổ và 1 di tích danh lam thắng cảnh. Điều này cho thấy, hệ thống di tích lịch sử – văn hóa của Tây Ninh vừa có giá trị về lịch sử, dân tộc, văn hóa, vừa đa dạng về loại hình. Tuy nhiên, trong những năm qua, tình trạng xâm hại vẫn còn xảy ra ở một số khu di tích như việc chặt cây, xây dựng trái phép, lấn chiếm đất di tích trồng cây công nghiệp, nông nghiệp… Mặc dù Sở VH-TT&DL đã xử lý kịp thời đối với tình trạng trên nhưng các biện pháp xử lý cũng như bảo vệ di tích vẫn chưa mang tính dài lâu.
Ông Dương Văn Phong, Giám đốc Sở VH-TT&DL, giải trình các vấn đề trong buổi làm việc với Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh. |
Các thành viên của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đã có nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề cấp giấy phép và quyền sử dụng đất cho các khu di tích; vấn đề xâm hại và xử lý các vi phạm ở khu di tích; về quy chế quản lý và việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý khu di tích; những bất cập trong việc trùng tu, tôn tạo và xây dựng các khu di tích… Theo đánh giá của thành viên Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh, qua đợt khảo sát, các khu di tích trên địa bàn tỉnh chưa được quản lý theo chiều sâu, các nội dung xã hội hóa, phát huy giá trị của di tích vẫn chưa thực hiện có hiệu quả.
Từ năm 2007, để thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về di tích, Sở VH-TT&DL đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 19/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phân cấp quản lý di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”. Căn cứ theo đề án, Sở VH-TT&DL đã phối hợp với UBND các huyện, Thị xã triển khai các bước thực hiện phân cấp quản lý và bàn giao hồ sơ từng di tích cho các địa phương phụ trách. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai thực hiện, ngoài những thành tích đã đạt được, đề án cũng là một trong những nguyên nhân gây trở ngại cho việc quản lý, trùng tu các di tích từ huyện đến tỉnh.
Trước các câu hỏi đã đặt ra, ông Dương Văn Phong- Giám đốc Sở VH-TT&DL đã giải thích thấu đáo nhiều vấn đề. Theo ông Phong, trong thời gian tới, Sở VH-TT&DL sẽ đẩy mạnh việc khảo sát và cấp giấy chứng nhận cho các di tích đang “nằm chờ”, đồng thời phối hợp với đơn vị Tỉnh đoàn phát huy hiệu quả giá trị của các di tích lịch sử thông qua những buổi sinh hoạt Đoàn… Ngoài ra, để công tác quản lý các di tích lịch sử-văn hóa chuyên nghiệp và chặt chẽ hơn, Sở VH-TT&DL cũng đang kiến nghị, xin ý kiến về việc thành lập Phòng Quản lý Di sản văn hóa nhằm chia sẻ công việc cho Phòng Nghiệp vụ văn hóa…
Kết thúc buổi làm việc, ông Võ Hoàng Khải- Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đánh giá cao nghiệp vụ của nhân viên Phòng Nghiệp vụ văn hóa, đồng thời yêu cầu Ban Giám đốc Sở chỉ đạo Phòng Nghiệp vụ nắm kỹ từng nội dung trong Quyết định số 19 của UBND tỉnh để công tác quản lý được thực hiện đồng bộ hơn. Ngoài ra, công tác đo đạc đường kính, hoàn chỉnh hồ sơ cấp đất cho khu di tích, làm hàng rào bảo vệ và bản tiểu sử giới thiệu về di tích cũng phải nhanh chóng được thực hiện…
Thùy Dương