BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ban văn hoá xã hội - HĐND tỉnh: Kiến nghị tăng mức chuẩn nghèo cho phù hợp thực tế hiện nay

Cập nhật ngày: 06/07/2009 - 10:37

Đan lát hàng tre trúc - nghề của người nghèo

Năm 2008, bên cạnh sự quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tích cực huy động nhiều nguồn lực tham gia thực hiện các chính sách an sinh xã hội, góp phần ổn định đời sống, giúp các hộ nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo. Cụ thể như triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi hộ nghèo, giải ngân các dự án quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, tổ chức đào tạo nghề, cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ người nghèo về giáo dục, các chương trình khuyến nông-lâm-ngư nghiệp, xây dựng nhà đại đoàn kết và các chính sách bảo trợ xã hội khác. Từ đó đã tác động kéo giảm hộ nghèo trong tỉnh, nếu như năm 2005 hộ nghèo toàn tỉnh chiếm tỷ lệ đến 12,34% thì đến cuối năm 2008 tỷ lệ hộ nghèo chiếm tỷ lệ 7,67%. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn khá cao, vì thế chỉ tiêu đến năm 2010 kéo giảm hộ nghèo xuống còn 2% sẽ rất khó thực hiện. Đồng thời trong lúc nền KTXH của tỉnh bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế thì nguy cơ tái nghèo có khả năng tăng nhanh. Thực tế cho thấy, bên cạnh việc kéo giảm hộ nghèo, thời gian qua cũng đã phát sinh mới 4.924 hộ nghèo.

Nguyên nhân khiến cho việc kéo giảm hộ nghèo chưa được như mong muốn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, là do quá trình thực hiện đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định. Cụ thể như trách nhiệm một số ngành, địa phương chưa thật sự tập trung thực hiện các chương trình, mục tiêu giảm nghèo, sự phối kết hợp giữa các ngành chưa đồng bộ. Kế hoạch phát triển KT-XH của từng địa phương lồng ghép chương trình giảm nghèo còn rất hạn chế. Một bộ phận người nghèo còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội, chưa thể hiện quyết tâm tự khẳng định mình để vươn lên trong cuộc sống. Một số địa phương chạy theo thành tích nên đã “khống chế” tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn so với thực tế. Vấn đề này qua thâm nhập, khảo sát thực tế cuộc sống nhân dân, chúng tôi nhận thấy nơi này nơi khác còn khá nhiều hộ dân gặp nhiều khó khăn nhưng chưa được đưa vào danh sách hộ nghèo. Trong khi đó nhiều hộ đã có được mức thu nhập trên chuẩn nghèo nhưng vẫn muốn có tên trong danh sách hộ nghèo để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tồn tại đó là do quá trình rà soát hộ nghèo, một số rà soát viên chưa điều tra, tìm hiểu kỹ mức thu nhập của từng hộ, việc giám sát của các ngành chức năng cũng chưa đến nơi đến chốn dẫn đến còn nhiều bất cập trong việc xác định hộ nghèo. Mặt khác tiêu chuẩn hộ nghèo áp dụng trong giai đoạn 2006-2010 theo Quyết định số 170/TTg ngày 8.7.2005 là quá thấp, theo quy định hiện hành mức thu nhập bình quân từ 200.000 đồng/người/tháng (tức 2.400.000 đồng/người/năm) trở xuống là hộ nghèo (đối với khu vực nông thôn) và hộ có mức thu nhập bình quân từ 260.000đồng/người/tháng (3.120.000 đồng/ người/năm) trở xuống là hộ nghèo (đối với khu vực thành thị). Nếu áp dụng theo mức thu nhập này thì hộ nghèo không còn bao nhiêu và người nghèo cũng không thể sống nổi với mức thu nhập đó. Thực tế mức thu nhập hiện nay của hộ nghèo đã cao hơn mức quy định này, một ngày công lao động phổ thông hiện nay tối thiểu từ 40.000 đến 65.000 đồng/ ngày, nhưng do giá cả tăng nên cuộc sống của người nghèo gặp nhiều khó khăn.

Sau khi giám sát tình hình thực hiện chính sách giảm nghèo và giải quyết việc làm của tỉnh trong thời gian qua, Ban Văn hoá – Xã hội HĐND tỉnh Tây Ninh đã kiến nghị Chính phủ xem xét tăng mức quy định chuẩn nghèo giai đoạn 2006-2010 cho phù hợp với tình hình đời sống của người dân và giá cả hiện nay. Vấn đề này cử tri cũng đã kiến nghị nhiều lần qua tiếp xúc với đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Ban VH-XH cũng đề nghị cấp trên xem xét quy định bổ sung cán bộ lao động TBXH xã, phường, thị trấn là cán bộ chuyên trách để tăng cường trách nhiệm trong việc thực hiện chương trình giảm nghèo ở cơ sở. Mặt khác kiến nghị Bộ LĐ-TBXH xây dựng khung các ngành nghề đào tạo để tạo điều kiện cho các cơ sở dạy nghề của Nhà nước cũng như của các thành phần kinh tế mở rộng ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề ở địa phương và mở rộng xã hội hoá đào tạo nghề trong thời gian tới.

THUẬN MINH