Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bàn về người đại diện theo dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác
Thứ năm: 10:23 ngày 26/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác nên quy định cụ thể nếu tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật.

Dự thảo Luật các tổ chức kinh tế hợp tác (thay thế cho Luật Hợp tác xã 2012) dự kiến thông qua tại khóa XV - Kỳ họp thứ 5. Dự thảo quy định nhiều điểm mới, trong đó có điểm mới về người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân.

Một buổi hội thảo góp ý dự thảo Luật các tổ chức kinh tế hợp tác. Ảnh: YC

Cụ thể, Điều 37 Luật Hợp tác xã (HTX) quy định chỉ có Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của HTX. Điều này gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX. Trong khi đó, Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 đã cho phép doanh nghiệp có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật.

Để phù hợp hơn, Điều 41 Dự thảo đã sửa đổi như sau:

“1. Trường hợp Điều lệ của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân không quy định cụ thể thì người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân là:

a) Giám đốc đối với trường hợp tổ chức theo mô hình quản trị rút gọn.

b) Chủ tịch Hội đồng quản trị đối với mô hình quản trị đầy đủ.

2. Tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân tự quyết định số lượng người đại diện, quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật được quy định cụ thể tại Điều lệ. Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ thì mỗi người đại diện theo pháp luật đều là đại diện đủ thẩm quyền của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng."

Cần quy định rõ hơn

Nhận xét về điều khoản trên, ThS Từ Thanh Thảo (Trường Đại học Luật TP.HCM) cho rằng, quy định này tồn tại một số bất cập. Dự thảo quy định trường hợp Điều lệ của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân không quy định cụ thể thì người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân là: Giám đốc đối với trường hợp tổ chức theo mô hình quản trị rút gọn và Chủ tịch Hội đồng quản trị đối với mô hình quản trị đầy đủ.

Vậy nếu Điều lệ có quy định cụ thể thì người đại diện theo pháp luật sẽ là ai, tức Điều lệ có thể quy định các chức danh không phải là Giám đốc, Tổng giám đốc và không phải là Chủ tịch Hội đồng quản trị làm người đại diện theo pháp luật được không?

Vì vậy, ThS Thảo cho rằng, dự thảo cần quy định cụ thể nếu trong trường hợp tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật, cụ thể do Điều lệ quy định. Trường hợp Điều lệ chưa có quy định thì Giám đốc đối với trường hợp tổ chức theo mô hình quản trị rút gọn và Chủ tịch Hội đồng quản trị đối với mô hình quản trị đầy đủ là người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân.

Trường hợp tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân có hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật.

Cũng theo ThS Thảo, dự thảo đã gần như “vay mượn” quy định tương ứng về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tại Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Tuy nhiên, dự thảo chưa dự liệu và cũng chưa có quy định tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân có phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam và khi chỉ còn lại một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam thì người này khi xuất cảnh khỏi Việt Nam có phải ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân khác cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật hay không?

Dự thảo cũng chưa dự liệu việc tòa án, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác có được quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật hay không?

Do đó, ThS Thảo kiến nghị bổ sung thêm khoản 3, 4 và 5 vào Điều 41 Dự thảo như sau:

“3. Tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Khi chỉ còn lại một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam thì người này khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho cả nhân khác cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.

4. Trường hợp hết thời hạn ủy quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này mà người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì người được ủy quyền tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân cho đến khi người đại diện theo pháp luật trở lại làm việc hoặc cho đến khi Đại hội thành viên, Hội đồng quản trị quyết định cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân.

5. Tòa án, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân tham gia tổ tụng theo quy định của pháp luật."

Nguồn PLO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục