Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Bàn về sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm
2010-10-26 12:18:00

Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, tập trung vào các nội dung như trích lập quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm, quy định về hình thức doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới…

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Nguyễn Đình Quyền phát biểu ý kiến.

Chiều 26.10, Quốc hội làm việc tại Hội trường cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, tập trung vào các nội dung như trích lập quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm, quy định về hình thức doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới…

Luật kinh doanh bảo hiểm đã được Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 9.12.2000, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.4.2001 là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Về cơ bản, các quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành là phù hợp với các yêu cầu của hoạt động kinh doanh bảo hiểm; tạo điều kiện cho thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển nhanh cả về số lượng, quy mô và loại hình doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.

Doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm bình quân tăng 27%/năm và tính đến hết năm 2009 đã tái vốn đầu tư trở lại cho nền kinh tế tăng 13 lần so với năm 2000.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm lần này dựa trên cơ sở đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành và xuất phát từ những nhu cầu bức xúc trong thực tế hoạt động. Các nội dung sửa đổi, bổ sung được chuẩn bị kỹ, đã tiếp thu ý kiến của các đối tượng có liên quan, nhất là các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Phạm vi và các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 3 nhóm vấn đề, liên quan đến 10 nội dung tại 16 điều trong tổng số 129 điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành.

Đó là sửa đổi, bổ sung để phù hợp với cam kết Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; sửa đổi để phù hợp với các luật có liên quan; sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm ổn định và bền vững.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung để thực hiện cam kết của Việt Nam gia nhập WTO, bao gồm về cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, về phân loại nghiệp vụ bảo hiểm, về tái bảo hiểm bắt buộc. Các nội dung sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các luật có liên quan, bao gồm sửa đổi quy định về hình thức doanh nghiệp, về các vấn đề liên quan đến đấu thầu, hợp tác và cạnh tranh.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao yêu cầu quản lý nhà nước bao gồm điều kiện cấp phép, đại lý bảo hiểm, chức năng quản lý nhà nước, bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm. Chính phủ đề nghị Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 1.7.2011.

Các đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh), Ngô Quang Xuân (Đồng Tháp), Nguyễn Tiến Quân (Quảng Nam), Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) và nhiều đại biểu cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật là cần thiết để phù hợp với cam kết Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm ổn định và bền vững.

Các đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu đưa ra quy định nhằm khuyến khích phát triển thị trường bảo hiểm trong nước và cho phép mở rộng hơn nữa các loại hình bảo hiểm.

Cho ý kiến vào nội dung trích lập quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm, các đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau), Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh), Phạm Thị Loan (Hà Nội) và nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình và cho rằng việc trích lập quỹ là cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm bởi thực tế hiện nay, người tham gia bảo hiểm chưa được bảo vệ thỏa đáng.

Một số đại biểu tán thành việc thành lập quỹ nhưng bày tỏ băn khoăn và đặt câu hỏi: cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm quản lý quỹ trên... Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít ý kiến phản đối việc thành lập quỹ vì cho rằng không cần thiết và không thực tế.

Các đại biểu góp ý vào vấn đề sửa đổi quy định về hình thức doanh nghiệp quy định tại điều 59 dự thảo Luật đề nghị bổ sung thêm quy định về loại hình kinh doanh bảo hiểm cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp hiện hành.

Vấn đề cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của các đại biểu, nhưng cũng bày tỏ lo ngại khi mở cửa thị trường bảo hiểm, thông qua cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, khiến doanh nghiệp trong nước bị “lép vế” trước doanh nghiệp nước ngoài.

Các đại biểu Ngô Quang Xuân (Đồng Tháp), Phạm Thị Loan (Hà Nội) tán thành việc cho phép cung cấp loại dịch vụ này cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam và cho rằng điều này phù hợp với cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và phù hợp xu hướng phát triển thị trường bảo hiểm thế giới.

Đại biểu Ngô Quang Xuân nhận định, không nên quá lo lắng về việc mất thị trường, vì Nhà nước đã có biện pháp để bảo vệ doanh nghiệp bảo hiểm trong nước, bên cạnh đó, doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam cũng bắt đầu lớn mạnh, có khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài...

(Theo TTXVN/Vietnam+)
Từ khóa:
Tin liên quan