BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ban VH – XH HĐND tỉnh: Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về di tích lịch sử văn hoá

Cập nhật ngày: 09/04/2010 - 05:48

Để đánh giá thực trạng di tích lịch sử, văn hoá trên địa bàn tỉnh, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, cũng như ý thức của người dân trong việc tham gia quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích, các di vật, cổ vật của địa phương…, vừa qua, Ban Văn hoá – Xã hội đã tổ chức giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn tỉnh, cụ thể tại các huyện như: Trảng Bàng, Bến Cầu, Gò Dầu, Tân Biên, Hoà Thành và một số xã trên địa bàn các huyện này.

Địa đạo Lợi Thuận đã xuống cấp nghiêm trọng.

Qua làm việc với chính quyền các huyện, xã, nhìn chung, công tác quản lý Nhà nước về di tích lịch sử văn hoá đã được các địa phương quan tâm hơn, nhất là sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định 19/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phân cấp quản lý di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn tỉnh. Kinh phí Nhà nước chủ yếu tập trung đầu tư cho một số di tích lịch sử cách mạng như: Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Ban An ninh Miền, Căn cứ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Căn cứ lõm vùng ruột Gò Dầu, Núi Bà Đen,… Đối với các di tích lịch sử văn hoá mang tính chất tín ngưỡng, tôn giáo như đình, chùa, đền thờ,… phần lớn do nhân dân đóng góp tiền của, công sức để bảo quản, trùng tu, sửa chữa. Bên cạnh đó, ở các địa phương ngành Văn hoá -Thông tin phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, giao cho trường chăm sóc và bảo vệ di tích, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống văn hoá của dân tộc cho học sinh.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện tại nhiều di tích lịch sử văn hoá đang rơi vào tình trạng xuống cấp, trong khi kinh phí sửa chữa, tu bổ hằng năm gần như không có, ngân sách địa phương còn khó khăn nên việc đầu tư trùng tu, tôn tạo cho các di tích còn rất hạn chế, các huyện hầu hết đều chưa có kế hoạch, đề án trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp di tích theo Quyết định 19/QĐ-UBND. Cụ thể qua giám sát cho thấy, các di tích cách mạng như Căn cứ Huyện uỷ Toà Thánh (Hoà Thành), Căn cứ Huyện uỷ Trảng Bàng tại vùng Tam Giác Sắt (Rừng Khỉ) và Căn cứ Huyện uỷ Bến Cầu (Rừng Nhum) hiện nay chỉ mới được khoanh vùng bảo vệ, chưa được đầu tư xây dựng quy mô như một số di tích căn cứ khác; nhiều di tích hiện đã xuống cấp và đang bị xâm hại như Địa đạo Lợi Thuận (Bến Cầu) qua nhiều năm đã bị đất vùi lấp, lối vào địa đạo đang mất dần; Đình An Tịnh (Trảng Bàng) xảy ra tình trạng tự ý chặt cây trong khuôn viên đình, Chùa Bửu Long (Bến Cầu) trụ trì chặt cây, xây dựng các công trình trong khuôn viên di tích không xin phép cơ quan quản lý Nhà nước; một số hộ dân xây dựng nhà ở trong khuôn viên di tích (di tích Thành Bảo xã Long Giang, di tích Bến Đình,…). Ngoài ra, một số di tích đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (di tích tại Trảng Bàng).

Kết thúc cuộc giám sát, Ban Văn hoá – Xã hội đề nghị các huyện hằng năm cần xây dựng kế hoạch trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích, làm cơ sở để đề xuất cấp thẩm quyền phân bổ kinh phí và huy động sự đóng góp của nhân dân, thực hiện xã hội hoá trong bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Mặt khác, cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục ý thức cho người dân, nhất là đối với các em học sinh, tích cực thực hiện phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” ở tất cả các địa phương có di tích để nâng cao ý thức bảo vệ và giữ gìn những giá trị của di tích. Đối với các hành vi xâm hại di tích cần xử phạt nghiêm để răn đe, ngăn chặn.

NM