BAOTAYNINH.VN trên Google News

Truyện ngắn

Bằng lăng mùa cuối

Cập nhật ngày: 23/02/2020 - 22:50

BTN - Điều lạ là từ ngày má có giấc mơ về chú Hai Đực, cây bằng lăng không ra hoa nữa. Nên Út mặc nhiên xem đó là mùa hoa cuối, cây cũng có tâm hồn đồng cảm với con người. Má không còn, cây bằng lăng không ra hoa, Út lại cần cái sân có mái che cho có chỗ công nhân ngồi tỉa nhãn.

Anh Út muốn cán cái sân, làm hẳn mái che cho mát căn nhà nhưng vướng hai cây bằng lăng trước sân nên cứ trù trừ. Thật ra thì cưa bén đi là xong, có gì mà lo nghĩ. Nhưng đó là cây bằng lăng má anh từng rất thích, loại bằng lăng rừng, hoa tím phơn phớt nở suốt cả mùa hè, lá non chát chát nâu hồng ăn được chứ không phải loại bằng lăng chuỗi tím rực nở ngoài lề đường làm sinh cảnh.

Hôm nay lại có hai người vào hỏi mua, dù giá rẻ bèo nhưng anh Út cũng quyết bán vì ít ra nó sẽ còn được sống, hơn là anh cưa bỏ đi.

Mười lăm năm trước, anh Út trồng hai cây bằng lăng này khi má anh năm mươi sáu tuổi, không còn đảm nhiệm công việc nhà nước nào. Bà bảo, giờ mới có thời gian chăm hoa chăm kiểng. Trồng bằng lăng vừa có bóng mát, vừa có hoa ngắm và có lá non để ăn.

Mà phải là bằng lăng rừng má mới chịu. Út cười cười vì biết tỏng, má muốn trồng cây bằng lăng là để nhớ một người, nhớ mối tình đầu mãi mãi là “tình chỉ đẹp” của má. Út cất công ba ngày để đi dọc mấy bờ suối, bờ ruộng, ra cả gò Duối rồi cuối cùng mới tìm được hai cây bằng lăng này ở Trảng Dầu, khu vực giáp cầu Rạch Rễ.

Má đã đào hố, chuẩn bị luôn mấy đoạn trúc ngắn làm rào để trồng cây bằng lăng xuống cho bọn gà khỏi đào bới. Má chăm sóc hai cây bằng lăng hằng ngày, hết tưới tắm thì tới hốt phân bò cho vào gốc. Nhiều khi Út giả bộ phàn nàn “Trời ơi, con là con trai út của má hay cặp cây đó là trai út của má vậy?”. Má chỉ cười.

Rồi trong một đêm trăng mùa hạ của hai năm sau ngày trồng, cây bằng lăng đã ra mùa hoa đầu tiên. Má đã kể cho Út nghe vì sao má yêu màu hoa bằng lăng đến vậy.

Đó là năm má mười sáu tuổi…

Cũng như bao cô gái mới lớn thời đó, đất nước chưa thống nhất nên cuộc sống hãy còn khốn khó lắm. Ban ngày má cũng các cô, dì trong xóm đi cấy lúa, trỉa đậu, chặt hom mì, giẫy cỏ... Nhưng nhớ là chiều vừa ngả nắng thì phải về không được cố làm dù công việc còn nhiều đến đâu. Bởi đất Năm Trại dài ra đến đồn Trường Lưu này “ngày quốc gia/ đêm Việt cộng” đấy. Con gái con đứa, không nên ra đường khi trời tối, sẽ gặp nhiều nguy hiểm.

Má mười sáu tuổi có biết gì, người lớn bảo sao nghe vậy. Ngày ngày cũng đi từ Trường Đức vào Năm Trại trỉa đậu, cắt lúa, giẫy cỏ chiều sụp nắng thì trở về cùng nhóm dì, cô, thím… trong xóm.

Dáng má nhỏ nhắn nhanh gọn nên việc gì cũng nhanh, giẫy cỏ thì đi hàng ngang nhưng sau mươi phút, má đã lên đầu liếp, rồi quay lại “rước” những người lớn tuổi vì tay họ đã già, cây cuốc cầm đã chậm đi.

Má cứ làm việc của sức gái mới lớn, nhanh nhẹn và khoẻ khoắn. Ai ngờ đã được các chú, các anh ở Năm Trại chú ý. Một hôm có hai chú từ mé suối đi lên, đã nhờ má và nhóm chị em đang giẫy cỏ mua giúp một ít thuốc rê vì các chú ở trong này chăn vịt, mà đêm thì lạnh quá. Má nhanh nhảu “Mua thuốc rê thì dễ ợt nhưng mai cháu mới đem vô cho mấy chú nhen”. Họ gật đầu và hẹn mai gặp lại.

Má không ngờ con đường theo cách mạng của má bắt đầu từ đó.

Chỉ là mua ít đồ dùng cho các anh các chú, trả lời giùm các chú xem ban đêm ở xóm của má có yên tĩnh không, bà con có ngủ yên giấc không, hay có tiếng đạn rơi, bom nổ nào. Lúc ấy, má không biết các chú “là Việt cộng” đâu, chỉ nghĩ là các chú chăn vịt, ở xa đến không có điều kiện ra chợ hoặc “Đi thì bỏ đàn vịt ai trông” như lời các chú nói. Thì má mua giúp giùm thôi, vài món nhu yếu phẩm như thuốc rê, vỉ Paracetamol, bịch bông gòn, chai cồn thôi mà.

Vậy mà có lần đi qua đồn Trường Lưu cũng bị xét và giữ lại hỏi lý do trong giỏ có những vật này. May là má nhanh trí, đưa cái chân đứt của mình ra, rằng nhà nghèo quá, chân bị cuốc giẫy cỏ cuốc trúng mà vẫn không nghỉ, phải đi làm và đem theo bông băng thuốc uống giảm đau.

“Còn rê thuốc này?”

“Dạ thì lỡ… chân có bật máu trở lại thì dùng thuốc rê cầm máu ạ”.

Nhìn cô gái bé nhỏ nhanh nhảu với cái chân đứt thật sâu nên họ thương và cho má đi, nhưng tất cả vật dụng đều giữ lại. Má mừng muốn khóc, vì nếu cái chân má không đứt thật, có lẽ má đã bị bắt rồi.

17 tuổi má về thưa với ngoại rằng con xin được theo cách mạng bởi đơn giản đời ai cũng một lần chết. Con không muốn một cái chết uổng phí tuổi thanh xuân. Tuổi của con bây giờ, muốn an yên thì nay mai sẽ phải lấy chồng hoặc sẽ bị bức hiếp. Thôi mẹ cứ cho con theo các anh các chú, làm được gì thì làm.

Ngoại khóc hết nước mắt vì chồng vừa chết vì bom đạn, giờ đứa con gái duy nhất lại đòi dấn thân vào chốn tên bay. Nhưng ngoại không ngăn cản, nhà còn đây, con cứ tham gia công việc với các anh các chú, rồi tối về nhà ngủ cho làng xóm khỏi nghi ngờ. Hằng ngày, con cứ đi giẫy cỏ, trỉa đậu chỉ là cho có công việc thôi, còn “việc cách mạng” các chú nhờ, con cứ làm.

Mà việc các chú nhờ cũng dễ lắm, nay đi đến chú Sáu thưa lại việc chú Ba muốn hỏi. Rồi đến chú Bảy nhận lời chú nhắn về thưa lại với chú Năm. Sáng nay trên đường từ nhà vô Năm Trại làm, cháu có thấy gì lạ không? Đêm qua xóm cháu có nhiều tiếng chó sủa, nhiều bước chân chạy rầm rập hay bình an yên giấc? À mà cháu có biết nhà anh Hai, anh Ba con ông bà Năm Xàng ở xóm cháu đó, cháu biết không?

Má đã làm công việc giao liên như thế suốt 2 năm dài và mối tình đầu cũng nảy sinh từ đây. Chỉ khốn khổ là người ấy hơn má đến 8 tuổi và má luôn gọi bằng “chú”.

Ngày đó… Năm Trại là cụm rừng “da beo” chứ không phải liền lạc cả khu rừng hàng chục ha như bây giờ. Vì sao có địa danh “Năm Trại”? Vì mỗi cụm rừng sẽ được cất một lán trại để các đoàn chiến sĩ từ miền Tây vượt sông Vàm Cỏ Đông về đây nghỉ ngơi một đêm lấy sức để mai lại về căn cứ Trung ương  Cục. Toàn cụm rừng da beo này có đến năm lán trại của quân cách mạng nên người dân gọi là “Năm Trại”.

Điều đặc biệt là chỉ có người dân mới dám đi vào vùng Năm Trại mà làm lúa, trỉa đậu. Bởi để vào được Năm Trại phải long mình qua trảng Ông Tên, trảng này vốn là đất chân không, quanh năm đầy nước, người không rành về địa hình dễ bị lún lầy đến chết. Lính ở đồn Trường Lưu biết trong Năm Trại có quân cách mạng nhưng không dám mạo hiểm vì không rành địa hình lòng trảng, càng sợ bom mìn mà quân cách mạng cài đặt đâu đó.

Hôm ấy má đi làm thật sớm, đâu tầm khoảng 5 giờ sáng, trên vai vẫn là cây cuốc cùng chiếc giỏ bàng nhỏ đựng gà- mên cơm. Sau lưng má vẫn ríu rít tiếng cười nói, chào hỏi của đàn ông đàn bà trong những bộ quần áo bà ba bạc thếch. Người ta vác cuốc, vác phảng, vác bắp cày đi cùng chiều với má như mọi ngày, chẳng có gì đáng nghi.

Nhưng rồi khi sắp tới mé trảng, nghĩa là mọi người đều phải vo quần, cột chặt vật dụng lên lưng hoặc đội lên đầu để chuẩn bị long mình qua trảng thì má bị một người đàn ông đi sau lưng bước tới kéo má té ập xuống bờ trảng “có người theo dõi cô”.

Một loạt đạn nổ lên, má không biết gì cả, vì đã té xuống trảng, uống hết mấy ngụm nước lẫn bùn. Bà con đi làm đồng la hét vang trời, một ngày tang thương vì chưa thấy bóng bình minh mà đã có máu đổ. Má không lộn ngược lên mé trảng để trở về Trường Đức, mà long mình vô luôn Năm Trại thì mới hay “chú” Hai Đực đã được lệnh ra mé đồn Trường Lưu bảo vệ má vì có tin rằng sáng ấy lính đồn sẽ phục kích để tiêu diệt giao liên của Năm Trại.

Hai Đực chính là người thanh niên hơn má 8 tuổi, người đã làm con tim tuổi 18 của má xao động. Trông chú già hơn tuổi rất nhiều, giọng nói trầm trầm nhưng rặt miền Tây, những cá gô, cái ghế nhấc nồi cứ làm má cười nghặt nghẽo. Chú có biệt tài ráp cây làm lán trại rất nhanh, bản thân mình có hẳn một ngôi nhà treo trên cây thật gọn gàng.

Chú dạy má cách đan lưới cá, đặt bẫy chim, quan trọng nhất là tác phong của người làm giao liên cứ phải tỉnh như không “làm mà như không làm” mới mong qua mắt được bọn lính đồn.

Những buổi trao đổi cùng nhau như thế, họ đều ngồi dưới cây bằng lăng tím màu hoa, cánh hoa nào rơi cài lên tóc má khiến chú nhìn rồi phải quay đi trong ánh mắt sững sờ. Má yêu tính cách trầm trầm đó, yêu giọng nói rặt miền Tây Nam bộ đó, yêu đôi bàn tay thoăn thoắt đan lưới, nhanh nhẹn chặt cây đó. Nhưng khổ nỗi, ngay từ lần gặp ban đầu, má đã gọi người ấy bằng “chú” mất rồi.

Má hay trêu chú rằng: “Người giỏi như chú Hai vầy, mai này lấy vợ chắc vợ được nhờ lắm đó”. “Tui chưa tính chuyện vợ con đâu cô Ba, đời trai nay đây mai đó, chuyện non sông đất nước chưa biết ngày nào xong thì tính vợ con làm gì?”. “Nhưng rồi một ngày nào đó chú cũng lập gia đình chứ?”. “Thì chắc vậy… nhưng tui chỉ ưng người nào cùng chí hướng với tui thôi”.

Má đơn phương xem đó là lời hẹn ước.

Vậy mà hôm ấy, chẳng biết vô tình hay hữu ý, người đó nhận nhiệm vụ đi bảo vệ má để rồi súng đã nổ.

Má hớt hải trèo lên bờ trảng đi về phía Năm Trại thông báo tình hình. Các chú trầm ngâm gật gù. Tin bay về Năm Trại, đồng chí Hai Đực vì bảo vệ giao liên của mình nên đã hy sinh. Xác đã bị chúng đem về đồn Trường Lưu.

Cả Năm Trại như dậy sóng. Má khóc như mưa khiến chú Sáu phải gắt “Bây nín đi! Khóc quá, các chú rối càng rối thêm”.

Kế hoạch công đồn cướp xác đồng đội được vạch ra.

Má xung phong làm người dẫn đường. Nhưng không được vì lính đồn đã biết mặt má, một lần bắt lại vụ thuốc rê, bông gòn rồi. “Bây cứ ở yên đây, để các chú tự lo. Dù gì cũng không thể bỏ đồng chí Hai Đực”. Chú Sáu quyết định.

* * *

Chiến tranh qua đi, má về tham gia công tác ở Hội Phụ nữ huyện, có khi điều chuyển qua Ban Dân vận, khi lại về Hội Chữ thập đỏ. Rồi lấy chồng là đồng nghiệp và sinh ba đứa con. Hai cô con gái của má đều học hành giỏi giang và về Sài Gòn làm việc. Chỉ có trai út thương vùng đất má từng đổ mồ hôi và nước mắt thời thanh niên nên anh ở lại quê nhà làm một nông dân chính hiệu.

Bây giờ anh là một chủ vườn nhãn chuyên canh VietGAP. Ba mất từ khi Út lên lớp 12, một mình má tảo tần nuôi con nên người, định hướng công việc, giúp đỡ tinh thần và vật chất. Nên khi má về hưu, nói muốn trồng hai cây bằng lăng “giăng võng nằm cho mát” thì Út cũng cố gắng đi tìm cho được.

Má cũng giăng võng nằm dưới bóng cây bằng lăng cả chục mùa hoa, nhưng lần nào Út cũng thấy mắt má rưng rưng ngấn lệ. Đặc biệt là khi má bảy mươi tuổi, bằng lăng trổ hoa kín từ gốc lên đến ngọn cây, nhiều cánh hoa còn chìa tay dài ra thòng ngược xuống đất rất đẹp.

Lần đó nằm nghỉ trưa dưới gốc bằng lăng dậy thì má kể với Út về giấc mơ hồi má còn đi làm giao liên, rằng trong giấc mơ má thấy bác Hai Đực không có chết, ông bảo rằng, ông vẫn ở bờ trảng chờ má quay lại. Sao má chạy tuốt vào Năm Trại mà không quay lại tìm ông? Má khóc tu tu: “Có phải vì má không tìm ông nên vết thương ra nhiều máu quá làm ông chết không Út?”. Út xuề xoà qua chuyện, rằng mơ là ngược với sự thật. Tên ông giờ đã được khắc trên nhà bia tưởng niệm của xã rồi còn gì.

Ba Út rất tốt với má, có với nhau ba mặt con, Út luôn thấy ba lúc nào cũng là hậu phương của má. Công việc của má thất thường, đi sớm về khuya, không có ngày chủ nhật… ba đều lo hết việc nhà, cơm nước, giặt giũ, ủi cho má từng cái áo. Bởi ba nghỉ hưu non từ lâu. Ba luôn bảo Út “Má con là người của xã hội, đàn bà mà giỏi việc nước đảm việc nhà thì cực khổ lắm, nên cha con mình giúp được cái gì thì giúp. Hồi đó ba ham làm nông dân nên ba nghỉ hưu sớm. Má bây yêu công tác xã hội nên để bả làm. Việc nhà tao lo hết”.

Vậy mà ba mất khi chưa đầy sáu mươi.

Khi ấy còn chưa có hai cây bằng lăng trước nhà.

Bảy mươi mốt tuổi, má Út mất. Cũng đã ba năm nay rồi, chắc má đã về trời an hưởng cảnh thần tiên. Điều lạ là từ ngày má có giấc mơ về chú Hai Đực, cây bằng lăng không ra hoa nữa. Nên Út mặc nhiên xem đó là mùa hoa cuối, cây cũng có tâm hồn đồng cảm với con người. Má không còn, cây bằng lăng không ra hoa, Út lại cần cái sân có mái che cho có chỗ công nhân ngồi tỉa nhãn. Mùa mưa cũng có chỗ cao ráo mà đóng thùng nhãn.

Vậy nên Út quyết định bán hai cây bằng lăng dù chỉ có hơn triệu bạc. Vỗ vỗ thân cây, Út thì thầm: “Về với người ta thì ra hoa lại nhé. Bà già tui đã an vui miền cực lạc rồi, các bạn cũng nên cười với chủ mới chứ ha”.

Những tán lá già cỗi xì xào xì xào buông từng cơn gió.

Đ.P. T. T