baotayninh.vn

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Báo chí là để phục vụ nhân dân

Cập nhật ngày: 20/06/2009 - 02:39

Bác Hồ đọc báo Vệ Quốc Quân

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Nói đến Bác, là nói đến tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của Người.

Với Bác, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Người vẫn luôn quan tâm đến sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Chữ “tâm” trong báo chí được Bác đặt lên hàng đầu - Đó là trách nhiệm, là bổn phận, là lương tâm trong sáng, viết cho lẽ phải, cho lợi ích nhân dân và cho cách mạng, không hề có tư tưởng vụ lợi cá nhân. Với Bác, khi đặt bút viết một bài báo, một tác phẩm, đều phải đặt lợi ích của nhân dân làm đầu. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác đã theo dõi từng bước trưởng thành của báo chí cách mạng. Bác đã viết khoảng hơn 2.000 tác phẩm báo chí, ký bằng 174 tên gọi, bí danh khác nhau. Đó là những tác phẩm lý luận quan trọng, là cẩm nang chỉ đường cho Đảng và nhân dân ta trong các giai đoạn cách mạng. Nói về mục tiêu của báo chí cách mạng, trong phát biểu tại Đại hội lần thứ hai Hội Nhà báo Việt Nam ngày 16.4.1959, Người chỉ rõ: “Báo chí của ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ cho nhân dân. Mục đích của chúng ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, giữ gìn hoà bình thế giới. Mỗi tờ báo như báo của nông dân, báo của công nhân, báo của thanh niên, báo của phụ nữ… nên có đặc điểm của nó”. Theo Người, giữa cách mạng và báo chí có sự thống nhất, có mối quan hệ mật thiết với nhau, bởi vì “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Đối với một vấn đề, mọi người bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hoá ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân…”. Với Bác, chân lý là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Và đó cũng là đích phấn đấu của báo chí cách mạng Việt Nam trong suốt chặng đường lịch sử 84 năm qua. Để thực hiện được chân lý đó, Người khẳng định: “Phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”. Xuất phát từ mục đích hoạt động của báo chí cách mạng là vì dân và từ vai trò to lớn của báo chí đối với xã hội, Bác nhắc nhở người làm báo: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết…”. Các bài viết của Bác thường ngắn gọn, nhưng súc tích, đầy đủ ý nghĩa. Để báo chí luôn là diễn đàn của nhân dân, Người khẳng định: “Một tờ báo không được đại đa số (dân chúng) ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo”. Người còn nói thêm: “Báo chí của ta phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới”.

Về trách nhiệm của báo chí, Người cho rằng: “Để báo chí hoàn thành sứ mệnh là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và quần chúng; là cầu nối giữa các quốc gia, là phương tiện để các cộng đồng hiểu biết nhau hơn, cho nên, làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết”. Lời dạy của Bác cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.

Bác đã đi xa, nhưng tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác đã thấm sâu vào từng người con đất Việt. Đó cũng là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng, trong đó có báo chí cách mạng Việt Nam. Suốt chiều dài lịch sử 84 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, nội dung và hình thức. Cùng với sự phát triển của báo chí cách mạng cả nước, báo chí địa phương Tây Ninh đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của tỉnh nhà trên lĩnh vực truyền thông đại chúng. Tư tưởng, tấm gương đạo đức và lời dạy của Bác được mỗi người làm báo đặt lên hàng đầu, lấy đó là mục tiêu phấn đấu và xây dựng lý tưởng trong sáng, cao đẹp trong đời cầm bút của mình.

ĐẶNG TỐ TUẤN