Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bảo đảm an toàn giao thông đường sắt
Thứ bảy: 08:20 ngày 29/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn cả nước xảy ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt thảm khốc tại các điểm đường sắt giao cắt với đường bộ (đường ngang) mà nguyên nhân chủ yếu do người tham gia giao thông thiếu quan sát.

Ngày 24-4 vừa qua, tàu TN1 chạy hướng bắc-nam, khi đến đường ngang dân sinh thôn Cảnh An 2 thuộc xã Phước Thành, huyện Tuy Phước (Bình Định) đã tông vào xe ô-tô bảy chỗ BKS 78A-036.52 đang băng qua đường sắt (đường ngang này chỉ có đèn tín hiệu, không có rào chắn). Hậu quả, vụ tai nạn đã khiến bốn người trên xe ô-tô chết, hai người bị thương nặng. Trước đó, vào ngày 18-3, tại huyện Vân Canh (Bình Định), tàu khách SQN4 tông vào xe tải BKS 77C-073.56 khiến hai người chết và làm đường sắt qua khu vực tê liệt nhiều giờ. 

Theo thống kê của ngành đường sắt, trên toàn mạng đường sắt dài hơn 3.100 km có gần 5.800 đường ngang, nhưng chỉ có hơn 1.500 đường ngang hợp pháp, còn lại hơn 4.200 đường ngang dân sinh bất hợp pháp, luôn tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Trung bình, cứ 1 km đường sắt có 1,85 đường ngang và khoảng 80% số vụ TNGT đường sắt đều xảy ra tại các điểm giao cắt này. Việc bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) tại hơn 4.200 đường ngang bất hợp pháp là vấn đề không hề đơn giản. Thậm chí, ở một số địa phương, vẫn còn tình trạng người dân tự ý mở thêm đường ngang, nhiều đoạn chưa đầy 500 m nhưng có tới ba đường ngang.

Có thể thấy, nguyên nhân trực tiếp khiến các vụ TNGT đường sắt gia tăng thời gian qua, xuất phát trực tiếp từ hành vi vi phạm của những người điều khiển phương tiện qua đường ngang.

Đồng thời, cũng cần xác định trách nhiệm của chính quyền một số địa phương có đường sắt đi qua; của ngành đường sắt do chưa quyết liệt, hiệu quả trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT tại các đường ngang cũng như xác định và xử lý trách nhiệm của địa phương, đơn vị có liên quan. Bên cạnh đó thì trong một thời gian dài, hệ thống đường gom, hàng rào bảo vệ hành lang an toàn đường sắt chưa được quan tâm đầu tư, nhiều vị trí không có gờ giảm tốc, vạch dừng; tầm nhìn tại các đường ngang bị hạn chế.

Cách đây ít lâu, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xin nguồn vốn trung hạn 7.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho ngành đường sắt, tập trung nâng cao kết cấu chạy tàu và các đường ngang; kéo dài một số đường ga, mở thêm các ga mới; xử lý các đường gom, rào chắn, ba-ri-e,… bảo đảm khai thác an toàn. 

Để hạn chế các vụ TNGT đường sắt, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tăng cường phối hợp trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT tại các đường ngang và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền, các tổ chức liên quan. Ngoài ra, ngành đường sắt cần chủ động cung cấp giờ tàu chính xác tại vị trí giao cắt cho nhân viên cảnh giới.

Chính quyền địa phương cần có biện pháp quyết liệt, cương quyết xóa bỏ các đường ngang bất hợp pháp, xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương nếu để người dân tự ý mở đường ngang trái phép.

Tại các khu công nghiệp, khu dân cư mới có nhu cầu phát sinh đường ngang, chính quyền địa phương phải hoàn thiện hồ sơ để lên phương án xây dựng đường gom phù hợp, bảo đảm an toàn cho người dân và an toàn chạy tàu.

Tại các cơ sở đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, cần đưa nội dung về ATGT đường sắt vào tập huấn, coi đây là kỹ năng bắt buộc, áp dụng biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với người cố tình vi phạm quy định về an toàn đường sắt.

Nguồn Báo Nhân dân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục