Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tươi sống từ gia súc, gia cầm tăng mạnh. Để phục vụ tốt nhu cầu thị trường, người chăn nuôi đang tập trung tái đàn, chăm sóc, vỗ béo đàn vật nuôi.
Nhằm hạn chế rủi ro trong chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y và các địa phương trong tỉnh đang tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi theo chỉ đạo của ngành Nông nghiệp tỉnh, trong đó, chú trọng công tác tiêm phòng vaccine tạo miễn dịch chủ động cho đàn vật nuôi; thực hiện nghiêm việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, tránh tình trạng phát sinh dịch bệnh và lây lan trên diện rộng, nhất là thời điểm giao mùa như hiện nay.
Người chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch bệnh
Từ đầu tháng 10.2024, ông Đỗ Đăng Chinh- chủ trang trại chăn nuôi gia cầm ở ấp Hiệp Phước, xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành đã thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại, xử lý chất thải, bảo đảm an toàn trước khi thả nuôi hơn 1.000 con gà thịt.
Theo ông Chinh, dịp cuối năm, nhu cầu của thị trường thường tăng cao, việc tái đàn đón mùa tết được các hộ chăn nuôi tập trung khoảng thời gian từ cuối tháng 9 đến tháng 11 hằng năm.
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm thời tiết giao mùa, các dịch bệnh trên vật nuôi dễ phát sinh nên ngoài việc nhập con giống có chất lượng, bảo đảm nguồn gốc, đồng thời tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh do cán bộ thú y địa phương hướng dẫn, ông Chinh còn vệ sinh chuồng trại trước và trong lúc chăn nuôi, như: Khơi thông cống rãnh, tránh để ẩm ướt; toàn bộ nền chuồng, tường phải sử dụng vòi tăng áp bơm nước rửa sạch, vệ sinh sạch sẽ các trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi...
Bên cạnh tập trung phòng ngừa dịch bệnh, ông Chinh luôn chú trọng đến chế độ dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung thêm vitamin và điện giải trong nước uống giúp đàn gà nâng cao sức đề kháng, chống chọi với thời tiết khắc nghiệt và ngăn chặn nguy cơ mầm bệnh xâm nhập.
Theo ông Chinh, hiện nay, giá bán các loại thức ăn chăn nuôi cho gia cầm vẫn đang ở mức cao nên các hộ chăn nuôi quy mô lớn, không có liên kết với các doanh nghiệp sẽ không tăng sản lượng nuôi như những năm trước, do đó, ông hy vọng đợt xuất bán sắp tới sẽ đạt lợi nhuận cao hơn.
Ông Nguyễn Văn Công, ngụ xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu đang chăn nuôi 30 con heo con 3 tháng tuổi. Nếu tình hình chăn nuôi tiếp tục ổn định, dự kiến, đàn heo của gia đình ông sẽ xuất chuồng trước tết nguyên đán.
Theo ông Công, đầu tháng 11 vừa qua, gia đình ông vừa xuất bán được 10 con heo thịt với giá 64.000 - 65.000 đồng/kg heo hơi, tăng 9.000 - 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước, sau khi trừ hết chi phí, đạt lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng.
Để đàn heo phát triển tốt, ông đặc biệt chú trọng khâu chăm sóc và bảo vệ chuồng trại. Trang trại của ông được giăng lưới kín xung quanh để ngăn côn trùng như ruồi, muỗi xâm nhập, đồng thời thường xuyên vệ sinh sát trùng cả trong và ngoài khu vực chăn nuôi.
“Việc tiêm phòng vaccine định kỳ là yếu tố quan trọng giúp duy trì sức khoẻ đàn heo. Hiện, đàn heo của tôi đã được tiêm vaccine phòng ngừa nhiều bệnh, trong đó có dịch tả heo cổ điển, tai xanh, tụ huyết trùng, phó thương hàn, các bệnh ký sinh trùng và cả dịch tả châu Phi”- ông Công chia sẻ và kỳ vọng giá heo xuất chuồng từ nay đến cuối năm sẽ duy trì ở mức hiện tại hoặc cao hơn, giúp gia đình ông thu lãi cao trong vụ nuôi này.
Nguy cơ dịch bệnh vẫn còn
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính đến đầu tháng 11.2024, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, không xảy ra dịch bệnh. Tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh hiện có: 9.050 con trâu, 97.600 con bò, 407.800 con heo (tăng hơn 44% so với cùng kỳ); 10.100.000 con gia cầm các loại, bằng 107,4% so với cùng kỳ.
Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại tập trung, bảo đảm an toàn sinh học.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 468 trang trại chăn nuôi gia súc (127 trang trại chăn nuôi heo tập trung với tổng đàn 375.463 con, chiếm 92,1% tổng đàn heo; 55 trang trại chăn nuôi trâu với 1.348 con, chiếm 14,9% tổng đàn trâu; 291 trang trại chăn nuôi bò với 15.996 con, chiếm 16,4% tổng đàn bò; 120 trang trại chăn nuôi gia cầm, trong đó: 83 trang trại gà với 8.089.782 con, chiếm 89,9% tổng đàn gà và 37 trang trại vịt với 184.700 con, chiếm 37,4% tổng đàn vịt.
Bà Nguyễn Thị Hồng Loan- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, từ đầu năm đến nay, Chi cục phối hợp với các địa phương tổ chức 3 đợt tiêu độc khử trùng với tổng số thuốc được cấp phát là 7.500 lít, tổng diện tích phun xịt khoảng 14.100.000m2 (đạt 100% KH ước tính đến cuối năm 2024); thực hiện tiêm phòng các loại bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 2,1 triệu liều vaccine các loại (đạt 100% kế hoạch, tăng 14,8% so cùng kỳ).
Ngoài ra, mạng lưới thú y cơ sở phối hợp với các trang trại chăn nuôi thực hiện tiêm phòng được 481.008 liều vaccine. Công tác kiểm dịch xuất tỉnh trên 1,5 triệu con gia súc; 45 triệu con gia cầm và 9.992 tấn sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ trên 481.477 con gia súc, 5,6 triệu con gia cầm.
Nhờ vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi của người dân, từ những tín hiệu của thị trường, dự báo nguồn cung thịt gia súc, gia cầm trong những tháng cuối năm sẽ được bảo đảm không thiếu.
Tuy nhiên, hiện đang là thời điểm giao mùa, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn có khả năng xảy ra.
Do đó, các hộ chăn nuôi cần chú trọng công tác vệ sinh chuồng trại, chủ động phòng bệnh bằng các loại vaccine, đặc biệt là vaccine dịch tả heo châu Phi đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép lưu hành.
Thiện Đức