Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đây là nội dung kết luận của Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh tại phiên chất vấn sáng 8.12 đối với nhóm vấn đề thuộc ngành Toà án.
Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Thị Tuyết Vân trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh.
Chất vấn Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Thị Tuyết Vân, đại biểu Nguyễn Hoàng Nam đề nghị Chánh án TAND tỉnh nêu một số giải pháp chính trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Toà án. Hiện nay công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói chung đều có định hướng tập trung các ngành, lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ cao, vậy đối với ngành Toà án có phân chia, xác định lĩnh vực nào nhạy cảm mà ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hay không? Đối với án bị huỷ, bị sửa do lỗi chủ quan, trong ngành đã có thẩm phán nào bị xử lý trách nhiệm do lỗi này không?
Đại biểu Nguyễn Tiến Hưng nêu tình trạng doanh nghiệp có tranh chấp nhưng lại không tìm đến toà để giải quyết vì họ sợ tình trạng “chạy án”. Theo đại biểu, vấn đề này liên quan đến việc kiểm soát quyền lực trong cơ quan phòng, chống tham nhũng, đề nghị Chánh án TAND tỉnh nhận định tình trạng này và giải pháp của ngành để góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đối với chỉ tiêu “chi phí không chính thức” thuộc lĩnh vực Toà án.
Đại biểu Huỳnh Vương Hiếu chất vấn Chánh án TAND tỉnh.
Trả lời đại biểu, lãnh đạo TAND tỉnh cho biết việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành đã có kế hoạch thực hiện và đang thực hiện với nhiều giải pháp.
Trong phần trả lời bằng văn bản về nội dung này, TAND tỉnh cho rằng việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Toà án được Ban cán sự Đảng TAND tỉnh cùng lãnh đạo TAND hai cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo gắn với triển khai thực hiện các văn bản lãnh đạo của Trung ương, của tỉnh về nội dung này.
TAND tỉnh đã làm tốt việc luân chuyển, điều động, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác kịp thời để bổ sung nguồn nhân lực cho các đơn vị có khối lượng công việc nhiều. Góp phần rèn luyện cán bộ thuộc diện quy hoạch, giúp hạn chế, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực đối với công chức khi có thời gian công tác từ 5 năm trở lên. Trong kỳ, đã điều động 2 thẩm phán có chức vụ lãnh đạo, quản lý TAND cấp huyện; điều động 21 lượt công chức. Năm 2023, không có trường hợp nào vi phạm các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đối với án bị huỷ, sửa do lỗi chủ quan, Chánh án TAND tỉnh cho biết, đã giảm so với trước, năm 2023, có tất cả 55 bản án phải huỷ hoặc sửa.
Đối với câu hỏi doanh nghiệp sợ “chạy án”, Chánh án TAND tỉnh cho biết, cơ quan này đã có báo cáo cấp trên và đề ra giải pháp để ngăn chặn tiêu cực, qua đó cải thiện chỉ số PCI - Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. “Thời gian qua, số lượng vụ Toà án tỉnh thụ lý khoảng 10 vụ liên quan đến các doanh nghiệp. TAND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện bảo đảm quyền lợi, minh bạch trong xử lý, giải quyết đơn theo quy trình tố tụng, bảo đảm quyền và nghĩa vụ cho các tổ chức, cá nhân. Đồng thời có báo cáo và giải pháp để thực hiện trong thời gian tới trong việc góp phần cải thiện chỉ số PCI” - Chánh án TAND Nguyễn Thị Tuyết Vân cho biết.
Sau khi Chánh án hoàn thành phần trả lời chất vấn, chủ toạ kỳ họp đề nghị ngành Toà án cụ thể hoá các nhiệm vụ trong cải cách tư pháp, đổi mới, nâng cao chất lượng xét xử, kéo giảm số án bị huỷ, sửa do lỗi chủ quan. Đồng thời thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, đồng thời nâng cao chất lượng xét xử, bảo đảm tranh tụng tại toà. Thực hiện tốt công tác hoà giải đối thoại tại toà trong giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.
Ngành cũng cần phân tích, đánh giá nguyên nhân tranh chấp, khiếu kiện, tham mưu tỉnh có giải pháp ngăn ngừa, hạn chế các vấn đề gây mất ổn định an ninh trật tự; sơ kết quy chế phối hợp với các ngành liên quan trong giải quyết án, nhất là liên quan đến hồ sơ, tranh chấp đất đai, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Việt Đông - Phương Thuý