Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bảo đảm quyền lợi và lợi ích của người dân trong dự thảo luật đất đai (sửa đổi)
Chủ nhật: 14:25 ngày 18/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau gần 10 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, phát huy nguồn lực đất đai trong phát triển kinh tế - xã hội.

Dự án xây dựng bờ kè suối Cần Đăng (thị trấn Tân Biên).

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Luật Đất đai năm 2013 bộc lộ những bất cập nhất định, dẫn đến việc thực thi pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý và sử dụng đất, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đất đai, thể chế các chính sách mới nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội; khắc phục tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực này.

Thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp phải hài hòa lợi ích giữa các chủ thể.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến phản biện xã hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi), ngày 15.9, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu khẳng định, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ra đời tạo cơ sở chính trị quan trọng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về mặt quan điểm, nhận thức; bổ sung nhiều nội dung mang tính đột phá, chưa có tiền lệ, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.

Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phạm vi điều chỉnh bao trùm tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, dự thảo Luật có nội dung liên quan đến nhiều luật khác hiện hành, do đó dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần thể chế hóa toàn diện, đồng bộ, đúng mục đích, yêu cầu Nghị quyết số 18, những nội dung mới được quy định trong dự thảo Luật sẽ là cơ sở để nghiên cứu, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật khác cho phù hợp.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả rà soát Luật Đất đai với các luật có liên quan, đã phát hiện 22/112 luật có nội dung vướng mắc, chồng chéo với Luật Đất đai.

Theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, về vấn đề bồi thường quyền sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Thực tiễn cho thấy, giá trị đất khi định giá để Nhà nước thu hồi thường thấp hơn giá trị đất sau khi Nhà đầu tư đầu tư cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi.

Do đó cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu kỹ nội dung của Nghị quyết số 18 về tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại để thể chế hóa cụ thể, đúng tinh thần của Nghị quyết, phải quy định rõ các tiêu chí để xác định Dự án là dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại, khu dân cư nông thôn xuất phát từ chính nhu cầu của người dân và phải hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, tránh việc áp dụng không thống nhất trên thực tế, lợi dụng quy định của pháp luật để trục lợi.

Cần có chính sách hỗ trợ cho các địa phương, khu vực ưu tiên sản xuất nông nghiệp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực của quốc gia.

Bên cạnh đó, cần phải có chính sách hỗ trợ cho các địa phương, khu vực có diện tích đất trồng lúa lớn, để ưu tiên thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực của quốc gia vì thu ngân sách và thu nhập của người dân trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn thấp hơn nhiều so với các địa phương có các dự án phát triển kinh tế - xã hội, và người lao động làm việc trong những lĩnh vực khác.

Theo bà Trịnh Thị Thanh Bình- Thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật Uỷ ban MTTQ tỉnh Bến Tre việc thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong thực tế tình trạng thu hồi đất để thực hiện các dự án rất phức tạp. Nhiều trường hợp quy hoạch dự án xây dựng nhà ở, đô thị ở những khu vực mà người dân sinh sống lâu đời, đời sống đã ổn định

Khiến khu dân cư bị giải tỏa đền bù, người dân phải di dời nhà cửa, tài sản, đảo lộn cuộc sống. Hay như việc thu hồi đất đất nông nghiệp để thực hiện các dự án đô thị gây nguy cơ mất an ninh lương thực và nhiều vấn đề khác.

Để khắc phục tình trạng này, bà Bình kiến nghị việc thu hồi đất để thực hiện các khu đô thị, khu dân cư, nhà ở thương mại trong dự thảo Luật cần cụ thể hơn nữa theo đúng tinh thần Nghị quyết 18/NQ-TW. Phải nêu rõ tiêu chí, nguyên tắc và theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo thẩm quyền quản lý đất đai.

Cần quy định rõ quyền và trách nhiệm của MTTQ các cấp trong các khâu của quản lý nhà nước về đất đai

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, GS.TS Trần Ngọc Đường- Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật UBTƯMTTQ Việt Nam cho biết, vấn đề đất đai, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của đa số nhân dân. Nhưng tiếng nói của nhân dân trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này có phần mờ nhạt.

Các quyền dân chủ trực tiếp của công dân như quyền khiếu nại, tố cáo, quyền tham gia quản lý nhà nước về đất đai chưa được quy định hoặc quy định chung chung, không cụ thể; công dân không thực hiện được. Công dân thực hiện các quyền của mình vừa trực tiếp vừa thông qua tổ chức của mình cũng chưa được quy định đầy đủ.

Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam với tư cách là một liên minh, chính trị, liên hiệp tự nguyện,… có chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, có chức năng giám sát và phản biện xã hội được thể hiện trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này chưa tương xứng và chưa phù hợp với vị trí và vai trò của MTTQ Việt Nam. Giám sát như thế nào, giám sát ai và giám sát công việc gì về quản lý và sử dụng đất đai, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) không quy định cụ thể.

Vì vậy, GS.TS Trần Ngọc Đường đề xuất, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) cần bổ sung các quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; quyền tham gia quản lý nhà nước về đất đai bao gồm những quyền gì? Quyền khiếu nại, tố cáo về đất đai trong những trường hợp nào? Quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân về đất đai của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện như thế nào? quyền và trách nhiệm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong giám sát thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và phản biện xã hội việc lập và thực quy hoạch và kế hoạch phải quy định cụ thể,

Ông Lê Tiến Châu nhận định, từ các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam nêu trên, có thể nhận thấy dự thảo Luật đã đề cập đến vai trò, sự tham gia của MTTQ Việt Nam cấp xã. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa thể hiện xứng tầm và đầy đủ vai trò, chức năng, nhiệm vụ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của Hiến pháp năm 2013.

Về hoạt động giám sát và phản biện của Mặt trận các cấp, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký UBTƯMTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu đề nghị cần bổ sung quy định rõ các lĩnh vực, nội dung, hoạt động quản lý và sử dụng đất thuộc phạm vi giám sát và phản biện của MTTQ Việt Nam. Trong đó, quy định rõ việc MTTQ Việt Nam các cấp giám sát và phản biện xã hội việc lập quy hoạch và kế hoạch; thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp mình; giám sát việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trên địa bàn của cấp mình; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, huyện trong việc giám sát và thu hồi đất, trưng dụng đất của UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện; giám sát việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất.

Cùng với đó, cần quy định hoạt động giám sát việc quản lý và sử dụng đất liên quan đến các hoạt động đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; giám sát và phản biện đối với dự thảo chính sách và thực hiện quản lý tài chính và giá đất đai, quy định và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; đồng thời cần bổ sung quy định về vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp đại diện cho công dân giám sát và phản biện xã hội đối với việc quản lý và sử dụng đất đai liên quan đến vấn đề này.

Trong các hoạt động thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, MTTQ Việt Nam thực hiện giám sát, phản ánh, kiến nghị ý kiến của nhân dân đến các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về các vấn đề liên quan tới quản lý và sử dụng đất; đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân trong quá trình giải quyết các vụ việc, bảo đảm hiệu quả, hạn chế việc giải quyết không thỏa đáng, gây bức xúc trong nhân dân và tiếp diễn tình trạng khiếu nại, khiếu kiện phức tạp, kéo dài.

Nguyên An

Tin cùng chuyên mục