BAOTAYNINH.VN trên Google News

KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG BÁO TÂY NINH (5.10.1946 - 5.10.2022)

Báo Đảng địa phương và công tác phát huy truyền thống 

Cập nhật ngày: 05/10/2022 - 00:14

BTN - Ngày 5.10 năm nay, Báo Tây Ninh kỷ niệm 76 năm ngày truyền thống cơ quan báo chí của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (1946-2022). Bề dày lịch sử đó, kinh qua hai thời kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc, một cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và thời kỳ đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, quê hương Tây Ninh- tỉnh biên giới, phên giậu phía Tây Nam Tổ quốc, là niềm tự hào chính đáng của nhiều thế hệ người làm báo tỉnh nhà.

Các thế hệ làm Báo Tây Ninh chụp ảnh lưu niệm nhân Ngày truyền thống 5.10

Cho đến ngày nay, sau hơn ba phần tư thế kỷ, quá trình hoạt động xuất bản báo chí cách mạng của Báo Tây Ninh đã được ghi nhận trong công trình nghiên cứu “Lịch sử Báo đảng bộ các tỉnh và thành phố” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia (Sự Thật) xuất bản năm 2000, phần Báo Tây Ninh từ trang 588 đến trang 606 và 2 trang phụ lục “Những thông tin cần thiết về báo đảng bộ các tỉnh và thành phố”.

Về phần mình, được sự chấp thuận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, cơ quan chủ quản Báo Tây Ninh, Ban Biên tập báo đã tổ chức biên soạn, xuất bản tập sách “Sơ thảo truyền thống lịch sử Báo Tây Ninh 1946-2010” vào năm 2010, làm cơ sở cho việc Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Văn bản số 222-CV/TU, ngày 22.2.2012, quyết định chọn ngày 5.10 hằng năm làm ngày truyền thống của Báo Tây Ninh.

Đồng thời trong các dịp kỷ niệm 66 năm (1946-2012) và 70 năm (1946-2016), Ban Biên tập Báo cũng đã xuất bản các tập kỷ yếu về truyền thống lịch sử và tác phẩm báo chí tiêu biểu của Báo. Và đến ngày 5.10.2021, nhân kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống của Báo, trong điều kiện phải giãn cách xã hội để phòng, chống đại dịch Covid-19, Ban Biên tập Báo Tây Ninh cũng đã tổ chức sản xuất được bộ phim tài liệu “Báo Tây Ninh - Những năm tháng không quên” với thời lượng 60 phút.

Để có được sự góp mặt trong công trình nghiên cứu lịch sử báo chí của cả nước, cũng như hai xuất bản phẩm với hai loại hình sách và điện ảnh kể trên, tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên Toà soạn Báo qua “năm đời” Tổng Biên tập Nguyễn Đức Tâm, Phạm Đăng Khoa, Dương Văn Phong, Văn Công Cảnh và Trần Thị Mỹ Linh đã đóng góp không ít công sức, trí tuệ.

Hơn 7 thập niên, khoảng thời gian “thất thập cổ lai hi” không phải là ngắn, các nhân chứng lịch sử của Báo từ ngày xuất bản số báo đầu tiên tháng 10.1946 đến nay hoàn toàn không còn ai. Nhưng cho đến gần ngày truyền thống 75 năm- 5.10.2021 thì vẫn còn được một người: cụ Nguyễn Tấn, tức Năm Choàng. Ở tuổi 95, cụ vẫn giữ được tinh thần minh mẫn, giọng nói sang sảng, kể vanh vách chuyện in báo bằng “công nghệ in đất sét” với vai trò “nhân chứng sống duy nhất từ năm 1946” trong bộ phim tài liệu truyền thống 75 năm của Báo. Tiếc là cụ không còn kịp “nhìn lại mình” đầy thần thái, thật tươi tắn, sinh động trong bộ phim tài liệu “dài hơi” ấy.

Tuy nhiên, tại thời điểm Báo Tây Ninh thực hiện biên soạn phần của “bổn báo” trong sách “Lịch sử Báo đảng bộ các tỉnh và thành phố” do nhà xuất bản của Trung ương Đảng in trước đây 22 năm, thì những người làm báo, kể cả những vị lãnh đạo cơ quan chủ quản Báo vẫn còn sống khá nhiều người. Nhờ vậy, người đứng đầu cơ quan Báo lúc bấy giờ là Tổng Biên tập Nguyễn Đức Tâm- thường gọi là ông Sáu Tâm có điều kiện thuận lợi để tổ chức Hội thảo lịch sử báo chí cách mạng tỉnh Tây Ninh năm 2000, với sự có mặt của khá đông “người trong cuộc” như những người làm báo, in báo, cộng tác với báo từ thời “chín năm kháng Pháp” như các cụ Nguyễn Văn Hải (Bảy Hải), Trần Văn Bảy (Bảy Vân An), Nguyễn Văn Thệ (Năm Thệ), Nguyễn Tấn (Năm Choàng), Phan Minh Chọn (Tư Văn), Võ Trí Dũng (Bảy Dũng), Kiều Minh Tiến (Xuân Sắc)…; những người làm báo, cộng tác với báo thời kháng chiến chống Mỹ như Nguyễn Đức Tâm, Đào Văn Thanh (Bảy Phát), Nguyễn Sơn Hà, Phương Hùng, Trần Văn Hoàng (Mười Hoàng), Trần Văn Công (Út Công), Nguyễn Văn Thành (Hai Thành), Nguyễn Hoàng Hoá (Tám Hoá), Võ Hữu Thành, Nguyễn Hoàng Dũng, Lê Văn Năm… cùng đông đảo những người làm báo sau ngày giải phóng và thời kỳ đổi mới.

Ông Năm Choàng phát biểu tại Hội nghị sơ thảo truyền thống Báo Tây Ninh năm 2010. Ảnh: Đ.H.T

Sau cuộc hội thảo năm 2000, Tổng Biên tập Nguyễn Đức Tâm xem lại tất cả các biên bản, các băng ghi âm lời phát biểu của nhân chứng lịch sử và thấy rằng, nếu không có phát biểu của người đầu tiên được Tỉnh uỷ phân công lãnh đạo, tổ chức hoạt động báo chí là Trưởng Ban Tuyên truyền Lê Đình Nhơn, tức là vị tổng biên tập đầu tiên của Báo Dân Quyền, tiền thân của Báo Tây Ninh sẽ là một thiếu sót không nhỏ. Vì lẽ, chỉ có người trực tiếp “nhận lệnh” tổ chức xuất bản báo từ lãnh đạo Tỉnh uỷ trong điều kiện “hai bàn tay trắng”, không giấy mực, không máy in mới nói lên được chuyện “nước lã khuấy nên hồ”, “biến cái không thể thành cái có thể” của “cái thuở ban đầu gian khổ ấy”. Thế là ông Sáu Tâm cùng một phóng viên xuất thân là cán bộ nghiên cứu lịch sử Đảng- anh Trần Văn Dững (sau là Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin - Truyền thông, nay đã nghỉ hưu, làm Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh) đi gặp cụ Lê Đình Nhơn tại nhà riêng ở Hoà Hưng, TP. Hồ Chí Minh. Lúc này, người lãnh đạo đầu tiên trong lịch sử Báo Tây Ninh, tuy tuổi đời đã hơn 80, nhưng tinh thần vẫn còn rất sáng suốt. Cụ đã thuật lại rất chi tiết từ ý tưởng ban đầu của lãnh đạo tỉnh đến việc hình thành tờ báo, ấn loát xuất bản báo bằng thủ công với bản in đất sét thô sơ, cho đến khi Ban Tuyên truyền cử cán bộ đến Liên hiệp Nghiệp đoàn Nam Bộ ở khu căn cứ An Phú Đông, Sài Gòn học nghề in chữ chì rồi đem công nghệ và thiết bị về áp dụng vào việc ấn loát, xuất bản tờ báo kháng chiến tại tỉnh nhà. Tất cả tư liệu bằng văn bản, băng ghi âm buổi làm việc với cụ Lê Đình Nhơn được anh Trần Văn Dững sử dụng để soạn thảo truyền thống Báo Tây Ninh giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954).

Về giai đoạn kháng chiến chống Mỹ (1960-1975), với sự có mặt của “ba người làm nên tờ báo” là các ông Tư Văn, Năm Choàng và Sáu Tâm sau Đồng khởi 1960; cũng như đông đảo phóng viên, biên tập viên, cả những người in báo, phát hành báo, đã cung cấp rất nhiều tư liệu, trong đó có những bản in báo còn lưu lại được cho nhà báo Nguyễn Tấn Hùng (nguyên Thư ký Toà soạn Báo Tây Ninh, nay đã về hưu, làm Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh)- người được phân công chấp bút viết truyền thống Báo Tây Ninh giai đoạn này, tiếp nối sang giai đoạn sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước và thời kỳ đổi mới 1986-2000.

Sau khi hoàn thành việc biên soạn phần Báo Tây Ninh trong công trình nghiên cứu lịch sử Báo đảng bộ các tỉnh và thành phố, Tổng Biên tập Nguyễn Đức Tâm tổ chức hội thảo với sự tham dự của các nhân chứng lịch sử các thời kỳ làm báo kháng chiến cũng như trong thời bình, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và bộ phận Lịch sử Đảng của Ban Tuyên giáo để thông qua bản thảo. Hội nghị nhất trí tán thành nội dung tài liệu biên soạn và uỷ nhiệm cho Tổng Biên tập Nguyễn Đức Tâm gửi bản thảo tài liệu đến Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương để in vào tập sách duy nhất về lịch sử báo Đảng địa phương cho đến ngày nay.

Máy in Báo Tây Ninh thời kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu P.TK

Trên cơ sở phần tư liệu lịch sử Báo Tây Ninh nêu trên, năm 2010, Tổng Biên tập Dương Văn Phong lại tổ chức Hội thảo báo chí địa phương, mặc dù đến năm này, các nhân chứng lịch sử không còn nhiều nhưng cũng đủ để những người được phân công chấp bút tập Sơ thảo truyền thống Báo Tây Ninh 1946-2010 tổng hợp, mở rộng, phát triển nội dung tài liệu với sự bổ sung thêm 10 năm hoạt động của Báo 2000-2010. Cơ cấu nội dung tập sách cơ bản giữ nguyên như tài liệu Báo Tây Ninh in trong sách của Trung ương, của hai nhà báo Trần Văn Dững và Nguyễn Tấn Hùng; đồng thời có thêm phần Lời giới thiệu, thực chất là phần nhận xét, đánh giá hoạt động báo chí của tỉnh từ khởi thuỷ đến năm 2010, phần này do nhà báo Phạm Đăng Khoa- Tổng Biên tập Báo Tây Ninh giai đoạn 2001-2008 chấp bút.

Những tư liệu về truyền thống lịch sử Báo Tây Ninh kể trên, có thể nói là nguồn thông tin chủ yếu về 76 năm lịch sử của tờ báo Đảng tỉnh nhà. Hy vọng, Báo Tây Ninh có thể tái bản các xuất bản phẩm bằng phương pháp số hoá để rộng rãi bạn đọc gần xa, cũng như bạn bè đồng nghiệp tham khảo.

Nguyễn Tấn Hùng