Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Báo động buôn bán quân trang trên mạng
Thứ hai: 00:20 ngày 26/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện nay, việc buôn bán quân trang, quân phục y như thật của lực lượng công an, quân đội diễn ra tràn lan trên mạng. Ðiều này dẫn đến tình trạng một số đối tượng xấu mua sử dụng để giả danh chiến sĩ công an, quân đội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác.

Quân trang và các đồ dùng liên quan đến lực lượng vũ trang được bày bán công khai trên mạng.

Nghị định số 96/2016/NÐ-CP ngày 1.7.2016 của Chính phủ quy định, việc kinh doanh quân trang, quân dụng cho LLVT, vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng cho quân sự, công an; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.

Chỉ cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hoặc cơ sở kinh doanh ngoài quân đội, công an được cơ quan có thẩm quyền của quân đội hoặc công an theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có văn bản chấp thuận hoặc có hợp đồng theo quy định của pháp luật mới được kinh doanh.

Trên trang facebook cá nhân, một người có tên N.T.H rao bán giày, thắt lưng, phù hiệu, ve hàm, quần áo, mũ kepi và nhiều phụ kiện khác của ngành công an. Trong vai người mua, liên hệ qua tin nhắn messenger đặt vấn đề mua trang phục công an, chúng tôi nhận được hồi âm ngay lập tức: “Quần áo cảnh sát sĩ quan xuân hè mẫu cải tiến có giá 550.000 đồng/bộ.

Chỉ cần cung cấp cân nặng, số đo 3 vòng để lấy size đồ phù hợp. Nếu khách hàng có nhu cầu mua trọn bộ công an gồm giày, mũ, thắt lưng, quần áo với giá 3 triệu đồng và được cam kết về chất lượng”.

Nếu muốn mua, khách hàng chỉ cần để lại địa chỉ, số điện thoại là hàng được giao đến tận tay. Thậm chí, người này còn bán và làm cả biển tên với giá khoảng 300.000 đồng/cái. Chỉ cần cho biết tên và số hiệu là họ có thể làm cho người nào có nhu cầu.

Việc mua bán quân trang, quân dụng của LLVT trên mạng là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng vũ trang nhân dân. Một số đối tượng sử dụng giả danh công an, bộ đội để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Thời gian qua, cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ lừa đảo bằng thủ đoạn giả danh sĩ quan công an, quân đội với nhiều chiêu trò tinh vi.

Tháng 8.2019, hai đối tượng Nguyễn Gia Thuận (sinh năm 1997, ngụ tại xã Phan, huyện Dương Minh Châu) và Nguyễn Hữu Nghĩa (sinh năm 1999, ngụ tại xã Trường Ðông, huyện Hoà Thành) bị bắt về hành vi giả danh Công an chiếm đoạt tài sản.

Ngày 8.8.2019, Công an xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành (nay là phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành) trong lúc tuần tra trên địa bàn phát hiện có 2 thanh niên điều khiển xe mô tô mặc trang phục Công an nhân dân có biểu hiện nghi vấn nên báo cáo tổ tuần tra kiểm soát giao thông Công an huyện Hoà Thành lập chốt chặn.

Qua kiểm tra, phát hiện các đối tượng mặc trang phục CAND nhưng không phải là lực lượng CAND, nên đã thu giữ hai bộ trang phục cảnh sát nhân dân, một bộ trang phục cảnh sát cơ động, một cặp phù hiệu công an, một cặp cấp hiệu binh nhất công an, một còng số 8, dùi cui nhựa, gậy 3 khúc cùng một số tang vật khác có liên quan. Các đối tượng giả danh công an nhiều lần chặn đường xe lưu thông để cưỡng đoạt tài sản của người dân.

Luật sư Phan Văn Vĩnh- Ðoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh cho biết, vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; quân trang (bao gồm cả phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu của quân đội, công an), quân dụng cho lực lượng vũ trang; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng… là loại hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh (căn cứ danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, ban hành kèm theo Nghị định số 59/2006/NÐ-CP ngày 12.6.2006 của Chính phủ).

“Mọi hành vi sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép quân trang, quân dụng, trang thiết bị của các lực lượng vũ trang đều được xem là vi phạm pháp luật. Trường hợp vi phạm, tuỳ theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”- luật sư Phan Văn Vĩnh thông tin.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc sử dụng, thu hồi quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục đối với từng đối tượng đang phục vụ, thôi phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân làm giả, làm nhái, tàng trữ, mua bán và sử dụng trái phép quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của QÐND Việt Nam. Trường hợp vi phạm, tuỳ theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Khoản 5, Ðiều 1, Nghị định 29/2016/NÐ-CP ngày 21.4.2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 160/2007/NÐ-CP ngày 30.10.2007 quy định rõ về cấp hiệu, phù hiệu, trang phục của CAND: nghiêm cấm các đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất, làm giả, tàng trữ, mua bán, trao đổi, sử dụng trái phép công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của CAND.

Theo luật sư Phan Văn Vĩnh, hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh sẽ bị phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng đối với cá nhân, từ 120 - 160 triệu đồng đối với tổ chức.

Mặt khác, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (Ðiều 7, Nghị định số 98/2020/NÐ-CP, ngày 26.8.2020 của Chính phủ).

Ngoài ra, tuỳ hành vi vi phạm cụ thể, tính chất, mức độ phạm tội mà còn có thể bị xử lý hình sự theo Ðiều 190 về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm, Ðiều 191 về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Thiên Di

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục