Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ứng xử có văn hoá của con người Việt Nam đã có nền tảng từ ngàn đời nay, nét đẹp văn hoá đó được lưu giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ. Mỗi người Việt Nam hãy góp sức mình để nét đẹp truyền thống đó ngày càng được bồi đắp, trở thành giá trị vĩnh hằng.
Những năm gần đây, đặc biệt là từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, liên tục xuất hiện với tần suất ngày càng gia tăng những thái độ, hành vi hành xử bồng bột, thiếu suy nghĩ, thiếu văn hoá của những cá nhân, nhóm người khiến dư luận bức xúc, lo lắng.
Tình trạng này đã và đang xảy ra mọi nơi, mọi lúc với mọi đối tượng. Bi hài có, giận dữ có, đau lòng có, tang thương cũng không hiếm mà lẽ ra không đáng có, không xảy ra nếu như người ta biết lắng nghe, kiềm chế, kiên nhẫn, thông cảm, chia sẻ, bớt cảm tính, biết dành một chút thời gian để suy ngẫm, cân nhắc, phản biện.
Văn hoá ứng xử là thái độ, hành vi, cử chỉ, lời nói của con người trong giao tiếp đời sống với những người xung quanh trong phạm vi gia đình và ngoài xã hội. Nó có vai trò cực kỳ quan trọng, tác động đến đời sống, môi trường văn hoá xã hội.
Thời gian qua, văn hoá ứng xử có biểu hiện lệch lạc, phản giáo dục gây nhiều bức xúc, tác động tiêu cực đến việc hình thành nhân cách, lối sống của nhiều người- nhất là thế hệ trẻ.
Những cái tên “hot” trên mạng như T.N, K.B, H.H.H, H.Vlog… làm chao đảo tầng lớp thanh thiếu niên. Một số người nổi tiếng, nghệ sĩ lộng ngôn, mù quáng đưa ra những thông tin sai lệch, không chính xác về các sản phẩm chưa được kiểm chứng khiến công chúng tin theo để rồi “tiền mất tật mang”, gây hoang mang, phẫn nộ.
Tình trạng một số thầy cô xử sự không đúng mực, phụ huynh vào trường gây gổ với thầy cô và học trò, học sinh đánh nhau vẫn không hề thuyên giảm. Nhiều gia đình chỉ vì không hiểu, không nhường nhịn nhau, tranh giành chút quyền lợi... dẫn đến những vụ án thương tâm.
Đáng buồn hơn là trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, Nhà nước và toàn dân đang căng mình, chung tay góp công góp của, không sợ hy sinh, mong đẩy lùi dịch bệnh thì rất nhiều người có những hành vi, cách hành xử chống đối lực lượng chức năng.
Những thái độ, hành vi lệch lạc, phản cảm ấy đã và đang được xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Nhưng những vụ việc đã xảy ra là nỗi lo, là báo động về sự lệch lạc, xuống cấp trong văn hoá ứng xử hiện nay.
Gia đình chính là môi trường văn hoá đầu tiên mà mỗi cá nhân được tiếp nhận trong quá trình trưởng thành, định hình nhân cách, lối sống và văn hoá ứng xử. Tất cả các hoạt động sinh hoạt trong gia đình, sự quan tâm, chăm sóc, dạy bảo ân cần của cha mẹ tạo nên văn hoá ứng xử.
Từ cách ứng xử của ông bà, cha mẹ, các giá trị văn hoá được hình thành và thẩm thấu đến tất cả thành viên trong gia đình. Rất nhiều gia đình duy trì được lối ứng xử có văn hoá đã tạo nên nề nếp gia phong lâu bền. Tuy nhiên, vài chục năm trở lại đây, những nét đẹp về văn hoá ứng xử đang bị mai một.
Cần nhấn mạnh, một trong những chức năng cơ bản của gia đình là giáo dục. Quá trình xã hội hoá của con cái bắt đầu từ gia đình. Cha mẹ phải chủ động dạy dỗ con cái những kỹ năng ứng xử, phải dạy “học ăn, học nói, học gói, học mở”, biết “kính trên nhường dưới”, “đi thưa về trình”...
Chỉ có tình thương và trách nhiệm mới giúp con cái giữ được gia phong, có được cách hành xử chuẩn mực. Và cũng rất cần sự quan tâm của các tổ chức, đoàn thể xã hội như Hội Phụ nữ, cơ quan chuyên trách về gia đình và trẻ em của các bộ, ngành có liên quan.
Mới đây, Bộ VH-TT&DL ban hành kế hoạch tuyên truyền nét đẹp văn hoá ứng xử trong đời sống sinh hoạt gia đình, dòng họ, khu dân cư và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội năm 2021 là rất cần thiết. Bộ cần phải chỉ đạo triển khai quyết liệt để biến kế hoạch thành hiện thực.
Nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng trong xây dựng, phát triển và nâng tầm văn hoá ứng xử. Bên cạnh việc trang bị những tri thức, kiến thức về khoa học, cuộc sống, nhà trường còn phải định hướng cho học sinh những giá trị nhân văn, khoan dung, yêu thương con người, phải trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết như kiểm soát cảm xúc, giải quyết mâu thuẫn, kỹ năng sử dụng internet một cách đúng đắn, hiệu quả…
Trong bối cảnh hiện nay, các lực lượng giáo dục phải có những hành động, chương trình cụ thể tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện những giá trị văn hoá, hình thành văn hoá ứng xử trong nhà trường và ngoài xã hội cho các em.
Sự ra đời và phổ biến của mạng xã hội (MXH) mang lại rất nhiều tiện ích. MXH là phương tiện kết nối, trao đổi, học hỏi, chia sẻ… không bị giới hạn bởi không gian, thời gian.
Thông qua MXH, mỗi người có thể tạo dựng hình ảnh cá nhân, tạo kênh phát triển kinh doanh, thương hiệu, tìm những kênh phù hợp để học hỏi, chia sẻ, xây dựng và phát triển cộng đồng có chung mối quan tâm, nhận thức về một vấn đề xã hội nào đó...
Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số đối tượng lợi dụng các tính năng của MXH như livestream, chia sẻ hình ảnh, video clip, trao đổi theo nhóm (group)… để đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật như xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân; chửi bới, lăng mạ, đe doạ, tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép, vi phạm thuần phong mỹ tục.
Chẳng hạn, giữa cơn cuồng phong của đại dịch Covid, nhiều thông tin bịa đặt, tin giả, tin chưa được kiểm chứng được tung ra, gây khó khăn cho công cuộc “chiến đấu” với đại dịch, làm tổn thương đến lực lượng tuyến đầu.
Trước thực trạng này, ngày 17.6.2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định số 874/QĐ-BTTTT về việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên MXH. Các chuyên gia đánh giá rất cao về vai trò, tính quan trọng, cần thiết của bộ quy tắc này.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là mỗi tổ chức, cá nhân cần lựa chọn cách hành xử phù hợp khi tham gia MXH: chia sẻ những thông tin dựa trên nguyên tắc có nguồn chính thống, đáng tin cậy, có các hành vi ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam, không sử dụng ngôn ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, tôn giáo, giới tính, không đăng tải các nội dung vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, không tung tin giả, sai sự thật, không quảng bá, kinh doanh dịch vụ trái phép.
Các nhà mạng cung cấp dịch vụ MXH phải hướng dẫn người dùng, hỗ trợ và bảo vệ lợi ích chính đáng của “người yếu thế” trong xã hội. Các cơ quan quản lý phải phổ biến, tuyên truyền để người dùng hiểu rõ hơn về Luật An ninh mạng, về quy tắc ứng xử trên MXH, đặc biệt là trong giới trẻ…
Ứng xử có văn hoá của con người Việt Nam đã có nền tảng từ ngàn đời nay, nét đẹp văn hoá đó được lưu giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ. Mỗi người Việt Nam hãy góp sức mình để nét đẹp truyền thống đó ngày càng được ồi đắp, trở thành giá trị vĩnh hằng.
D.M
Nhiều gia đình chỉ chú ý tới khía cạnh kinh tế, vật chất mà coi nhẹ, bỏ quên văn hoá ứng xử, không quan tâm đến suy nghĩ, đời sống tinh thần của mỗi thành viên trong gia đình, khiến không ít gia đình không có hạnh phúc, đi đến tan vỡ. Không ít người làm cha làm mẹ không tròn bổn phận, trách nhiệm, không chăm lo sức khoẻ tinh thần cho con mà chỉ mải mê kiếm tiền phục vụ cho nhu cầu bản thân. Thiếu giáo dục, thiếu tính làm gương của cha mẹ khiến không ít con cái không nghĩ đến tình phụ mẫu, làm nhiều việc trái với luân thường đạo lý.