BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bao giờ khắc phục được bất cập trong xét xử, thi hành án ?

Cập nhật ngày: 22/11/2013 - 10:02

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương và Chánh án TANDTC Trương Hoà Bình

(BTN) - Ngày 21.11, tham gia chất vấn Chánh án TAND tối cao, ông Trịnh Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đặt vấn đề: Tại sao trong thời gian qua công tác xét xử vẫn còn nhiều khuyết điểm, thiếu sót như số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà ngành thụ lý gần đây rất lớn; trong đơn có cả nội dung tố cáo cán bộ công chức của ngành?

Vẫn còn án bị huỷ, án xử oan sai; có tình trạng Viện Kiểm sát đề nghị mức án cao nhưng toà án xử mức án thấp; có vụ án áp dụng tình tiết giảm nhẹ chưa đúng vì áp dụng pháp luật không thống nhất. Bên cạnh đó công tác thi hành án còn tồn đọng nhiều; phải chăng các bản án được tuyên chưa đủ cơ sở pháp lý để đơn vị thi hành án thực hiện, nhất là trong các vụ án dân sự, có những vụ án trên 10 năm chưa được thực hiện? Giải pháp để chấn chỉnh và khắc phục những thiếu sót nêu trên?

Vấn đề thứ hai, đại biểu Phương nhận xét, gần đây qua các vụ việc oan sai gây bức xúc trong xã hội cho thấy vai trò trách nhiệm của luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo chưa được hội đồng xét xử quan tâm chú ý. Với vai trò người đứng đầu ngành toà án, Chánh án TAND tối cao có giải pháp gì để khắc phục vấn đề này để thực hiện theo Luật Tố tụng, Luật Luật sư đã có hiệu lực?

Cuối cùng, về các kiến nghị của ĐBQH yêu cầu rà soát vụ án có dư luận oan sai đã được Chánh án tiếp thu, đại biểu Phương đề nghị sau khi rà soát TAND tối cao nên có báo cáo cho Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 tới.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trịnh Ngọc Phương, Chánh án TAND tối cao Trương Hoà Bình giải trình: Về tinh thần chung, ngành TAND sẽ thực hiện các tiêu chí để hệ thống tư pháp ngày càng được hoàn thiện hơn, ngày càng trong sạch, vững mạnh, bảo vệ được công lý, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Còn trong việc giải quyết những vấn đề cụ thể như án oan, thì để khắc phục án oan có việc phát huy vai trò của luật sư mà pháp luật đã quy định. Và như thế thì đòi hỏi pháp luật càng phải tiếp tục quy định rõ ràng hơn các chế định về tranh tụng.

Sắp tới đây khi sửa đổi, bổ sung các luật về tố tụng, tư pháp thì sẽ thể hiện rõ việc phát huy các vai trò của những người tham gia tố tụng, trong đó vai trò luật sư sẽ được đề cao.

Ngoài ra về các cơ quan tố tụng, cũng như các quy định về quản lý đòi hỏi phải tạo điều kiện cho luật sư càng ngày càng tốt hơn để tham gia các vụ án, thì Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Kiểm sát, Toà án đều phải có trách nhiệm làm sao tạo điều kiện tốt nhất để luật sư tham gia vào các vụ án và phát huy vai trò của luật sư.

Đồng thời chính bản thân luật sư cũng phải làm thế nào để đảm bảo về số lượng và chất lượng để phát huy hết vai trò của mình.

QUANG HẠNH

(Lược ghi)