Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo quan điểm của Phật giáo Nam tông, báo hiếu không chỉ được thực hiện vào dịp Vu Lan (Rằm tháng 7 âm lịch) hàng năm, mà còn được lồng ghép trong đời sống theo đúng chuẩn mực đạo đức của Phật giáo quy định đến từng thành viên, trong hành xử của cá nhân, gia đình và cộng đồng người Khmer ở Nam Bộ hiện nay.
Lễ Sen Dolta - lễ báo hiếu của người Khmer.
5 bổn phận báo hiếu
Người Khmer quan niệm rằng, báo hiếu cho cha mẹ không chỉ dành cho những người quá vãng, mà còn dành cho những người đang còn sống. Do đó, người làm con phải luôn làm tròn 5 bổn phận đối với cha mẹ, đó là:
Phụng dưỡng cha mẹ (Bhavana): Phải hết lòng cung kính, không làm cha mẹ buồn khổ, những lúc họ cô đơn, bệnh tật hoặc cung phụng ăn uống, thuốc thang, chỗ ngủ, y phục...
Làm việc thay thế cho cha mẹ (Kicca kavana): Phải gánh vác tất cả những việc gì mà trước đây cha mẹ đã vì ta mà gánh chịu. Đã là người con trưởng thành thì cần phải làm thay để cha mẹ có thời gian thụ hưởng những ngày tháng nhàn rỗi cuối đời.
Gìn giữ gia phong tốt đẹp (Kùlavam sathapana): Gìn giữ gia phong đạo đức tốt đẹp, phải phát huy thêm những truyền thống tốt đẹp của gia tộc.
Bảo quản tốt tài sản thừa tự (Dàyai jàpati pajjana): Bổn phận làm con cần phải bảo quản tốt tài sản của cha mẹ, làm cho chúng sinh sôi nảy nở. Vì tài sản đó rất đặc biệt, do chính máu, mồ hôi, nước mắt của cha mẹ đã tạo ra.
Tạo phước hồi hướng khi cha mẹ đã quá vãng (Đakkinànuppadana): Phải tạo thật nhiều công đức để hồi hướng phần công đức đó đến cha mẹ, vì nếu như họ đã quá cố không may tái sanh vào cõi khổ, theo phước mà người con đã hồi hướng, họ sẽ mau thoát ra cõi khổ để tái sanh cõi lành.
Vì vậy, báo hiếu là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người, “dù là tại gia hay xuất gia, dù là Thanh Văn hay chư phật đều có bổn phận đền ơn cha mẹ. Vì tâm hiếu là tâm phật” (Lời của đức Phật).
Hành xử trong đời sống
Nếu cha mẹ còn sống, việc báo hiếu không chỉ thể hiện trong hành xử thường nhật như phụng dưỡng, chăm sóc từng bữa cơm, giấc ngủ, gánh vác việc nặng nhọc cho cha mẹ… mà trong nghi thức tôn giáo, người con còn đem lại sự ấm lòng cho cha mẹ. Trong dịp lễ mừng năm mới (Chol Chnam Thmay) hàng năm, 1 hoặc 2 ngày trước lễ, tất cả những người con trong gia đình dù ở xa hay gần trong cộng đồng, đều phải tập trung về nhà cha mẹ. Họ cùng nhau trang hoàng nhà cửa, bàn thờ, góp tiền, mua sắm quần áo mới, vật dụng và các lễ vật để cha mẹ đi cúng chùa.
Đêm trước ngày lễ, con cháu chuẩn bị một chỗ sạch sẽ để cha mẹ tắm gội, thay đồ đẹp và chuẩn bị một bữa ăn ngon để mời cha mẹ. Đây là mâm cơm mang ý nghĩa cúng dường cha mẹ, nên người con trưởng (thường là con trai) đại diện cho các thành viên trong gia đình tạ lễ cùng cha mẹ, xin cha mẹ bỏ qua những lỗi lầm, thiếu sót đã mắc phải trong năm cũ, đồng thời cầu chúc cho cha mẹ nhiều sức khỏe, sống lâu để được hưởng phước báu trong năm tới.
Trong buổi chiều ngày thứ hai, con cháu phải cùng cha mẹ thực hiện nghi thức đắp núi cát, nhằm cầu chúc cho cha mẹ nhận được nhiều phúc báu, mong muốn tội lỗi của cha mẹ, cũng như các thành viên trong gia đình được tiêu trừ tất cả trong năm mới.
Ngày thứ ba, con cháu thực hiện nghi thức tắm báo hiếu tại nhà cho cha mẹ. Trước khi tắm báo hiếu, ngay tại gian giữa của ngôi nhà, con cháu trải một chiếc chiếu hoa và mời cha mẹ ngồi trên đó. Tất cả thành viên trong gia đình cùng ngồi quây quần bên cha mẹ và lần lượt tự nhận những lỗi lầm, sai trái do mình gây ra trong năm cũ và mong được tha thứ, cũng như đưa ra những lời hứa thành tâm sửa đổi.
Sau cùng, là việc tắm báo hiếu. Những người con trong gia đình chuẩn bị ghế ngồi và nước sạch được ướp hương hoa được đặt ngay trước sân nhà. Nước này có pha một ít nước được lấy để tắm tượng phật trước đó, nhằm tiếp nhận những điềm phước lành từ phật. Họ mời cha mẹ ngồi trên ghế và đích thân những người con tự tay múc từng gáo nước tắm cho cha mẹ mình, nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ.
Dâng cơm cho sư
Đối với những người không còn cha mẹ, việc báo hiếu của những người con được thông qua các nhà sư bằng hình thức dâng cơm cho sư, một hình thức duy nhất để dâng cơm hàng ngày cho cha mẹ quá vãng và làm lễ báo hiếu, còn gọi là lễ Sen Dolta (vào những ngày cuối tháng 9 dương lịch).
Đây là dịp lễ cúng kỵ duy nhất dành cho những người đã khuất trong một năm. Trong ba ngày lễ, tất cả các nghi thức đều tập trung vào việc cầu siêu, đền ơn, đáp nghĩa đối với những người quá cố với nhiều thức ăn, mời các vị sư đến thực hiện nghi thức rước hồn ông bà, cha mẹ về nhà để được phụng dưỡng…
Ngày thứ ba, họ thực hiện nghi thức thắp nhang, thả thuyền để tiễn vong hồn ông bà, cha mẹ về lại cõi vĩnh hằng. ngoài ra, vào các ngày 8, 15, 23 và 30 âm lịch hàng tháng, người Khmer còn làm lễ dâng cơm tại các chùa để cùng các sư thực hiện nghi thức dâng cơm. Việc dâng cơm không chỉ nhằm dâng cơm cho ông bà, cha mẹ đã khuất mà còn mang ý nghĩa làm tròn bổn phận của tín đồ đối với chức sắc tôn giáo qua vai trò của các vị sư.
Tu trước lửa
Theo truyền thống, khi cha hoặc mẹ mất, trong gia đình sẽ chọn ra một người con trai để tu trước lửa. Việc tu được thực hiện ngay tại chỗ thiêu người quá cố, ngay sau khi các nghi thức tang ma được thực hiện xong. Người được chọn thường là chưa lập gia đình. Các vị sư sẽ xuống tóc và thay đổi y phục cho người đi tu. Sau đó, người đi tu được đưa lên chánh điện của chùa để thực hiện lời tuyên thệ và nghe giảng các điều răn. Thời gian tu trước lửa tùy theo điều kiện của mỗi người. Có người chỉ tu trong vòng 24 giờ, nhưng cũng có người tu 7 ngày hoặc 3 tháng. Tu trước lửa không phải nhằm giải thoát cho người xuống tóc mà là hướng đến yếu tố gột rửa, hóa giải tội lỗi của người đã khuất để nhằm báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục.
Có thể nói, người Khmer rất xem trọng việc báo hiếu, bởi những giá trị to lớn về giáo dục, tính cố kết, tương trợ và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống xã hội của cộng đồng người Khmer, đồng thời cho thấy giá trị đạo đức, giá trị nhân văn, giá trị giáo dục tính chân, thiện, mỹ… mà các giá trị này đã, đang và sẽ luôn được họ gìn giữ, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
TS. Huỳnh Ngọc Thu (LVO)