Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
ĐBQH Huỳnh Thanh Phương:
Bao nhiêu điểm nghẽn của nền kinh tế sẽ được khơi thông từ đầu tư công
Thứ hai: 12:02 ngày 15/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 13.6, trong phiên thảo luận tại Hội trường (kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV) về đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đồng tình cao với báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Theo đánh giá của đại biểu Phương, điểm nổi bật, mang tính bao trùm trong những tháng đầu năm nay là khủng hoảng dịch Covid-19 và tình hình hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt ở Đồng bằng sông Cửu Long cùng một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Cả hệ thống chính trị, hệ thống doanh nghiệp, các cấp, các ngành và toàn dân phải gồng mình chống dịch Covid-19.

ĐBQH Huỳnh Thanh Phương – Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh.

Đại biểu Phương cho rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những giải pháp điều hành rất đáng trân trọng khi chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân lên hàng đầu. Đây là điều hợp lòng dân, thông tin đến với dân kịp thời, minh bạch, sự tương tác giữa Nhà nước và người dân chặt chẽ; từ đó khơi dậy được tinh thần lạc quan, đồng lòng và chung niềm tin chống dịch trong mọi tầng lớp nhân dân.

Kết quả đến nay, các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội đang được khôi phục, tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực; Việt Nam là một trong số ít nước đẩy lùi và kiểm soát được dịch bệnh, không để ca tử vong nào; kết quả quý I/2020 vẫn đạt mức tăng trưởng 3,82%; các chỉ số kinh tế vĩ mô khác đều giảm, nhưng vẫn giữ được ở mức khá an toàn; an sinh xã hội tuy có bị ảnh hưởng nhưng nhìn chung vẫn không rơi vào tình trạng xáo trộn lớn.

Đại biểu Phương nhấn mạnh: Cử tri và Nhân dân đánh giá rất cao sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành đất nước chiến thắng đại dịch Covid – 19 của Đảng và Nhà nước ta. Bạn bè quốc tế ngưỡng mộ Việt Nam về sự đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị đến từng người dân, nhất là các lực lượng trực tiếp chiến đấu với dịch bệnh.

Song, trước những diễn biến hết sức phức tạp của đại dịch Covid – 19 thì khó khăn, hạn chế là điều không thể tránh khỏi, đại biểu Phương nêu những điểm nổi bật, đó là:

Thứ nhất: Cơ cấu sản xuất, cơ cấu sản phẩm, sự lệ thuộc quá lớn cả đầu vào và đầu ra vào thị trường; hạn chế về khả năng tài chính của phần đông doanh nghiệp, phương thức giao dịch thương mại và dịch vụ truyền thống.

Đặc biệt, hạn chế trong kết nối sản xuất với tiêu dùng được bộc lộ khá rõ nét. Hàng hóa từ người sản xuất đến tay người tiêu dùng phải qua nhiều tầng nấc trung gian, vận chuyển vòng vèo làm cho chi phí tăng, đội giá hàng hóa lên cao, sức cạnh tranh của hàng hóa giảm xuống, niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt cũng giảm sút.

Thứ hai: Thương mại điện tử tuy được tăng lên rất nhanh chóng nhưng nảy sinh nhiều vấn đề như: giá bán, sự khác biệt giữa thông tin chào bán và chất lượng hàng hóa trên thực tế, làm cho người mua hàng hoài nghi chất lượng sản phẩm tiêu dùng thông qua thương mại điện tử.

Thứ ba: Tình hình tham nhũng, trục lợi của nhiều cá nhân và tổ chức khi đất nước đứng trước khó khăn, thách thức do dịch bệnh gây ra vẫn xuất hiện. Nhiều loại hàng hóa phục vụ chống dịch bị đẩy giá lên nhiều lần, nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh... mặc dù không khan hiếm song vẫn bị một số thương nhân lợi dụng dịch bệnh cấu kết với nhau đẩy giá lên cao, không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn tạo nên những bất ổn, khó khăn không đáng có.

Đại biểu Phương nhận định để làm nên một chiến thắng trước đại dịch là việc rất khó nhưng khó hơn là làm gì để khắc phục hậu quả của nó mới là quan trọng, đại biểu cũng hoàn toàn thống nhất với những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm 2020 của Chính phủ, đồng thời, đại biểu Phương cũng đề nghị thêm các giải pháp sau đây:

Một là: Tăng cường mạnh mẽ sự phối hợp chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và toàn dân.

Thực tiễn thời gian qua ở nước ta cho thấy, khi sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp nhịp nhàng, hợp tác chặt chẽ, phân công và trách nhiệm rõ ràng, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương được phát huy thì mọi khó khăn sẽ từng bước được đẩy lùi, mọi cơ hội sẽ được tận dụng để thúc đẩy sự phát triển, hoàn thành mục tiêu đề ra.

Đề nghị cần kiên quyết đấu tranh loại bỏ tình trạng thiếu hợp tác, đùn đẩy trách nhiệm, thuận lợi thì làm, khó khăn thì lùi bước; loại bỏ tình trạng lợi ích nhóm, căn bệnh hình thức, cá nhân, cục bộ, tìm cách lách luật, lách chủ trương chính sách... đã và đang cản trở quá trình thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa thúc đẩy khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta.

Hai là: Có giải pháp hữu hiệu trước tình trạng hạn hán, xâm ngập mặn ngày càng khốc liệt: cần nâng cao năng lực, khả năng dự báo, cảnh báo sớm, chính xác để có quyết định phù hợp. Đẩy mạnh điều chỉnh sản xuất nhất là sản xuất nông nghiệp thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tức là chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hợp lý với vùng nước mặn, nước lợ và giảm sản xuất nông nghiệp sử dụng nước ngọt vùng ven biển; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nghiên cứu các loại giống, cây, con mới giúp người dân chung sống với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn một cách hiệu quả nhất.

Ba là: Tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành y tế. Qua cuộc chiến chống dịch Covid-19 càng thấy rõ khả năng chuyên môn nghiệp vụ rất cao và tiềm tàng của ngành y tế, của đội ngũ chuyên gia y tế, đội ngũ bác sĩ, thầy thuốc nước ta. Và cũng từ đây, vị thế, uy tín của y tế Việt Nam trên trường quốc tế càng được nâng tầm gấp bội.

Trên nền tảng này, đại biểu cho rằng cần có chiến lược, chính sách đầu tư thúc đẩy phát triển ngành y tế hơn nữa, làm cho ngành này không chỉ đáp ứng tốt hơn nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe chất lượng cao của Nhân dân, mà còn trở thành một ngành kinh tế dịch vụ quan trọng đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bốn là: Có giải pháp kích cầu du lịch “người Việt Nam đi du lịch tại Việt Nam”. Việt Nam ta có rất nhiều danh lam, thắng cảnh tuyệt đẹp, hấp dẫn du khánh trong và ngoài nước, nhưng nhiều người Việt Nam không biết và chưa biết trong khi nhu cầu đi du lịch thưởng ngoạn danh thắng Việt Nam của người dân là phong phú.

Đại biểu đề nghị ngành du lịch trong nước cần suy nghĩ và có cách kích hoạt để “người Việt Nam vui thú trước cảnh đẹp của đất nước mình”; phải đẩy mạnh truyền thông về du lịch, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ các khu, tuyến, điểm du lịch đã khai thác, nghiên cứu để xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, đáp ứng nguyện vọng và mang đến sự hài lòng cho du khách Việt.

Sau cùng là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đại biểu Phương cho rằng đây là vấn đề lớn, có ý nghĩa lan tỏa rất mạnh đối với khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta, là động lực chính cho tăng trưởng trong năm nay. Mục tiêu lớn nhất của đầu tư công là nó sẽ được sử dụng như thế nào, hiệu quả ra sao? Bao nhiêu điểm nghẽn của nền kinh tế sẽ được khơi thông từ đầu tư công? Do đó, phải có cơ chế thích hợp, đồng thời nâng cao trách nhiệm, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, người đứng đầu các địa phương, các ngành, các lĩnh vực nhằm đẩy nhanh tốc độ và hiệu quả trong giải ngân vốn đầu tư công.

Kim Chi (lược ghi)

Tin cùng chuyên mục