Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thực tế cho thấy, Báo Tây Ninh bản in giấy vẫn còn đứng được trên thị trường báo chí. Nhưng không thể không đặt ra vấn đề làm thế nào để báo in vẫn sống và phát triển được trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0? Câu hỏi “cháy lòng” này vẫn đang chờ có một lời đáp.
Cố Tổng biên tập Nguyễn Ðức Tâm và cán bộ, nhân viên Báo Tây Ninh trong những năm 1990.
Là tờ báo đảng bộ địa phương góp mặt trong làng báo cách mạng Việt Nam khá sớm-từ năm đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh 72 năm trước, trong những năm qua, Báo Tây Ninh đã có nhiều cố gắng đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động báo chí khá sớm, từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, tạo tiền đề cho việc làm báo giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Nhân kỷ niệm 21.6 năm nay, người viết bài này xin nhắc lại một vài kỷ niệm, đồng thời bày tỏ cảm nghĩ về công việc không dễ dàng của những người làm báo trong giai đoạn mới, hết sức khó khăn mà cũng rất vẻ vang này.
Mới đây, sau khi đội tuyển Ðức thất bại trong trận đầu vòng bảng Wordcup 2018, trên báo Tuổi trẻ online, nhà báo Vũ Công Lập đã có một nhận xét chí lý như sau: “Bóng đá 4.0 gì đi nữa thì cũng phải vận hành bằng đôi chân và khối óc của con người; bằng những điều rất đời thường mà không ai có thể xử lý, phán đoán cũng như thay đổi được” (TTO-18.6.2018). Có thể nói, nhận định này nếu “vận” vào công việc làm báo hiện nay (bằng cách thay từ “bóng đá” bằng từ “báo chí”) kể cũng không phải là không phù hợp.
Thật ra, cách nay gần 30 năm, hầu như chưa ai nói đến “cách mạng công nghiệp 4.0”, dù rằng lúc ấy, ngành công nghệ thông tin (tin học) đã được đưa vào ứng dụng trong khá nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội; và cũng có thể nói hoạt động báo chí - xuất bản là một trong những lĩnh vực đi đầu tin học hoá.
Riêng với Báo Tây Ninh, khi ở Thị xã xuất hiện những lớp dạy tin học, những cơ sở “đánh máy chữ điện tử” đầu tiên, và xí nghiệp in Hoàng Lê Kha bắt đầu thực hiện việc “sắp chữ điện tử”, thì Tổng biên tập lúc bấy giờ là nhà báo Nguyễn Ðức Tâm (thường gọi là Sáu Tâm) cũng đau đầu về việc làm thế nào để đổi mới tờ báo- cả nội dung lẫn hình thức.
Giữa năm 1994, sau khi một biên tập viên được cử đi học lớp đào tạo Thư ký toà soạn, do Hội Nhà báo Việt Nam mở tại thành phố Hồ Chí Minh về báo cáo lại, ông Sáu Tâm liền cho lập đề án và trình Tỉnh uỷ, cơ quan chủ quản của Báo Tây Ninh, xin phép triển khai thực hiện đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc làm báo.
Ðược lãnh đạo tỉnh ủng hộ và đầu tư cơ sở vật chất, Toà soạn Báo được trang bị phòng máy vi tính với 4 máy PC đời 486, loại máy để bàn hiện đại nhất thời bấy giờ. Ði đôi với việc sắm máy, cơ quan Báo tổ chức “săn đầu người”, kết quả đã tuyển được một kỹ thuật viên có tay nghề cao về phụ trách phòng máy vi tính.
Ðồng thời, toà soạn mở một lớp tin học văn phòng, bắt buộc tất cả cán bộ, phóng viên đều phải học sử dụng máy vi tính, ngoại trừ… Tổng biên tập (!).
Ðiều ngoại lệ ấy chính là điểm đặc biệt nhất của cố TBT Nguyễn Ðức Tâm, mà những người từng làm việc “dưới trướng ông Sáu” không bao giờ quên (và không thể không kể lại trong bài báo này). Vị lãnh đạo tờ báo ấy thực sự là một người “trọn đời làm báo”.
Năm 1960, ông Sáu Tâm tham gia cách mạng khi mới hơn 17 tuổi tại Căn cứ Ban Tuyên huấn tỉnh ở rừng Bời Lời. Ðược phân công vào Tiểu ban Báo chí, ông Sáu Tâm làm báo suốt thời kỳ chống Mỹ (1960-1975) cho đến hết… thế kỷ 20.
Về hưu năm 2001, ông Sáu Tâm vẫn làm Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh đến khi qua đời 5 năm sau. Suốt cuộc đời tham gia cách mạng 46 năm, ông Sáu Tâm chỉ làm một nghề - nghề làm báo. Khi vào nghề, ông Sáu Tâm chỉ học đến lớp Ðệ ngũ bậc trung học (lớp 8/12 ngày nay).
Nhưng ông là người “đeo bám” mở cho được lớp đại học báo chí tại chức đầu tiên tại Tây Ninh (và ở cả miền Nam) năm 1993. Ông Sáu Tâm “thề không đụng đến bàn phím vi tính” nhưng ông lại là thủ trưởng cơ quan đầu tiên có phòng máy nghiệp vụ nối mạng nội bộ ở Tây Ninh năm 1994.
Ông là người đứng tên bảo lãnh cho đội ngũ cán bộ, phóng viên vay tiền ngân hàng trả góp để trang bị máy vi tính cá nhân, máy ảnh, máy ghi âm kỹ thuật số. Có người hỏi về việc này, ông nói: “Chứ làm sao tụi nó có tiền sắm máy? Toà soạn Báo có phòng máy vi tính, chẳng lẽ để phóng viên viết tay!”. Xin nói thêm, lúc bấy giờ ở Tây Ninh chỉ có mấy tiệm vàng chung quanh chợ Long Hoa mới mua nổi máy vi tính để… chưng tủ kính.
Bắt đầu từ đó, Toà soạn Báo không nhận bản thảo viết tay; phóng viên và kể cả các cộng tác viên thường xuyên đều phải nộp bài và ảnh bằng đĩa mềm, rồi bằng USB và cho đến khi Việt Nam mở cổng internet thì gửi qua e-mail.
Thật ra, trước năm 1997, hai anh biên tập viên và kỹ thuật viên kể trên đã âm thầm kết nối máy cá nhân với nhau để thực tập truyền dữ liệu qua mạng, nhưng phải sử dụng phần mềm PC-Anywhere truyền Dial-up qua mạng… điện thoại (cho dù phải trả cước phí hằng tháng gấp ba lần tiền lương). Khi tỉnh nhà có đường truyền ADSL thì Báo Tây Ninh chính là khách hàng đầu tiên của Viễn thông Tây Ninh.
Ðối với đội ngũ trực tiếp tác nghiệp, các phóng viên trong thời kỳ đổi mới (1986-2000, đến nay hầu hết đã về hưu) không thể nào quên những ngày đi cơ sở thâm nhập thực tế bằng… xe đạp (nếu ở gần) hoặc xe đò (nếu đi xa), hành trang chỉ có cây bút bi, cuốn sổ tay, chiếc máy ảnh quang cơ chụp phim đen trắng, chớp đèn flash bằng… bình accu (vì pin AAA quá đắt).
Phóng viên trẻ ngày nay có lẽ khó mà tưởng tượng được chuyện hành nghề mà không có cái smartphone trên tay. Thực sự, “kiểu” tác nghiệp như thế có thể nào nói khác hơn là “vận hành bằng đôi chân và khối óc của con người; bằng những điều rất đời thường…”- như lời ông Vũ Công Lập.
Tại Toà soạn Báo Tây Ninh, từ những kỹ thuật viên… tay ngang của Tổ kỹ thuật vi tính, các kỹ thuật viên có bằng kỹ sư công nghệ in lần lượt được tuyển dụng. Trong quy trình báo, cách “vẽ ma-két (maquette)” bằng tay và chia cột báo “cái rập gỗ” đã lùi vào dĩ vãng. Người trình bày báo bắt đầu thực hiện dàn trang báo bằng phần mềm Page Maker.
Ban đầu, các “bản nhũ” ma-két báo được in ra trên giấy bóng mờ được đưa đến nhà in để chế bản in báo. Về sau, các nhân viên nhà in Hoàng Lê Kha đến Phòng Thư ký toà soạn ghép trang, thuật ngữ gọi là “bình bản” và cầm về nhà in làm tiếp các công đoạn sau.
Ðến khi nhà in Báo Nhân Dân có Ðài truyền báo với đường truyền riêng tốc độ cao, Báo Tây Ninh trở thành một trong những khách hàng đầu tiên truyền dữ liệu bản in báo đến nhà in.
Ứng dụng công nghệ làm báo này là cơ sở kỹ thuật để Báo rút ngắn thời gian làm báo, định kỳ xuất bản báo để đưa báo đến tay bạn đọc tận vùng sâu, vùng xa sớm nhất với những tin tức sốt dẻo, đưa tin trong vòng 24 giờ sau khi sự kiện thời sự diễn ra.
Từ mỗi tuần báo phát hành một kỳ 8 trang trong giai đoạn bao cấp, thời kỳ đổi mới, báo Tây Ninh tăng lên 16 trang, phát hành 2 kỳ/tuần, rồi 3 kỳ/tuần, đến nay, báo phát hành 4 kỳ/tuần với “tia-ra” lên tới 15.000 bản mỗi kỳ.
Con số 15.000 bản phát hành mỗi kỳ báo trên địa bàn một tỉnh hơn 1,1 triệu dân thật ra chưa phải là cao lắm. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, khi mà sự tồn tại của tờ báo in luôn bị đe doạ bởi loại hình báo mạng, thì con số ấy kể cũng khá ấn tượng.
Bước sang thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, Báo Tây Ninh ra thêm ấn bản online - báo điện tử trên internet với số lượt truy cập hằng ngày lên đến vài vạn.
Thực tế cho thấy, Báo Tây Ninh bản in giấy vẫn còn đứng được trên thị trường báo chí. Nhưng không thể không đặt ra vấn đề làm thế nào để báo in vẫn sống và phát triển được trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0? Câu hỏi “cháy lòng” này vẫn đang chờ có một lời đáp. Và có lẽ lời đáp không ở đâu xa, chính là trong “đôi chân và khối óc con người”, những con người đã và đang “sống chết” với tờ báo truyền thống của tỉnh nhà.
NGUYỄN TẤN HÙNG