Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bảo tồn di tích lịch sử văn hoá, nghịch lý ở Bến Cầu
Thứ tư: 12:45 ngày 21/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Một số nơi như gò miếu Bà - Bến Đình, xã Tiên Thuận hay Thành bảo Long Giang, có nhiều ý kiến cử tri phản ánh, trong đó nổi lên ý kiến cần xác định lại phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích; bảo đảm không ảnh hưởng nhiều đến quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân sống kề bên các di tích.

Gò miếu Bà - Bến Đình.

Vào tháng 6.2019, trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh đưa tin đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh đi thực địa, giám sát công tác bảo tồn di tích lịch sử văn hoá ở các địa phương, trong đó có Bến Cầu. Một số nơi như gò miếu Bà - Bến Đình, xã Tiên Thuận hay Thành bảo Long Giang, có nhiều ý kiến cử tri phản ánh, trong đó nổi lên ý kiến cần xác định lại phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích; bảo đảm không ảnh hưởng nhiều đến quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân sống kề bên các di tích. Câu chuyện này hiện đang là mối quan tâm không chỉ của bà con huyện Bến Cầu mà còn là của cả nước. Đây chính là việc hoá giải mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển ngày nay.

Trên thực tế, do công tác quảng bá để phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá chưa làm được bao nhiêu, nên việc xâm phạm vào di tích, nếu có thì cũng không nhiều người biết, như ở di tích khảo cổ Bến Đình, xã Tiên Thuận. Thật khó để biết các cọc mốc khoanh vùng bảo vệ cắm ở đâu. Vì như nhiều người đã biết, di tích này liên quan đến cả cảng thị thời xa xưa lẫn thành trì thời gần đây- như bảo Định Liêu dưới thời các vua Thiệu Trị và Tự Đức.

Những bờ thành xưa, mà trong ký ức các vị cao tuổi là cao hơn mái nhà, lừng lững như bờ đê đã hoàn toàn biến mất. Một vài đoạn còn sót lại nằm âm thầm trong những vườn tược xóm dân cư ở ấp B, Tiên Thuận. Gọi là xa xưa, bởi trước khi xây cầu Bến Đình, theo Luật Di sản thì đoạn đặt mố cầu cũng đã được khảo cổ. Nhưng kết quả thế nào cũng không thấy cơ quan chức năng công bố. Người ngoài chỉ biết gọi là thời xa xưa mà thôi, căn cứ vào những cọc gỗ đào được ở mé sông đã “than hoá” gần như những cây hoá thạch.

Di tích Thành bảo Long Giang, do thành nằm chắn giữa con đường ĐT 786 nên nhiều người biết đến hơn và cũng dễ thấy sức ép của công cuộc phát triển hoặc đô thị hoá. Vòng ra phía sau Thành bảo, ở bờ phía Tây- Bắc sẽ dễ nhận ra một cọc mốc bằng bê tông. Nhưng, ở phía trước giáp đường là một ngôi nhà một lầu mới xây, có vẻ như đã ép sát vào, thậm chí có thể đã lấn vào vùng được khoanh vùng bảo vệ.

Ở mạn phía Nam, một khoảng ruộng lúa cũng đã được “cuốc bờ phát góc” vào sát chân thành. Một người dân có nhà ở gần bên đường 786 còn kể:- “Chủ ruộng ấy đã lôi cột mốc cắm trên ruộng lên để quẳng vào mé bên trong. Để sau đó lấn chiếm, mở rộng thêm đất ruộng…”. Thực hư thế nào chưa rõ, nhưng bờ ruộng được đào, xén bằng phẳng sát với bờ thành mọc rất nhiều cây duối và lùm bụi.

Ngoài hai ví dụ trên, Bến Cầu vẫn có những di chỉ khảo cổ đáng chú ý khác, kể cả những nơi chưa từng được chú ý hoặc khảo sát như Bàu Nước Hến ở ấp Bàu Tràm Lớn, xã Tiên Thuận. Nghịch lý ở đây là: nếu như ở ấp Tân Lập, xã Lợi Thuận có người đã “hồn nhiên” đào bới bỏ gạch cổ trên gò tháp (còn gọi là gò Chốt Mỹ) để xây nên khu mộ của dòng họ thì ở Bàu Tràm Lớn, lại có người bảo tồn được gần như nguyên vẹn di sản của dòng họ.

Đấy là trường hợp gia đình bác sĩ Lê Văn Sẻ. Trên phần đất của ông bà để lại, ông Sẻ đã tôn tạo mà vẫn giữ nguyên vẹn được Bàu Nước Hến và ngôi miếu ở bờ bàu để trở thành một cảnh quan sinh thái. Bàu gần vuông khoảng bảy, tám chục mét mỗi chiều, bốn bề cây xanh toả bóng. Đây là nơi bác sĩ lập mộ và chỗ thờ cha mẹ của mình - ông Lê Văn Thưởng và bà Phạn Thị Coi, một gia đình được ghi nhận là có công với nước.

Một nghịch lý đáng kể nữa là trong khi các di tích được công nhận, đã được cắm biển di tích, cắm cọc khoanh vùng bảo vệ luôn tiềm ẩn nguy cơ bị xâm lấn thì tại một nơi chưa được công nhận gì cả lại được người dân trong vùng bảo vệ như báu vật. Đấy là trường hợp Bàu Ông, thuộc ấp Bàu Tép, xã Tiên Thuận.

Bàu Ông là một địa điểm lạ lùng. Không ai dám xâm phạm kể cả cây rừng, hoặc sắt thép phế liệu là bom đạn Mỹ. Vì vậy, bờ bàu rộng khoảng 16 đến 20m bao quanh chiếc bàu chữ nhật còn nguyên vẹn dạng hình, um tùm lùm bụi, dây leo quấn quýt dưới tàn cây cổ thụ. Điều đặc biệt là ở bờ phía Tây của bàu, người dân đã luôn đến khói hương, thờ phụng một biểu tượng thờ của người xưa- một bông sen đá.

Chẳng biết đã bao lâu? Chỉ biết Bảo tàng tỉnh tới khảo sát từ năm 1985, tiếp theo là vào năm 1992. Hố đào khá lớn, dài 3m, rộng 2m và sâu 1,8m ngay vị trí thờ bông sen đá, nhưng không có phát hiện gì thêm. Do vậy, Bàu Ông đã không được xếp hạng di tích, dù các cán bộ Bảo tàng tỉnh cũng như các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng Nam bộ đã rất quan tâm và đánh giá cao hiện vật duy nhất ở đây là bông sen đá. Thậm chí vào năm 2017, hai cơ quan này đã thống nhất kiến nghị trình lên Bộ chủ quản công nhận bông sen này là bảo vật quốc gia.

Cũng nên lưu ý thêm rằng, trên những cánh đồng gần Bàu Ông, người ta từng phát hiện những nơi chôn giấu một số hiện vật đá, trong đó cả “Tượng đá không đầu” (Báo Tây Ninh, ngày 28.7.2007, bài Tượng đá không đầu và những lời đồn đại). Ngoài ra, mô hình cấu trúc gò- bàu rất rõ ở Bàu Ông, được bảo tồn hầu như nguyên vẹn. Hiện vật thì được đề nghị là bảo vật; trong khi nơi khai sinh ra nó lại không được xếp hạng di tích. Phải chăng cũng là nghịch lý?

Trên thực tế, Bàu Ông đã là di tích trong lòng dân Bàu Tép, Tiên Thuận; và xa hơn là với cả những cư dân tín ngưỡng dân gian các vùng đô thị như Long Hoa hay thành phố Tây Ninh. Nơi đặt bệ thờ cho “Ông” ngự giờ đã có mái che vững chắc bằng tôn thép, lại có thêm các ban Tả, Hữu, ông Tà chầu ở chung quanh. Góc bàu phía Đông - Nam, nơi có miếu Bà cũng đã có thêm đài tượng Phật Quan Âm Bồ Tát.

Rừng vẫn xôn xao, nảy nở từng mùa những trái giác, nhãn rừng cho trẻ em nghèo đến vui chơi và thụ hưởng. Ông thủ từ khiếm thính thường xuyên có mặt, chạy qua chạy lại hai nơi để chăm sóc khói nhang thờ tự các bậc tiền nhân. Bà bán vé số ghé qua cũng phụ một tay châm nước bình hoa hay quét rác. Đây chính là nơi chăm sóc kỹ càng, bảo tồn chu đáo nhất so với các di tích, dù đã công nhận hay chưa trên miền đất Tiên Thuận lịch sử. Khu rừng gò bàu với diện tích khoảng 7.000m2 vẫn do UBND xã quản lý. Và cũng đã có tổ chức xin được giao để quản lý, khai thác về mặt tâm linh tín ngưỡng. Dù vậy, với Bàu Ông thì rất nên thận trọng trước khi quyết định điều gì.

TRẦN VŨ

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục