Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bảo vệ môi trường trong khai thác bến thuỷ nội địa
Thứ bảy: 00:23 ngày 10/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tây Ninh có 2 sông lớn chảy qua địa phận tỉnh gồm sông Vàm Cỏ Đông dài 105km và sông Sài Gòn dài khoảng 40km. Ngoài ra, còn có một số rạch lớn thuận lợi cho việc phát triển vận tải đường thuỷ nội địa như: rạch Bàu Nâu, rạch Vàm Bảo, rạch Đá Hàng, rạch Trảng Bàng…

Một bến thuỷ nội địa trên địa bàn xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành đổ vật liệu tràn ra cả hành lang quốc lộ 22B

Nhiều nơi chưa bảo đảm vệ sinh môi trường

Toàn tỉnh có 134 bến thuỷ nội địa (BTNĐ) được cấp phép hoạt động (sông Vàm Cỏ Đông 69 bến; sông Sài Gòn 14 bến; hồ Dầu Tiếng 23 bến; hồ Tha La 3 bến; rạch Tây Ninh 9 bến; rạch Trảng Bàng, Bàu Nâu, rạch Vàm Bảo, rạch Đá Hàng: 16 bến).

Trong đó, chỉ riêng BTNĐ tập kết vật liệu xây dựng, hàng hoá thông thường đang hoạt động là 90 bến. Người dân sống gần các BTNĐ này phản ánh, phần lớn các BTNĐ chưa chú trọng công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, tiếng ồn khi hoạt động.

Ở một số BTNĐ nằm trên rạch Tây Ninh, thuộc địa phận xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, gần như không có điểm rửa xe khi ra vào bến lấy vật liệu. Chỉ khi phát hiện sự có mặt của phóng viên, nhân viên ở bến mới cầm ống nước loại nhỏ xịt rửa xe đã lấy vật liệu.

Khi phóng viên hỏi về giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, một người được cho là quản lý bến trả lời hết sức vô tư: “Đoàn kiểm tra đã giữ hết rồi”; có quản lý bến đưa ra giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường từ năm... 2019.

Tại một số BTNĐ trên sông Vàm Cỏ Đông, thuộc địa phận hai xã Trường Tây, Trường Đông (thị xã Hoà Thành), không chỉ việc bảo vệ môi trường chưa bảo đảm mà có bến còn đổ vật liệu xây dựng tràn ra hành lang an toàn giao thông quốc lộ 22B, gây nguy hiểm cho người đi đường, mất an toàn giao thông.

Theo quy định, BTNĐ là một công trình độc lập có quy mô xây dựng nhỏ, bao gồm vùng đất và vùng nước ở trước bến để phương tiện thuỷ nội địa có thể neo đậu, xếp dỡ hàng hoá, đón, trả hành khách và thực hiện các dịch vụ hỗ trợ khác. BTNĐ bao gồm: bến hàng hoá, bến hành khách, bến tổng hợp, bến khách ngang sông và bến chuyên dùng.

Ngành Giao thông Vận tải cho biết, các vị trí đề nghị mở bến thuỷ nội địa (BTNĐ) phải phù hợp với quy hoạch BTNĐ địa phương. Trường hợp vị trí đề nghị mở BTNĐ chưa được đưa vào quy hoạch, trên cơ sở thống nhất của các ngành, địa phương sẽ cập nhật bổ sung và tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh.

Ngành GTVT là cơ quan chủ trì phối hợp cùng đại diện các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố, thị xã (nơi tổ chức, cá nhân đề nghị mở BTNĐ) cùng tiến hành khảo sát thực tế tại vị trí đề nghị mở bến để xem xét chấp thuận chủ trương xây dựng và cấp phép hoạt động BTNĐ.

Trách nhiệm của các sở, ngành có liên quan là phải có ý kiến về lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành, cụ thể về quy hoạch BTNĐ; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các điều kiện về bảo đảm an toàn giao thông; thực hiện cam kết bảo đảm môi trường khu vực hoạt động BTNĐ…

Phải bảo đảm các thông số kỹ thuật xây dựng và hoạt động BTNĐ như phạm vi hoạt động vùng đất và vùng nước, bảo đảm an toàn hành lang bảo vệ luồng đường thuỷ nội địa, hành lang bảo vệ nguồn nước, các điều kiện an toàn đối với bến, khu neo đậu, luồng chuyên dùng vào bến, báo hiệu và các công trình khác có liên quan trong phạm vi bến, khu neo đậu…

Hằng năm, Sở GTVT thường xuyên chỉ đạo lực lượng Cảng vụ Đường thuỷ nội địa và Thanh tra GTVT phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra tại các cảng, BTNĐ và trên các tuyến đường thuỷ nội địa địa phương về các điều kiện trong hoạt động khai thác bến bãi, việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa, bảo đảm vệ sinh môi trường khu vực hoạt động bến thuỷ… để kịp thời xử lý những hành vi vi phạm quy định của các BTNĐ.

Tuy nhiên, Sở GTVT cũng nhìn nhận, mạng lưới giao thông đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh với các cảng, BTNĐ được xây dựng hình thành và hoạt động trên các tuyến sông, rạch… chảy qua nhiều địa bàn trong tỉnh.

Công tác quản lý nhà nước tại cảng, bến thuỷ đang gặp một số khó khăn như kiểm tra việc chấp hành các quy định về hoạt động vận tải đường thuỷ nội địa, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm vệ sinh môi trường… tại cảng, BTNĐ chưa được thường xuyên.

Xe từ trong một bến thuỷ nội địa trên rạch Tây Ninh (xã Thanh Điền, huyện Châu Thành) chạy ra đường 796 không bảo đảm vệ sinh môi trường.

Phục vụ nhu cầu phát triển, nhưng cần chú trọng công tác bảo vệ môi trường

Việc phát triển giao thông đường thuỷ trong những năm gần đây là phù hợp với sự phát triển của tỉnh nhà. Thế nhưng với sự phát triển của các BTNĐ tại các sông, rạch trên địa bàn tỉnh thời gian qua, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần quan tâm hơn đến công tác bảo vệ môi trường ở các bến thuỷ.

Về trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động BTNĐ, Sở GTVT cho biết đơn vị chỉ đạo tiếp tục duy trì thực hiện kế hoạch chuyên đề, kế hoạch cao điểm về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện đường bộ, kích thước thùng xe, nhất là việc kiểm soát tải trọng xe tại BTNĐ, bãi kinh doanh vật liệu, các khu vực có nhiều công trình, phương tiện vận tải hàng hoá tăng cao...; duy trì hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động 24/24 tất cả các ngày trong tuần, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Riêng đối với hoạt động tại các BTNĐ, Sở GTVT chỉ đạo lực lượng Cảng vụ Đường thuỷ nội địa (ĐTNĐ) tiếp tục phối hợp Thanh tra GTVT và các cơ quan chuyên môn của địa phương tăng cường kiểm tra hoạt động xếp dỡ hàng hoá tại các bến thuỷ trên địa bàn tỉnh, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định hoạt động BTNĐ, bảo đảm an toàn giao thông, môi trường khu vực hoạt động bến thuỷ…; chủ động phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp phương tiện chở hàng hoá vượt quá tải trọng cho phép trên địa bàn, nhất là trên các tuyến đường giao thông nông thôn của địa phương.

Yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hàng hoá trên địa bàn thực hiện đúng các quy định khi tham gia giao thông về tải trọng phương tiện, kích thước thùng xe, không để vật liệu rơi vãi, hàng hoá cồng kềnh... không bảo đảm an toàn giao thông, ảnh hưởng môi trường.

Dù ngành GTVT đã đưa ra giải pháp để chấn chỉnh việc chấp hành quy định của các BTNĐ của tỉnh, nhưng các bến thuỷ chuyên tập kết vật liệu xây dựng còn thờ ơ trong công tác bảo vệ môi trường.

Bất cập hiện nay là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 không quy định chặt chẽ việc BTNĐ phải lập đề án bảo vệ môi trường. Theo tìm hiểu tại các địa phương, BTNĐ chỉ lập cam kết về việc bảo vệ môi trường và được chính quyền xác nhận. Tuy nhiên qua thực tế, công tác bảo vệ môi trường theo bản cam kết gần như không được các BTNĐ thực hiện. Đây là vấn đề mà các cơ quan có thẩm quyền và chính quyền địa phương cần có giải pháp chấn chỉnh.

Theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7.7.2022 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã đều có chức năng phát hiện và xử lý những hành vi gây ô nhiễm môi trường. Qua trao đổi, một lãnh đạo UBND huyện Châu Thành cho biết, đối với các BTNĐ dọc đường 796 mà dư luận phản ánh chưa bảo đảm về môi trường, UBND huyện Châu Thành sẽ chỉ đạo phòng chuyên môn, UBND xã tăng cường xử lý, chấn chỉnh.

Thế Nhân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục