Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Bắt tay ngay vào lấy mẫu để kiểm định độc lập 17 con tàu hư hỏng tại Bình Định, tổ thẩm định chất lượng tàu vỏ thép vừa lập ra ở tỉnh này được xem như “đội bác sĩ đặc nhiệm”.
Tàu vỏ thép nằm bờ - Ảnh: Trường Đăng
Họ không chỉ mổ xẻ căn bệnh của tàu vỏ thép, mà cả chương trình lớn của quốc gia mà người dân Việt mong muốn phải thành công.
Xã hội đang mong muốn tìm ra bệnh vì sao tàu vỏ thép đóng theo nghị định 67 phải nằm bờ mà Bình Định là điển hình, như lời Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đã nói với báo giới.
Ông Tám khẳng định: “Bộ sẽ kiểm tra toàn bộ những liên quan trong bản hợp đồng giữa các chủ tàu và cơ sở đóng tàu. Việc giám sát xuyên suốt trong quá trình đóng tàu thế nào, trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm ra sao phải rạch ròi”.
Việc chẩn đoán bệnh tàu vỏ thép cũng là để làm sáng tỏ và nhanh chóng chấn chỉnh xu hướng trục lợi trên con tàu cá vỏ thép. Bởi có dư luận rằng khi mở ra chương trình đóng tàu vỏ thép theo nghị định 67, nhiều doanh nghiệp đua nhau tham gia, trong đó có cả doanh nghiệp chưa hề có kinh nghiệm đóng tàu cá.
Bên cạnh các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, cũng có những doanh nghiệp - hoặc yếu kém về năng lực hoặc chạy theo lợi nhuận - đã giao cho ngư dân những con tàu không thể đi biển nên hư hỏng ngay chuyến ra khơi đầu tiên.
Không chỉ thế, việc chẩn đoán cũng sẽ giúp phác thảo ra những việc cần phải làm ngay để giúp ngư dân tập dần với làm ăn lớn.
Bởi bao đời nay ngư dân đã quen với tàu gỗ, lại chưa quen đặt hàng đóng tàu vỏ thép với những công đoạn phức tạp, phải tuân theo kỹ thuật chứ không thể theo kinh nghiệm dân gian. Bản thân họ cũng chưa quen giám sát hoặc thuê đơn vị giám sát các công đoạn đóng con tàu vỏ thép hàng chục tỉ đồng của mình.
Rồi phải xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho tàu vỏ thép, cho hoạt động đánh bắt xa bờ. Ở đó, người làm việc trên tàu phải là những công nhân được đào tạo bài bản, có tay nghề chứ không phải là những người không có việc làm hay bỏ đồng ruộng để “đi bạn” như bao lâu nay.
Không chỉ dừng ở đó, khi đã bắt được bệnh, việc tiếp theo là phải phòng bệnh. Đó là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước ngành thủy sản từ trung ương đến địa phương, để không còn xảy ra tình trạng những con tàu vỏ thép - chương trình lớn của quốc gia - không thể vươn khơi xa, lại trở thành gánh nặng cho chính ngư dân và nền kinh tế.
Bộ NN&PTNT đang chuẩn bị kế hoạch để Chính phủ tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện nghị định 67, từ đó rà soát những chính sách trong nghị định này. Vì vậy, cuộc mổ xẻ bệnh tàu vỏ thép ở Bình Định sẽ góp phần rất quan trọng để đặt những nội dung bức xúc nhất từ thực tế lên bàn nghị sự của hội nghị trên.
Chỉ có làm quyết liệt, không nhân nhượng, làm đến cùng mới bắt đúng bệnh của tàu vỏ thép. Bắt đúng bệnh để trị bệnh, chúng ta mới có thể kỳ vọng một ngày rất gần sẽ có những “đội tàu 67” - những “quả đấm thép” của ngành khai thác hải sản VN.
Nguồn TTO