Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bất cập các quy định phòng cháy, chữa cháy
Thứ sáu: 05:02 ngày 31/05/2013

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Luật PC&CC cũng bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý Nhà nước về PCCC trong tình hình mới.

HTML clipboard

(BTN)- Luật Phòng cháy và chữa cháy (PC&CC) được Quốc hội khoá X, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29.6.2001 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 4.10.2001. Từ khi Luật PC&CC có hiệu lực đến nay, số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra đã được kiềm chế, đặc biệt là tỷ lệ số vụ cháy lớn đã giảm nhiều so với trước thời điểm Luật PC&CC được ban hành (1%/1,7%). Cùng trong thời gian đó, các lực lượng PCCC đã kịp thời dập tắt có hiệu quả trên 28.000 vụ cháy, cứu nạn và hướng dẫn thoát nạn an toàn cho hàng ngàn người trong các đám cháy, bảo vệ tài sản trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng. Những kết quả đạt được nêu trên đã góp phần quan trọng bảo đảm tính mạng và tài sản của nhân dân, tập thể, Nhà nước, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) phát biểu trong phiên thảo luận tổ tại kỳ họp QH

Tuy nhiên, theo ĐBQH Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh), bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Luật PC&CC cũng bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý Nhà nước về PCCC trong tình hình mới. Đó là việc chưa quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong công tác PCCC; Chưa quy định chặt chẽ về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với các loại hình công trình đặc thù về cháy, nổ nên ở những công trình loại này vẫn còn xảy ra cháy, nổ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản (một số loại hình công trình đặc thù mới đã và sẽ xuất hiện tại Việt Nam nhưng chưa được quy định trong Luật PC&CC, như nhà máy điện hạt nhân, nhà khung thép mái tôn có diện tích lớn, rất khó khăn cho việc chữa cháy).

Về phía lực lượng Cảnh sát PCCC, ngoài các chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này được quy định trong Luật PC&CC thì nhiều nhiệm vụ quan trọng khác như công tác cứu nạn, cứu hộ; thanh tra PCCC... còn được quy định tại các văn bản dưới luật nên cơ sở pháp lý không cao. Để tạo cơ sở pháp lý cao hơn cho lực lượng Cảnh sát PCCC thực hiện tốt nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới thì sự cần thiết phải quy định các vấn đề nêu trên trong dự thảo Luật PC&CC.

Đối với xã hội, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng dân phòng và lực lượng PCCC cơ sở đã được quy định trong Luật nhưng hoạt động PCCC của các lực lượng này chưa đạt hiệu quả cao. Nguyên nhân một phần là do Luật PC&CC còn thiếu những quy định cụ thể về kinh phí đầu tư, trang bị phương tiện PCCC cũng như chế độ, chính sách cho lực lượng dân phòng và lực lượng PCCC cơ sở chưa phù hợp cần được sửa đổi, bổ sung.

Luật PC&CC quy định về trách nhiệm xây dựng phương án chữa cháy ở cơ sở và khu dân cư chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn của công tác PCCC. Theo đó, trách nhiệm này được giao cho người đứng đầu cơ sở, trưởng thôn, trưởng ấp, trưởng bản, tổ trưởng tổ dân phố nhưng không có sự phân biệt về quy mô cũng như tính chất nguy hiểm về cháy, nổ; đặc biệt là các cơ sở, khu dân cư ở các thành phố lớn, nơi có nguy cơ cháy, nổ cao, vụ cháy có diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có kế hoạch sử dụng lực lượng, phương tiện, tổ chức chỉ huy, biện pháp kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy... phù hợp với tình huống cháy, nổ; trong khi đó trình độ chuyên môn nghiệp vụ về PCCC của những người đứng đầu cơ quan, cơ sở nêu trên còn hạn chế vì vậy những quy định về trách nhiệm này bộc lộ nhiều vướng mắc, tính khả thi không cao, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác PCCC.

Trước yêu cầu thực tiễn của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đòi hỏi bên cạnh các nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động PCCC đã nêu trong Luật PC&CC, thì cần phải có sự đầu tư từ các nguồn lực khác của xã hội, qua đó góp phần làm giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, đồng thời sẽ nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác PCCC; theo đó, trong dự thảo Luật cần có  quy định cho phép thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ về phòng cháy.

Trong phiên thảo luận tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PC&CC sáng ngày 28.5.2013, ĐBQH Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cho rằng, những nội dung Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung đối với Luật PCCC hiện hành là cần thiết nhưng chưa đủ, chưa bao quát hết những vấn đề khó khăn, vướng mắc nhằm bảo đảm khi ban hành Luật đáp ứng được yêu cầu ngăn chặn, đẩy lùi tình hình cháy nổ đang diễn biến phức tạp hiện nay. Cụ thể tại Khoản 1, Điều 25 dự thảo Luật, ĐB Phương đề nghị nên bổ sung thêm một điều khoản với nội dung: “Các công trình trên (có độ cao từ 75 mét trở lên-NV) cần phải có nội quy, quy định, biển báo về PCCC, sơ đồ thoát hiểm khi xảy ra cháy... phù hợp với tính chất và đặc điểm từng công trình, nhất là đối với công trình ngầm nhiều tầng ở dưới đất cần phải cụ thể và chi tiết để đảm bảo thoát người khi xảy ra cháy, rò rỉ khí...”.

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC có phạm vi điều chỉnh rất rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều sinh hoạt và hoạt động hằng ngày của các tổ chức và cá nhân, do vậy, nên chăng các nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật PCCC cần được lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các tổ chức, cá nhân liên quan trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua.

Kim Hạnh – DN

Từ khóa:
data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục