Tiền đồng mất giá, lạm phát cao, cơ sở hạng tầng "cứng" và "mềm" chậm được cải thiện... là những quan ngại được các nhà đầu tư nêu lên tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, diễn ra sáng 2.12 tại Hà Nội.
Tiền đồng mất giá, lạm phát cao, cơ sở hạ tầng "cứng" và "mềm" chậm được cải thiện... là những quan ngại được các nhà đầu tư nêu lên tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, diễn ra sáng 2.12 tại Hà Nội.
Là sự kiện khởi động cho Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) sẽ diễn ra vào đầu tuần tới tại Hà Nội, Diễn đàn lần này được đánh giá là kênh đối thoại quan trọng giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, tác động lớn đến quan điểm của các nhà tài trợ đối với Việt Nam.
Diễn đàn được mở đầu bằng việc công bố Báo cáo Điều tra cảm nhận môi trường kinh doanh năm 2010 tại Việt Nam. Theo ban tổ chức, bao gồm Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), kết quả của báo cáo năm nay tương đối khả quan.
Cảm nhận chung của doanh nghiệp về môi trường kinh doanh Việt Nam chỉ dừng ở mức "tạm được". |
75% trong số 227 doanh nghiệp được hỏi cho biết đang có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Điểm số được các doanh nghiệp "chấm" cho môi trường kinh doanh cũng được nâng từ mức 2,28 của năm 2009 lên 2,52 điểm (trên thang điểm 5).
Tuy nhiên, cảm nhận chung của doanh nghiệp về các điều kiện kinh doanh tại Việt Nam chỉ dừng lại ở mức "tạm được", trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng kém lạc quan hơn so với các doanh nghiệp nội. Trong số 14 lĩnh vực cụ thể của môi trường kinh doanh (tiếp cận thông tin, kinh tế vĩ mô, hệ thống pháp luật...), Việt Nam cũng không nhận được điểm số trên trung bình ở bất cứ một lĩnh vực nào.
Tiếp nối việc công bố báo cáo nói trên, lần lượt cộng đồng các nhà đầu tư châu Âu, Mỹ, Australia và các doanh nghiệp trẻ Việt Nam đã có cơ hội đưa ra quan điểm cũng như kiến nghị đối với Chính phủ về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Trong đó, các đại diện doanh nghiệp bày tỏ sự quan ngại sâu sắc nhất tới tình trạng bất ổn của kinh tế vĩ mô hiện nay.
Theo Chủ tịch Phóng thương mại Mỹ (AmCham) Hank Tomlinson, thành công của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài thời gian qua phần lớn được dựa vào kỳ vọng về một nền kinh tế - chính trị ổn định. Tuy nhiên, cách tiếp cận của cơ quan chức năng đối với một số chính sách kinh tế, tiền tệ đã gây ra các vấn đề về tín nhiệm và lòng tin.
AmCham cho rằng kỳ vọng của nhà đầu tư về giá trị tiền đồng hiện không ổn định, do đồng tiền này liên tục bị mất giá. Điều này, theo ông Tomlinson, điều này không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng mà còn gây hệ lụy đối với hầu hết các doanh nghiệp.
Chia sẻ quan điểm này, Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu (EuroCham) Alain Cany cho rằng việc tiền đồng giảm giá sẽ có tác động tiêu cực tới thu nhập của các nhà sản xuất, từ đó gây tổn hại tới sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Trong bối cảnh đó, tình trạng lạm phát ngày một tăng cũng được xem là một tác nhân chính, gây áp lực lên tỷ giá.
Chủ tịch EuroCham Alain Cany. |
Để giải quyết tình trạng này, đại diện của các doanh nghiệp cho rằng Chính phủ Việt Nam nên tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát, củng cố niềm tin của người dân vào tiền đồng. Đặc biệt, cơ quan chức năng nên đưa ra các thông điệp chính sách rõ ràng, ổn định hơn, giúp tăng cường lòng tin vào việc quản lý kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Một quan ngại khác cũng được các doanh nghiệp nêu ra tại diễn đàn sáng nay là "câu chuyện muôn thuở" về cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Vấn đề lần này được đề cập đến ở cả phần "cứng" (hạ tầng vật chất) và "mềm" (lao động, cơ sở pháp lý).
Theo AmCham, vấn đề hạ tâng vật chất của Việt Nam đã được các hiệp hội doanh nghiệp đề cập đến tại Diễn đàn trong ít nhất là 5 năm qua. Tuy nhiên, Phòng thương mại Mỹ cho rằng vẫn còn nhiều "thiếu hụt và trễ nải" trong quá trình cải thiện.
Phía Eurocham thì khẳng định Việt Nam cần ít nhất 70-80 tỷ USD để đầu tư cho đường bộ, đường sắt và cảng biển trong vòng 5-10 năm tới. Tổ chức này cho rằng lượng vốn và khối lượng công việc này cần được Chính phủ chia sẻ nhiều hơn nữa cho khu vực tư nhân, thông qua mô hình hợp tác công tư (PPP).
Đối với hạ tầng "mềm", Giám đốc khu vực của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) Simon Andrews cho biết 50% trong số doanh nghiệp không muốn mở rộng kinh doanh tiết lộ nguyên nhân là do trình độ nhân lực. Các tổ chức quốc tế khẳng định rằng Việt Nam không thể chiến thắng trong cuộc chơi toàn cầu hóa nếu chỉ dựa trên yếu tố nhân công giá rẻ.
Trong khi đó, Phòng thương mại Australia (AusCham) cho biết các doanh nghiệp nước này sẵn sàng tham gia tích cực hơn nữa vào chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định cho phép tổ chức giáo dục nước ngoài hoạt động tại Việt Nam hiện vẫn còn nhiều hạn chế.
Cũng liên quan đến vấn đề hành lang pháp lý, hầu hết các doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc cải cách hệ thống thủ tục hành chính. Tuy vậy, những tiến bộ đạt được vẫn còn chưa đạt được như kỳ vọng.
Một vấn đề quan trọng khác cũng được cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trẻ tại Việt Nam quan tâm là việc quản lý các khối doanh nghiệp Nhà nước.
Đại diện Hội Doanh nhân trẻ TP HCM cho rằng yêu cầu đổi mới khối doanh nghiệp quốc doanh, song song với việc tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia sâu vào quá trình phát triển kinh tế đã trở nên vô cùng bức thiết. Hiệp hội này cũng đề nghị cơ quan chức năng thúc đẩy hơn nữa quá trình cổ phần hóa, tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, để tăng hiệu quả sử dụng vốn cũng như giảm gánh nặng quản lý của Chính phủ.
Chăm chú lắng nghe ý kiến giãi bày của các doanh nghiệp trong suốt 4 giờ thảo luận, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Võ Hồng Phúc tỏ ra tâm đắc với hầu hết các vấn đề được nêu lên. Với tư cách là đồng Chủ tịch, đồng thời là đại diện của Chính phủ tại Diễn đàn, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ các kiến nghị được doanh nghiệp phản ánh.
Những kiến nghị này, theo Bộ trưởng, sẽ tiếp tục được xem xét trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như đảm bảo lợi ích quốc gia. Bản tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp cũng sẽ được gửi tới Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) diễn ra trong 2 ngày 7- 8.12 tới để tiếp tục trao đổi, thảo luận.
(Theo VNE)