Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Người đàn ông bị rắn hổ mang chúa cắn ở khu vực núi Bà Đen:
Bắt rắn kiếm tiền cho con học bán trú
Thứ bảy: 16:56 ngày 22/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - “Chỉ vì ảnh muốn con vô trường bán trú học, nên mới quyết đuổi bắt cho bằng được con rắn. Ai ngờ ra cớ sự đau lòng như thế này!” - lời kể của chị Bùi Thị Ngọc Tuổi (28 tuổi), vợ anh Phan Văn Tâm (38 tuổi), người đàn ông bị rắn hổ mang chúa cắn gây nguy kịch đến tính mạng đã khiến chúng tôi nghẹn lòng.

Chị Bùi Thị Ngọc Tuổi và một nhà hảo tâm tại TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ gần 200 triệu cho gia đình.

Tai nạn chồng chất “tai nạn”

“Nghe con trai chạy về báo, ba bị rắn hổ cắn, em như chết lặng. Sau hồi định thần, em mới gửi con rồi chạy vào bệnh viện” - chị Tuổi kể lại. Sáng 19.8, anh Tâm rủ đứa con trai lớn 9 tuổi đi về hướng núi Bà Đen để lưới (bẩy) rắn, vì ai cũng nói, khu đó có nhiều rắn nên lưới nhanh, bán có tiền. Do còn nghỉ hè, đứa con trai 9 tuổi cũng đi theo ba mình.

Chị Tuổi kể thêm, do mới chuyển về xã Suối Đá không lâu, nghe nói ở đây có trường bán trú, vợ chồng chị cũng ước ao con mình được học trường tốt như bao đứa trẻ khác. “Vì lo tiền để con vào trường bán trú đầu năm nay, số tiền cũng khá cao, nên ảnh cố liều bắt con rắn đó”- chị Tuổi nói. “Con trai tôi cũng nói thôi ba bỏ đi, nhưng ảnh tiếc mà quay lại bắt, rồi bị rắn cắn vào đùi”.

Cách đây hơn 2 tháng, vợ chồng anh Tâm cùng 2 con trai nhỏ (đứa lớn sinh năm 2011, đứa nhỏ 2018) từ xã Tân Hưng, huyện Tân Châu chuyển về xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu sinh sống. Căn nhà nhỏ tại ấp Phước Lợi 2, xã Suối Đá là nơi trú ngụ của cả gia đình 4 người. Không có đất sản xuất, cũng không có nghề nghiệp ổn định, cả gia đình chỉ trông chờ vào it tiền công làm thuê hàng ngày từ việc giẫy cỏ mì, tỉa trái vườn mãng cầu,… của chị Tuổi. Ai thuê gì làm đó.

Còn anh Tâm, sau vụ tai nạn giao thông cách đây 1 năm, chân trái còn chiếc nẹp kim loại nên việc đi lại trở nên khó khăn, chậm chạp.  Thương vợ một mình làm lụng nuôi 4 miệng ăn, anh Tâm cùng vợ đi cắt cỏ mướn cho các vườn mãng cầu. Thương hoàn cảnh gia đình, vài người làm nghề bắt rắn đã cho anh 2 chiếc lưới, chỉ dẫn cách bắt rắn bán kiếm tiền. Tuy nhiên, mới bắt đến con rắn thứ ba, thì bi kịch ập đến với gia đình anh.

Ngày gặp nạn, chị Tuổi phải chạy vạy khắp nơi để lo tiền chữa trị cho chồng. May mắn, anh Đặng Văn Phúc-Đội Cứu nạn giao thông tình nguyện đã hỗ trợ 10 triệu đồng trong đêm 19.8 tại BV Chợ Rẫy để gia đình lo chi phí chữa trị. Bệnh viện đa khoa Tây Ninh cũng đã hỗ trợ gia đình 2 triệu đồng, phụ vào chi phí xe chuyển viện.

Anh Phúc kể lại, khi vào viện với con rắn còn sống đang quấn chặt cánh tay, vậy mà anh Tâm còn nói với mọi người: “Nếu tôi có bề gì thì đem con rắn đi bán, cũng có tiền lo cho mấy đứa con của tôi. Dù là lời kể, nhưng tôi thấy nghẹn lòng”.

Các bác sĩ BVĐK Tây Ninh đã dùng băng keo quấn chặt miệng rắn, sau đó anh Tâm tự thả con vật vào bao. Con rắn hổ mang chúa dài 3m, nặng 4,5kg.

Vì muốn con được vào học trường bán trú, anh Phan Văn Tâm đã bất chấp nguy hiểm để bắt rắn dữ.

Hoàn cảnh gia đình thật sự khó khăn

Ông Nguyễn Vũ Mạnh- Bí thư Đảng uỷ xã Suối Đá cho biết, gia đình anh Tâm vừa chuyển về xã hơn 2 tháng, hoàn cảnh thật sự khó khăn. Khi biết vụ việc không may, xã và huyện đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ gia đình về mặt kinh tế và các thủ tục cần thiết.

Về nguyện vọng cho con vào học trường bán trú, ông Mạnh cho biết thêm, hiện trên địa bàn xã có Trường Tiểu học Suối Đá A tổ chức học bán trú  (200 học sinh/năm), trường đã hoàn tất hồ sơ tuyển sinh lớp một và chuẩn bị khai giảng năm học mới. Đối với hoàn cảnh của gia đình anh Phan Văn Tâm, BGH Trường Tiểu học Suối Đá A sẽ xem xét “đặc cách”, đồng thời vận động hỗ trợ học phí. Tuy nhiên, đến thời điểm này, BGH vẫn chưa nhận hồ sơ học sinh chuyển trường từ xã Tân Hưng về Suối Đá.

Sơ cứu đúng cách, hạn chế tử vong

Bác sĩ CKI Hồ Quốc Hưng- Khoa Cấp cứu hồi sức chống độc BVĐK Tây Ninh cho biết, hiện đang là mùa mưa, cũng là mùa sinh sôi phát triển của rắn độc. Nguy hiểm hơn, chúng thường xuất hiện trong các lùm cây, bụi cỏ quanh nhà, nhiều nhất là ở khu vực nông thôn.

Do đó, người dân cần thận trọng để tránh nguy hiểm do bị rắn cắn. Đặc biệt, không nên tự tay bắt rắn, hay học theo cách bắt rắn trên các trang mạng để tự gây nguy hiểm cho tính mạng mình. Khi phát hiện có rắn nên báo ngay với người có kinh nghiệm, hoặc lực lượng kiểm lâm, công an, chính quyền địa phương để đề phòng việc bị rắn độc cắn.

Bác sĩ Hưng đưa ra ví dụ, mặc dù bệnh nhân Phan Văn Tâm vẫn giữ được bình tĩnh, đến bệnh viện trong tình trạng tỉnh táo, thở đều. Việc anh Tâm mang theo con rắn đã giúp bác sĩ nhanh chóng cấp cứu kịp thời, chỉ định loại huyết thanh phù hợp cho quá trình theo dõi, điều trị.

Tuy nhiên, do sơ cứu không đúng cách, ga-rô quá chặt, anh Tâm lại có quá trình di chuyển trong thời gian dài (hơn 30 phút) nên đã làm cho nọc độc của rắn hổ chúa khuếch tán nhanh hơn. “Nhiều người hay làm theo cách của dân gian là dùng dây quấn chặt vết thương để ngăn nọc độc chạy. Quan niệm đó không đúng. Thực tế, ga-rô quá chặt sẽ làm tắc nghẽn các mạch máu, dễ gây nguy cơ phù nề, viêm rộng, hoại tử. Nếu chân bị hoại tử rồi thì không thể giữ lại được nữa”- Bác sĩ Hưng nói.

Theo bác sĩ Hưng, nọc rắn hổ mang chúa có tính cực độc, tác động hệ thần kinh và làm liệt cơ nhanh hơn các loài khác. Cách sơ cứu tại chỗ như trường hợp của anh Tâm có thể tạm chấp nhận, nhưng phải vào cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu theo kỹ thuật, hướng dẫn của Bộ Y tế là băng nhẹ, băng ép hệ bạch huyết để làm chậm độ khuếch tán của nọc độc.

Sơ cứu đúng cách, sẽ hạn chế tử vong nếu không may bị rắn độc cắn.

Bắt rắn có vi phạm pháp luật?

Theo ông Mang Văn Thới - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh, bước đầu, qua hình ảnh bước đầu có thể xác định đây là loài rắn hổ mang chúa. Đây là một trong những loài rắn hoang dã có nọc độc nguy hiểm bậc nhất trong các loài rắn, cũng là loài động vật đang được các cấp, các ngành tăng cường bảo vệ.

Ông Thới cho biết thêm, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 14.8.2020 về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã. Theo đó, tình trạng săn, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật hoang dã đã dẫn tới gia tăng nguy cơ tuyệt chủng trong môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái, sức khoẻ con người,… cùng với đó còn phát sinh rủi ro truyền nhiễm dịch bệnh sang người, gia súc, gia cầm.

Để ngăn chặn, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo, đề nghị các ngành liên quan, chính quyền địa phương, Ban quản lý các khu rừng tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân gần rừng không săn bắn, bẫy bắt, nuôi, nhốt, mua bán, vận chuyển trái phép động vật rừng. Đồng thời tổ chức các đợt kiểm tra, truy quét ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định pháp luật về quản lý các loài động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, ngày 23.7.2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 20.2.2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 17.9.2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật.

Tin vui từ chị Bùi Thị Ngọc Tuổi (vợ anh Phan Văn Tâm), hiện tình trạng sức khoẻ của anh đã tạm ổn, không còn hôn mê, tỉnh và nói chuyện vài câu sau khi được lọc 70-80% chất độc trong cơ thể, vết hoại tử chân đang dần cải thiện.

Chị cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại, các nhà hảo tâm xa gần đã quyên góp ủng hộ gần 200 triệu đồng chi phí điều trị tại bệnh viện cho anh Tâm, đồng thời gửi một khoản tiền tiết kiệm để lo cho 2 con nhỏ đi học sau này.

Tâm Giang

Tin cùng chuyên mục