Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Một bé gái 14 tuổi ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, mắc hội chứng "người hoá đá", chứng bệnh cực kỳ hiếm gặp và chưa có thuốc chữa.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Đồng Tế ở Thượng Hải cho biết Ni Min bị một chứng bệnh có tên khoa học là fibrodysplasia ossificans progressiva (FOP) hay Stone Man Syndrome (hội chứng người hoá đá).
![]() |
Ni có triệu chứng bệnh từ năm lên 8 tuổi. Ảnh: Journalismwithoutborders. |
Đây là một bệnh cực kỳ hiếm gặp liên quan đến vấn đề mô liên kết và do di truyền. FOP tạo ra thêm nhiều xương mới ngay trong các mô liên kết của cơ thể. Sự phát triển bất thường của xương hạn chế việc chuyển động của các khớp như đầu gối, cổ tay, vai, cột sống và cổ.
Theo Shanghai Daily, đã có 600 trường hợp mắc FOP được biết đến trên khắp thế giới và hiện vẫn chưa có cách nào cứu chữa. Ni được xem là một trong những bệnh nhân nhỏ tuổi nhất. Những người mắc chứng hoá đá cần phải được chăm sóc cẩn thận và tránh bị thương.
Ni, sống ở một ngôi làng gần thành phố Nghi Xuyên, tỉnh Tứ Xuyên, bắt đầu có những biểu hiện bệnh từ năm lên 8 tuổi. Gia đình phát hiện Ni có nhiều chỗ lồi lên dưới da và gầy gò.
Bà ngoại Ni là Li Yuanchao, 65 tuổi, đã đưa cháu đi khám khắp nơi ở Trung Quốc với hy vọng chẩn đoán ra bệnh và có thuốc chữa. Suốt hơn 6 năm qua, bà dốc toàn bộ tiền tiết kiệm, còn người chồng 68 tuổi đang kiếm ăn xa nhà cũng cố gắng làm lụng để có tiền chữa trị cho cháu.
Bác sĩ Zhang Keqin điều trị cho Ni cho hay, hiện em có những tiến triển tích cực và việc điều trị thích hợp có thể sẽ làm trì hoãn diễn biến xấu. "Tình trạng của bệnh nhi trên không quá nghiêm trọng và chúng tôi đã kê đơn thuốc cho cháu. Kết quả sẽ có trong 6 tháng sau khi Ni tái khám", People Daily dẫn lời bác sĩ Zhang nói.
![]() |
Căn bệnh hiếm gặp do di truyền này hiện vẫn chưa có thuốc chữa. Ảnh: Journalismwithoutborders. |
Theo bác sĩ trên, một loại thuốc mới điều trị FOP đang được thử nghiệm ở Mỹ và hy vọng sẽ đưa ra thị trường vào năm tới. "Tôi hy vọng loại thuốc đó sẽ mang lại hy vọng cho các bệnh nhân. Người bệnh thường qua đời ở tuổi 40 khi họ không còn thở được nữa do sức ép từ phổi", bác sĩ Zhang cho biết.
Ni cho hay, nếu được chữa khỏi, cô bé nhất định trở thành một bác sĩ để giúp nhiều người khác vượt qua cơn hiểm nghèo.
Ca bệnh nổi tiếng nhất của hội chứng hoá đá là một người đàn ông có tên Harry Eastlack mắc từ năm lên 10 tuổi. Lúc Harry qua đời ở tuổi 39, cơ thể anh hầu như đã chuyển hoá thành xương, trừ môi. Trước khi chết, bệnh nhân trên có ý nguyện hiến xác cho các nhà nghiên cứu để họ có điều kiện tìm ra các chữa trị. Bộ khung xương của Harry hiện được trưng bày tại bảo tàng của Đại học Y ở Philadelphia, Mỹ.
Theo VNE