Thời Sự - Chính trị   Thời Sự - Chính trị

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bế mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI 

Cập nhật ngày: 16/10/2020 - 15:46

BTNO - Sau 3 ngày làm việc (từ 14- 16.10.2020), Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã thành công tốt đẹp.

Biểu quyết thông qua nghị quyết tại Đại hội.

Đại hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết về phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó xác định rõ các chỉ tiêu chủ yếu cần tập trung thực hiện đến năm 2025, đề ra 17 nhiệm vụ trọng tâm, chỉ rõ 3 giải pháp đột phá để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, đẩy mạnh phát triển toàn diện, đồng bộ, nhanh và bền vững kinh tế - xã hội tỉnh nhà giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030, đưa Tây Ninh trở thành tỉnh phát triển khá so với cả nước.

Phát biểu bế mạc, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm khẳng định, thành công của Đại hội hôm nay là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố: Đó là sức mạnh đoàn kết, trí tuệ của toàn Đảng bộ; sự quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 35; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng; Sự theo dõi, giúp đỡ thiết thực, hiệu quả của các cơ quan Trung ương; Quá trình chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chu đáo của Ban Chấp hành khoá X, cùng với sự đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ lãnh đạo, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Theo Bí thư Tỉnh uỷ, Nghị quyết sẽ là văn kiện chính trị trung tâm, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, là động lực to lớn để huy động nguồn lực đưa Tây Ninh phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tới.

“Ngay sau Đại hội, tôi đề nghị tất cả các tổ chức đảng cần tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội, tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân về kết quả Đại hội; khẩn trương xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, sát thực đối với từng địa phương, đơn vị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và có hiệu quả cao trong mọi ngành, lĩnh vực ngay từ những tháng đầu, năm đầu của kế hoạch 5 năm 2020-2025” - Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh.

Trước đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh cũng công bố danh sách Ban Chấp hành khoá mới gồm 47 người; Ban Thường vụ Tỉnh uỷ gồm 15 người. Bí thư và hai Phó Bí thư Tỉnh uỷ, nhiệm kỳ 2020-2025 và Uỷ ban Kiểm tra gồm 10 người.

Ông Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh uỷ khoá X được tín nhiệm tái cử chức vụ Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh khoá XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Đại hội cũng bầu đoàn đại biểu tỉnh Tây Ninh dự Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, gồm 16 đại biểu chính thức, 1 đại biểu dự khuyết.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tây Ninh khoá XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025

Đức An

17 nhiệm vụ trọng tâm và 3 giải pháp được thông qua tại Đại hội gồm:

* Nhiệm vụ trọng tâm:

1.  Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thúc đẩy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên.

2. Tập trung tháo gỡ những bất cập, vướng mắc, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch theo hướng “động, mở”, linh hoạt, phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư. Xây dựng quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính kết nối, liên thông với quy hoạch vùng, tích hợp đồng bộ các quy hoạch trong các lĩnh vực.

3. Khai thác mạnh mẽ, có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về du lịch. Chú trọng phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc, đưa khu du lịch Núi Bà Đen thành khu du lịch đẳng cấp của cả nước.

4. Tăng cường công tác quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiện đại hóa lĩnh vực địa chính, dịch vụ công về đất đai.

5.  Cải cách hành chính toàn diện, đồng bộ gắn với cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, có tính cạnh tranh cao; đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư.

6.  Huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đô thị. Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm kết nối Vùng, các dự án có tính lan tỏa, dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là hiện thực hóa dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài. Đẩy mạnh phát triển đô thị theo quy hoạch.

7. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ.

8. Tạo sự chuyển biến toàn diện về văn hoá, xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế văn hoá, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, trật tự, văn minh; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

9.  Thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo; củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

10.  Củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác cải cách tư pháp; chủ động, tích cực trong công tác đối ngoại.

11.  Xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng; đấu tranh ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng bộ.

12.  Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Gắn công tác đánh giá cán bộ với công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ, bảo đảm tính “động và mở”. Bồi dưỡng năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ.

13. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng. Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp uỷ, tổ chức đảng. Tăng cường công tác quản lý đảng viên. Nâng cao chất lượng phát triển đảng viên.

14. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng gắn với đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng; tập trung kiểm tra, giám sát những khâu, những lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra chuyên nghiệp, tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chú trọng phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng.

15. Chú trọng đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, sắp xếp các đơn vị hành chính các cấp.

16. Tiếp tục quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp uỷ Đảng theo hướng thiết thực, đồng bộ, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả hoạt động của cấp uỷ đảng.

17.  Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, hoạt động Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nhất là phát huy vai trò và tăng cường hoạt động giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Tham gia giải quyết tốt những vấn đề xã hội, các bức xúc nổi lên ở cơ sở.

* Giải pháp:

1. Thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chương trình đột phá: Đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; Đột phá về phát triển nông nghiệp công nghệ cao; Đột phá về phát triển du lịch; Đột phá về phát triển nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin.

2Tháo gỡ “điểm nghẽn” về quy hoạch, đất đai, đầu tư. Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng.

3.  Nghiên cứu tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế cửa khẩu (Mộc Bài, Xa Mát) phát triển xứng với tiềm năng, lợi thế.