BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bế mạc Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân: Không cản trở sử dụng hạt nhân vào mục đích hòa bình

Cập nhật ngày: 26/03/2014 - 11:25

Theo đó, các nhà lãnh đạo khẳng định lại cam kết về các mục tiêu chung trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân, không phổ biến hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình. Tuy nhiên, các biện pháp tăng cường an ninh hạt nhân sẽ không cản trở quyền của các quốc gia phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình.

Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ ba đã tập trung bàn thảo việc tăng cường an ninh hạt nhân và ngăn chặn khủng bố, tội phạm và tất cả các đối tượng không được phép chiếm đoạt vật liệu hạt nhân để có thể dùng làm vũ khí hạt nhân và các vật liệu phóng xạ khác có thể được dùng cho các thiết bị phóng xạ.

Tuy nhiên, lãnh đạo các nước cũng xác định rằng, việc đạt được mục tiêu trên là một trong những thách thức quan trọng nhất trong những năm tới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ba-rô-sô. Ảnh: TTXVN.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự và đóng góp tích cực vào tất cả các hoạt động trong chương trình nghị sự dày đặc của Hội nghị. Đặc biệt, bài phát biểu tại Phiên Toàn thể cũng như phát biểu của Thủ tướng trong các phiên thảo luận đã tạo nên ấn tượng sâu sắc, được sự nhất trí và đánh giá cao của các vị lãnh đạo tham dự hội nghị.

Qua đó, thể hiện vai trò của Việt Nam với tư cách là thành viên có trách nhiệm, chủ động và tích cực đóng góp vào nỗ lực chung của nhân loại trong việc bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân (Báo Quân đội nhân dân đã đăng toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng).

* Sáng 25-3 (giờ địa phương, tức chiều 25-3, giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Hoàng hậu Hà Lan Mắc-xi-ma. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác với Hà Lan.

Hai nước đã hợp tác tốt đẹp trên những lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu và Hà Lan có thế mạnh, như nông nghiệp, kinh tế biển, dầu khí và dịch vụ hậu cần. Quan hệ đối tác chiến lược trên các lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước đang được thúc đẩy hiệu quả, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Hoàng hậu Mắc-xi-ma, với cương vị là Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Tài chính vi mô dành cho phát triển, sẽ quan tâm và dành cho Việt Nam các dự án, chương trình hợp tác nhằm nâng cao năng lực quản lý các dự án tín dụng nhỏ, bảo đảm an ninh lương thực và giáo dục.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã mời Nhà vua và Hoàng hậu Hà Lan thăm lại Việt Nam.

Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao An ninh Hạt nhân lần thứ ba tại La Hay (Hà Lan), ngày 25-3-2014, Thủ tướng Nguyên Tấn Dũng gặp Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso. Ảnh: Đức Tám – TTXVN.

* Trong cuộc tiếp xúc song phương với Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao việc Đức là một trong những đối tác kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam trong EU nhiều năm qua. Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của hai bên.

Thủ tướng đề nghị Chính phủ Đức có các biện pháp hỗ trợ và vận động các doanh nghiệp Đức sang kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện để các doanh nghiệp Đức kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam... Nhân dịp này, Thủ tướng Đức Méc-ken đã mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Đức vào năm 2015.

* Trong cuộc tiếp xúc song phương giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Xin-ga-po Lý Hiển Long, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí cho rằng, với việc thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2013, quan hệ hai nước đang rất thuận lợi, hội tụ đủ những yếu tố để phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao đầu tư của Xin-ga-po vào Việt Nam trong thời gian qua và hoan nghênh Xin-ga-po tiếp tục tăng cường đầu tư vào Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Xin-ga-po Lý Hiển Long cũng trao đổi về phối hợp trong ASEAN, trong đó có việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

* Tại cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Giô-sê Ma-nu-en Ba-rô-sô, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước những phát triển tích cực của quan hệ hai bên. Trong bối cảnh khó khăn, kim ngạch thương mại hai bên tiếp tục tăng trưởng, đạt gần 34 tỷ USD, tăng 16% so với 2012; EU vẫn giữ vững vị trí là một trong những đối tác thương mại lớn nhất, là một trong các nhà đầu tư hàng đầu và là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ba-rô-sô cũng tập trung trao đổi về tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Về đề nghị của ông Ba-rô-sô muốn tăng cường quan hệ ASEAN-EU, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, với tư cách là Điều phối viên quan hệ ASEAN - EU, Việt Nam coi trọng và sẽ phối hợp chặt chẽ với EU thúc đẩy quan hệ đối thoại ASEAN - EU phát triển hiệu quả và thực chất, đưa quan hệ hai bên lên tầm cao mới, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Nhân dịp này, ông Ba-rô-sô mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Ủy ban châu Âu nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao ASEM vào tháng 10 năm nay.

* Tại cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng Ma-lai-xi-a Mu-hi-ít-đin Y-a-xin (Muhyiddin Yassin) thay mặt Chính phủ và nhân dân Ma-lai-xi-a bày tỏ lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đối với những nỗ lực của Việt Nam trong việc tìm kiếm máy bay MH370, cảm ơn và đánh giá cao sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối với công tác tìm kiếm, cứu hộ.

Ông Y-a-xin cũng đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Ma-lai-xi-a. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ lời chia buồn sâu sắc đến Chính phủ, nhân dân Ma-lai-xi-a và thân nhân, gia đình những hành khách trên chuyến bay MH370. Thủ tướng cũng khẳng định, Việt Nam luôn sẵn sàng hỗ trợ Ma-lai-xi-a trong các hoạt động tìm kiếm hiện nay.

* Trước đó, vào tối 24-3 (giờ địa phương, tức rạng sáng 25-3, giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã gặp gỡ, trao đổi với Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun và Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ.

Trao đổi với Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam tiếp tục chủ động, tích cực tham gia đóng góp vào các vấn đề quan trọng đang thu hút sự quan tâm của các thành viên Liên hợp quốc. Việt Nam cũng sẽ nỗ lực hoàn thành tốt vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mời Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun sang thăm Việt Nam. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun đánh giá cao nỗ lực và những đóng góp tích cực của Việt Nam vào các vấn đề chung của Liên hợp quốc, vui vẻ nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và cho biết sẽ sớm thực hiện chuyến thăm trong năm nay.

Trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ nhấn mạnh, Việt Nam và Pháp có nhiều mối quan hệ gắn bó, nhiều nét tương đồng văn hóa. Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Pháp nhất trí đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược, đặc biệt là sớm hoàn thiện Kế hoạch hành động về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp, triển khai các biện pháp cụ thể để Năm Việt Nam tại Pháp 2014 thành công tốt đẹp. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại lời mời Tổng thống Pháp sang thăm Việt Nam. Tổng thống Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ vui vẻ nhận lời, cho biết sẽ thu xếp thăm Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

* Kết thúc thời gian làm việc tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân La Hay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới thăm, nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan.

Tối 25-3 (giờ địa phương, tức rạng sáng ngày 26-3, giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan, gặp song phương với Thủ tướng Hà Lan Mác Rút-tơ.

Rạng sáng 26-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết thúc chuyến thăm Hà Lan và tham dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ ba, rời Hà Lan tới thăm chính thức Cộng hòa Cu-ba theo lời mời của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cu-ba Ra-un Ca-xtơ-rô.

Theo QĐND