Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ghi chép tản mạn
Bê tông
Thứ năm: 23:22 ngày 05/11/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Xem tivi mỗi ngày về mưa lũ ở miền Trung, tôi chợt thấy những ngôi nhà chống lũ ở các tỉnh ấy. Nhà do các tổ chức, đoàn thể tài trợ cho các vùng “rốn lũ”. Trong khi các ngôi nhà trệt bình thường bị nước ngập lên tới mái, người trong nhà phải dỡ ngói chui ra kêu cứu thì những ngôi nhà chống lũ kia vẫn bình an giữa dòng lũ xiết. Đơn giản chỉ vì chúng đã được tôn cao lên bằng những cột bê tông.

Khỏi phải nói về cảnh người dân chất lương thực, áo quần, sách vở lên cái gác cao chống lũ. Các nhà tài trợ cũng hỉ hả về thành công bất ngờ của một sáng kiến nhỏ. Nước dâng đến đâu thì ta lên cao đến đấy. Là xong. Y như cuộc đấu Sơn Tinh và Thuỷ Tinh trong huyền thoại thời các vua Hùng. Nhắc đến huyền thoại này để thấy chuyện lũ lụt đã có từ thuở xa xưa, trong cuộc sống của người Việt ta hàng ngàn năm.

Chống lũ thì đã ngàn năm, nhưng bê tông chỉ mới có hơn trăm năm gần đây thôi, thưa quý bạn.

Nếu tôi nhớ không nhầm, cái cầu Quan chính là công trình đầu tiên ở TP. Tây Ninh được làm bằng bê tông cốt thép. Là bê tông sạn (sỏi). Cầu hoàn thành năm 1924. Sau 75 năm hết hạn sử dụng, công ty làm cầu từ bên nước Pháp gửi giấy qua thông báo.

Vậy mà cũng phải đến hơn 10 năm sau thì cầu mới được phá đi để làm lại cây cầu mới (hiện nay) rộng gấp đôi cái cầu xưa. Tôi còn nhớ cảnh ngày phá dỡ, những xe cẩu lắp các mũi khoan phá hì hục đập đào cả tuần, mũi khoan toé lửa.

Sau gần cả trăm năm, cái thứ bê tông sạn này vẫn cứng nhắc, từng viên sỏi vẫn sáng trắng, màu xi măng vẫn xám xanh, sợi thép bên trong vẫn dẻo dai, để người ta gỡ ra, tận dụng lại chứ không vứt bỏ.

Bê tông là thế đó! Thảo nào một số công trình mọc lên sau đó thế nào cũng có liên quan với… bê tông. Ngay cả một số đình, chùa, dù vẫn tuân theo kiểu cổ truyền, khung tứ trụ, mái hình bánh ít cũng có một vài cấu kiện được phục chế bằng bê tông cốt thép.

Như bộ cột ở tứ trụ, mái hành lang hay máng xối thoát nước mưa. Điển hình nhất là công trình Toà thánh Tây Ninh, khởi công năm 1933, hoàn thành năm 1947 cũng đã gần như hoàn toàn sử dụng bê tông cốt thép. Sau này, đến khi tu sửa người ta mới biết, có những đoạn đà kiềng được làm bằng bê tông, nhưng không phải cốt thép, mà là cốt… cây tầm vông.

Không phải ai cũng có tiền để làm nhà bằng bê tông đâu ạ! Ngay chính quyền Pháp ở Tây Ninh xây được mấy công trình, thì chỉ có duy nhất cái đài nước ở quân y viện cũ là bằng bê tông cốt thép (nay ở khu Plaza Thành Thành Công đường 30.4).

Tôi lại nhớ hôm “hạ” nó, phải gắn thuốc nổ vào chân cột để phá. Khi cái “đài nước” hổng chân rơi ruống, nó rớt “một cái đùng” mà không vỡ. Lạ kỳ chưa? Còn lại các công trình nhà cửa khác, như Toà án, hay nhà khách trong thành Săng- đá… đều 2 tầng cả, nhưng sàn chỉ được làm bằng gạch thẻ vỉa hình vòm trên các thanh dầm thép mà thôi. Tiếc thay là các công trình ấy đều buộc phải phá dỡ đi mất rồi, kẻo nguy hiểm cho người sống.

Sau ngày đất nước thống nhất, Tây Ninh còn nhiều gian khó, vậy nên cũng phải tới năm 1985 mới có những công trình “hoành tráng” đầu tiên. Đấy là nhà triển lãm thành tựu 10 năm (sau là Bảo tàng) và khách sạn Hoà Bình, vào năm 1985.

Dĩ nhiên, cơ bản là bê tông cốt thép. Nhưng phải đến đầu thế kỷ XXI, bê tông mới thật sự chiếm lĩnh thị trường xây dựng. Đường 30.4 lập tức “lên đời” với hàng chục toà nhà cao ngất ngưởng. Bảo tàng cũng phải dời đi, nhường chỗ cho Vinpearl 21 tầng cao.

Khách sạn Hoà Bình cũng phá đi rồi, để nay mai chắc cũng bê tông cốt thép lên cao, sánh vai với ông hàng xóm đang giữ ngôi kỷ lục… Đấy là còn chưa kể tới các con đường và cây cầu mới. Đường là thảm bê tông nhựa mịn màng cho xe qua êm ả lướt. Cầu mới toàn bê tông cốt thép, vượt sông Vàm Cỏ Đông, mà bất cứ ai đi qua cũng náo nức trong lòng.

Bê tông thời nay rẻ rồi, bởi tha hồ xi măng giá rẻ cho người xây dựng. Tiện lắm, bởi đã có nhiều nhà máy, trạm trộn bê tông. Ai đúc mái lên tầng, chỉ cần gọi là có xe chở tới, rồi lại có máy bơm theo vòi lên tới hàng chục mét chiều cao…

Tiện lợi thế, nhưng xin đừng lạm dụng. Cái gì cũng bê tông thì nước thoát đi đâu? Nên nhớ, bê tông cũng là tác nhân gây ra chuyện nước ngập đường mỗi khi mưa lớn. Vậy ai còn có một khoảng sân đất, xin đừng vội vàng phủ lấp bê tông. Xin dành lại chỗ cho cây cỏ mọc lên, và cả những thân phận “cái kiến, con giun” cũng còn đất sống.

NGUYỄN

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục