Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
“Bê tông hoá” kênh thuỷ lợi: Ngổn ngang, lãng phí ở một số tuyến kênh qua xã Ninh Sơn, Thị xã
Thứ sáu: 10:53 ngày 07/01/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Khi thi công tuyến kênh, đơn vị thi công đã “móc tan nát” một đoạn kênh làm lối đi, khiến nhiều người phải đi vòng hoặc khổ sở khiêng xe, vác hàng băng qua kênh mới đi tiếp được.

“Mót” cát, đá

Việc thi công kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi được người dân, nhất là nông dân hết sức quan tâm. Khi thấy tuyến kênh đi qua địa phương mình đang ở, đi qua cánh đồng mình đang sản xuất, nhiều người không giấu được niềm vui bởi sau khi được bê tông hoá, người dân sẽ lấy nước tưới hoặc xả tiêu nước được thuận lợi, dễ dàng, hiệu quả hơn. Thế nhưng, xung quanh việc thi công một số tuyến kênh trong thời gian vừa qua cũng có không ít “điều tiếng”. Cụ thể, việc thi công tuyến kênh tưới và kênh tiêu đi qua ấp Ninh Tân, xã Ninh Sơn (Thị xã) đã gây không ít khó khăn, thiệt hại cho người dân và gây lãng phí tiền của.

Trước tiên là việc đơn vị thi công “bê tông hoá” con mương thoát nước đi qua vài đám ruộng mà trước đó đã có một con mương bờ đất đã “đủ sức” tiêu nước. Thế nên, một số người dân làm ruộng, rẫy ở gần đây cho rằng việc thi công tuyến kênh này là vô cùng lãng phí bởi không cần thiết phải đầu tư tiền của để “bê tông hoá” con mương nhỏ này. Trong khi cách đó không xa là một cánh đồng rộng lớn hơn đang rất cần con kênh tưới đi qua thì không thấy kênh đâu.

Từ trước tới nay, các bờ kênh tưới đi qua khu vực này được người dân tận dụng làm đường đi để lưu thông, vận chuyển nông sản, phân bón… Thế nhưng, khi thi công tuyến kênh này, đơn vị thi công đã “móc tan nát” một đoạn kênh làm lối đi, khiến nhiều người phải đi vòng hoặc khổ sở khiêng xe, vác hàng băng qua kênh mới đi tiếp được. Mà khi đi vòng, người dân lại phải băng qua một miệng cống khá sâu, chỉ được che chắn một phần bằng tấm bê tông dày, khá chông chênh. Khi đi qua đây, người viết bài này cùng xe gắn máy suýt ngã văng xuống miệng cống nguy hiểm bởi “vướng” tấm bê tông. Trước đây, để đi qua đoạn này, người đi xe gắn máy mất chừng 15 giây thì nay phải mất khoảng 10 phút đi vòng khá nhọc nhằn mới qua được chỗ này (vì là lối đi duy nhất).

Khi đi qua đoạn kênh chừng 400m, chúng tôi gặp cả thảy 6 người dân địa phương đang tranh thủ “mót” cát, đá. Số là, trong quá trình thi công, rất nhiều đá, cát được đơn vị thi công đổ vãi lên mặt kênh (và cũng là lối đi). Các phương tiện đi qua đây phải vất vả băng qua cát, đá hoặc lách tránh một cách khó khăn. Sau khi thi công xong, rất nhiều cát, đá được đơn vị thi công bỏ vương vãi khắp nơi. Thấy bỏ vật liệu uổng phí, nhiều người dân đã dùng rổ để đãi đá, mót cát. Dọc theo tuyến kênh vừa mới thi công và trong sân nhà nhiều hộ dân ở khu vực này có đến hàng chục bao cát, đá được họ mót để dành sử dụng.

Ở một khúc uốn của kênh tưới, một nông dân than phiền về việc đơn vị thi công thiết kế kênh và cống không hợp lý, khiến cho nước tưới tràn miệng cống, chảy ào ào vào ruộng đậu phộng của ông. Nước “tràn bờ” đã làm xói lở ruộng đậu và một phần chân kênh, khiến chủ nhân đám đậu phộng này phải tốn công, tốn tiền để xới đất, bón phân, làm cỏ nhưng năng suất vụ này chắc chắn sẽ bị giảm sút bởi đậu “thừa nước”. Người dân cũng than phiền về việc đơn vị thi công hoặc cơ quan chủ đầu tư công trình không thông báo cho người dân biết lịch thi công để người dân khỏi phải xuống giống, bởi có nhiều diện tích, đậu và hoa màu bị thiệt hại khi đơn vị thi công đột ngột đến móc, ủi các tuyến kênh.

Người dân cho rằng kênh tiêu này không cần thiết phải thi công

Người dân mong rằng, ở các tuyến kênh đã được thi công xong, chủ đầu tư, đơn vị giám sát và đơn vị thi công cần thu dọn hết vật liệu thừa, làm bằng phẳng mặt kênh, vừa tiết kiệm tiền của, tránh lãng phí, vừa trả lại mặt bờ kênh cũng là mặt đường thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển của nông dân, không nên để ngổn ngang, loang lổ hoặc “đào mất” lối đi của người dân.

HOÀNG THI

 

 

 

Từ khóa:
Tin liên quan