Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bến Cầu: Người dân hoang mang vì heo bệnh bị tiêu huỷ gần khu dân cư
Chủ nhật: 20:45 ngày 18/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Khu vực được chính quyền xã đốt xác heo bệnh, đào hố tiêu hủy chỉ cách nhà người dân chưa đầy 50 m làm người dân lo lắng ô nhiễm môi trường.

Không dám ra khỏi nhà vì mùi hôi từ hố tiêu huỷ heo bệnh

Theo phản ánh của người dân tại tổ 13, ấp Thuận Chánh, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, những ngày gần đây, sau khi phát hiện ổ dịch tả heo tại địa phương, chính quyền xã đã xử lý bằng cách mang số heo nhiễm dịch đến tiêu hủy tại nghĩa địa Đồng Chùa.

Tuy nhiên, khu vực được chính quyền xã đào hố tiêu hủy chỉ cách nhà người dân trong khu dân cư tổ 13 chưa đầy 50m, thêm vào đó, chính cách tiêu hủy heo bằng phương pháp đốt xác heo bệnh của chính quyền địa phương càng gây cho người dân lo lắng hơn. Trong khi đó, chính quyền địa phương lại khẳng định lực lượng chức năng tiêu hủy số heo chết như trên đúng quy trình khiến những hộ chịu ảnh hưởng bởi mùi hôi càng thêm bức xúc.

Heo tiêu hủy không cháy hết, bốc mùi khiến người dân bức xúc.

Ông Trần Văn Chiến, người dân ngụ tổ 13, ấp Thuận Chánh, cách hố tiêu hủy heo của xã Lợi Thuận khoảng hơn 50 m cho biết, chiều 14.8, sau khi phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi của một hộ chăn nuôi gần đó, chính quyền xã Lợi Thuận đã cho xe máy xúc đến đào một hố ngay cổng nghĩa địa Đồng Chùa và chở khoảng 10 con heo chết đến tiêu hủy bằng cách đốt xác.

Suốt 3 ngày, từ ngày 14- 16.8, mặc dù đã tắt lửa nhưng xác heo dưới hố vẫn còn, chính quyền địa phương vẫn không cho lấp hố lại. Đến trưa ngày 16.8, chính quyền xã lại tiếp tục mang hơn chục xác heo đến tiêu hủy, khiến mùi heo thối trước đó và mùi khét cháy của xác heo mới trộn lẫn, tạo mùi rất khó chịu khiến ông và nhiều hộ khác phải đóng cửa cố thủ trong nhà, không dám bước ra ngoài vì lo sợ nhiễm bệnh.

Theo ông Chiến, “chủ trương tiêu hủy heo chết do dịch bệnh là đúng, tôi và tất cả các hộ dân tại đây đều ủng hộ nhưng việc chôn heo bệnh quá gần khu dân cư lại bằng cách đốt xác khiến môi trường bị ô nhiễm làm chúng tôi rất hoang mang và lo lắng, chỉ mong chính quyền tìm nơi nào xa khu dân cư để tiêu hủy, tránh gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân chúng tôi”.

Còn ông Trần Hoài Thanh, là gia đình có nhà gần hố tiêu hủy heo nhất, khoảng cách chỉ hơn 30 m đã vô cùng bức xúc nói, “ngay khi biết vị trí đào hố tiêu hủy heo qua gần nhà mình, tôi đã có phản ứng nhưng chính quyền xã cho biết, vị trí hố tiêu hủy cách nhà tôi hơn 30m, đúng theo quy định nên vẫn cứ tiến hành tiêu hủy, mặc cho gió cuốn khói và mùi khét bao trùm nhà tôi và các hộ gần xung quanh”.

Một người dân khác bức xúc cho biết, với vị trí tiêu hủy heo bệnh chết như vậy là không hợp lý bởi bây giờ đốt thì chỉ nghe mùi, chứ còn xác heo không cháy hết rồi thầm vào đất, vào nước ngầm, trong khi người dân ở đây vẫn dùng nước giếng khoan làm nguồn nước sinh hoạt.

Theo tìm hiểu của người viết, trưa 16.8, hố tiêu hủy heo ngày 14.8 vẫn chưa được lấp lại, bên dưới hố vẫn còn xác heo chưa tiêu hủy, cháy nham nhở không hết, bốc mùi hôi rất khó chịu.

Phát hiện nhiều xác heo đang phân hủy bị vứt ngoài môi trường

Còn theo phản ánh của người dân tại khu phố 2, thị trấn Bến Cầu, nhiều ngày nay, tại khu vục trước cổng bãi rác của Thị trấn người dân phát hiện nhiều xác heo trong các bao tải đang phân hủy mạnh, mùi hôi thối nồng nặc.

Một người dân sống gần nơi phát hiện số xác heo trên cho biết, bên trong bãi rác là nơi chính quyền địa phương cho đào hố tiêu hủy heo từ khi phát sinh ổ dịch trên địa bàn huyện đến nay. Số heo này không biết do ai đem đến đây vứt. “Không hiểu sao chính quyền khi đem heo đi chôn cũng thấy mà không xử lý luôn, để chúng bốc mùi hôi thối kinh khủng quá”- người dân này phàn nàn.

Xác heo bị vứt trước cổng bãi rác của thị trấn huyện Bến Cầu đang trong giai đoạn phân hủy mạnh, bốc mùi hôi thối.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trịnh Văn Đực- Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Bến Cầu cho biết, theo thống kê, tính đến ngày 12.8, trên địa bàn Thị trấn có 12 ổ dịch tả heo châu Phi, địa phương đã thực hiện tiêu hủy 146 con heo, tổng trọng lượng 6.595 kg. Trong đó, tất cả số heo bị tiêu hủy đều được các lực lượng chức năng tiến hành đúng quy định, được chôn lắp bên trong bãi rác.

Do đó, số heo chết đang phân hủy theo phản ánh của người dân là do người dân nơi khác mang đến vứt bỏ. Ông Trịnh Văn Đực cũng cho biết, sẽ cho lực lượng chức năng của Thị trấn đến xử lý ngay số xác heo này nhằm tránh ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh.

Chính quyền làm đúng quy định

Để tìm hiểu thêm, người viết đã liên hệ với UBND xã Lợi Thuận vào buổi sáng 16.8, nhưng không gặp được do lãnh đạo xã bận họp, đến khoảng 15 giờ cùng ngày mới liên hệ đươc với ông Trần Thiện Trang – Phó Chủ tịch UBND xã.

Theo ông Trang, thực hiện Quyết định số 134/QĐ-UBND về việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh thì việc xã chọn vị trí tiêu hủy heo trên 30 m là đúng quy định. Còn lý do đến thời điểm này (chiều ngày 16.8, sau gần 3 ngày thực hiện đốt xác heo) vẫn chưa lấp hố là vì xã còn đang tiếp tục thực hiện đốt xác heo và chờ đến chiều còn tiêu hủy thêm khoảng 10 con heo nữa.

Điểm tiêu hủy heo chỉ cách nhà ông Trần Hoài Thanh khoảng 30 m khiến người dân bất an vì sợ ô nhiễm môi trường.

Phó Chủ tịch UBND xã tiếp tục khẳng định, chính quyền xã xử lý tiêu hủy heo như vậy là đúng quy định, việc các hộ dân tại tổ 13 phản ứng là họ “làm quá”, bởi hố tiêu hủy heo nằm trong nghĩa địa, lại cách nhà dân “có thể” lên đến 50m, nên chuyện người dân phản ánh là có mùi và ô nhiễm nguồn nước là không đúng và là lo lắng thái quá.

Ông Huỳnh Văn Đấu- Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bến Cầu cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, Trạm đã phổ biến và hướng dẫn các xã về kịch bản phòng chống dịch tả heo châu Phi của tỉnh và huyện, việc xã Lợi Thuận chon nơi tiêu hủy heo tại nghĩa địa Đồng Chùa là hợp lý, đúng quy định, không có gì sai. Vì số lượng heo mắc dịch và chết quá nhiều nên địa phương phải chia làm nhiều đợt để tiêu hủy, do vậy mà chuyện đến ngày hôm nay (16.8) chưa lấp hố là còn chờ tiếp tực tiêu hủy số heo còn lại. Việc người dân phản ánh ô nhiễm thì cũng phải chịu, chứ không còn cách nào khác.

Đến chiều ngày 17.8, sau một cơn mưa nặng hạt, người viết quay trở lại hố tiêu hủy heo tại nghĩa địa Đồng Chùa thì nhận thấy, có một số lượng heo mới được đưa đến tiếp tục tiêu hủy nhưng do mưa lớn nên lửa không thể cháy được.

Người dân ở đây lo lắng, nếu cơn mưa lúc chiều lớn thì nước sẽ đổ dồn xuống hố, tới lúc đó đốt không được, có rãi vôi cũng không còn tác dụng, nước từ xác heo phân hủy thấm vào lòng đất, vào mạnh nước ngầm. Đồng thời, xác heo không cháy được sẽ thối rữa, gây ô nhiễm cho người dân trong khu vực này.

“Chính quyền kêu xử lý đúng quy định mà gây ô nhiễm môi trường, anh hưởng đến đời sống nhân dân thì sao?”- một người dân bức xúc nói.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tính đến hết ngày 17.8 trên địa bàn tỉnh xuất hiện 272 ổ dịch tả heo châu Phi, trên địa bàn 38 xã, phường, thị trấn của 6 huyện và thành phố, số heo bị tiêu hủy đã lên đến 5.625 con. Đặc biệt, trong ngày 17.8 đã phát hiện 27 ổ dịch mới, trong đó huyện Trảng Bàng chiếm hơn 50% với 14/27 ổ dịch được phát hiện trên địa bàn.

Hiện Tây Ninh đang vào giai đoạn cao điểm mùa mưa, khiến công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi gặp nhiều khó khăn, nhất là công tác tiêu hủy heo bệnh, nếu không đúng cách sẽ làm cho mầm bệnh tồn tại dai dẳng ngoài môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống nhân dân.

Minh Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục