BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bến Đình - còn đâu chim dồng dộc?

Cập nhật ngày: 25/10/2011 - 12:00

Cách nay đã 6-7 năm, tôi theo chân cán bộ Bảo tàng tỉnh về khu di tích Bến Đình- Tiên Thuận. Lúc đó, còn phải đi qua lối Gò Chai, theo đường 786 về thị trấn Bến Cầu, sau đó mới rẽ lối về Tiên Thuận- Bến Đình đi thêm chừng 10km. Như vậy, từ Thị xã tới đây cũng phải gần 45km. Ở Tây Ninh, như vậy cũng có thể gọi là xa, vì nếu tính từ trung tâm tới xã xa nhất cũng chỉ 70km. Nay nhờ phà Bến Đình, mà con đường rút lại chỉ 20 cây số, chưa đầy một nửa đường xưa.

Đã lâu, đường lại không gần tưởng chẳng có gì để nhớ. Vậy mà vẫn hiện lên hình ảnh bến sông xưa chất ngất lục bình, mấy chiếc ghe đậu cắm sào chỏng chơ. Trên bến chỉ xúm xít một nhóm người đang quây quanh những chiếc chậu to để… nhổ lông chim. Hỏi chim gì, các chị kêu đấy là chim dồng dộc. Loài chim ấy chỉ bé như con chim sẻ. Vặt lông thui lủi, rồi thui sơ đếm chục, đếm trăm chở về các quán nhậu, nhà hàng. Có đến cả hàng ngàn con, vì khi ấy đang là mùa chim dồng dộc bay về các khu vườn, rừng mé Tây sông Vàm Cỏ Đông làm tổ. Lát sau lên miễu ở đỉnh gò gần đó, thì quả nhiên thấy những tổ chim treo đầy trên những cành cao. Nhìn từ xa, thấy tổ chim giống như những tổ ong ruồi hay chiếc vớ chân treo lơ lửng. Những cọng cỏ hoặc rơm ngắt từ cánh đồng nào về, mà mịn và óng chuốt như những chiếc vớ dệt bằng tơ tằm vàng óng. Bỗng nhiên lòng thấy thương những chú chim nghệ sĩ tài hoa kia lại thành món mồi khoái khẩu của người đời. Nhưng biết làm sao khi dân gian ta đã có câu “cá nước, chim trời”, ý nói đấy là thứ trời cho vô tận.

Bến Đình Tiên Thuận

Có vẻ như câu thành ngữ này đã mất thiêng rồi, khi leo lên đỉnh gò miếu Bà ở Bến Đình- Tiên Thuận hôm nay. Căng mắt ra tìm cũng không còn bóng dáng nào của những chiếc tổ chim xinh xẻo của vài năm trước. Hay là tháng này không phải mùa làm tổ của loài chim? Đem câu hỏi xuống chân gò, tìm vào nhà một lão nông từng sống lâu năm ở đấy là ông Phạm Văn Kia thì được trả lời: Đã lâu không thấy chim dồng dộc bay về làm tổ nữa. Thảo nào trên bến sông vắng vẻ ngày xưa, nay đã nhộn nhịp dòng xe máy lúc phà sang cũng không thấy cảnh những mùa bắt chim tưng bừng thuở trước. Khi ấy, dù bến sông quạnh vắng nhưng vẫn còn rộ lên tiếng nói cười quanh những chậu thịt chim đầy ắp. Đó đây còn là làn khói thơm sực bốc lên từ mấy bác, mấy anh trai làng tự thưởng cho mình một chầu chim nướng, nhâm nhi cùng vài xị đế quê nhà.

Từ nhà ông Kia, lần ra mấy khoảnh ruộng trước nhà ở sát mí sông, bỗng thấy một công trình xây dựng còn dang dở những chân cột bê tông nham nhở thép chờ. Thay vào mặt bằng phân xưởng, giờ là một đống cát lớn vun cao. Dưới sông vẫn xình xịch máy nổ từ một chiếc ghe hút cát. Một em học sinh bảo, đấy là ghe người ta đi hút cát ở đâu đấy, rồi đem về đây thổi cát lên bờ để bán. Ông Kia kể, nghe nói là nhà máy sản xuất trấu thanh gì đấy, khởi công cũng đã vài năm nhưng chưa thấy cái thanh trấu nó ra sao. Mà vườn nhà ông, cũng như cái nhà máy ở liền bên, chính là nơi các chuyên gia khảo cổ Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ đang giả thiết đấy là một cảng sông cổ, căn cứ vào những gì đã tìm thấy.

Cho tới tận ngày nay, ta vẫn có thể tìm thấy trên sân vườn nhà ông Kia những di vật của một nền văn hoá xưa đã mất. Khi thì một mẩu đá sa thạch được gia công hay mài chuốt; lúc lại là một viên ngói nóc cổ kính hình búp sen vẫn còn nguyên sắc đỏ. Rải rác ở ngoài vườn, hay bên sàn nước vẫn còn thấy những viên gạch cổ kích thước lớn, khoảng (6 x 14 x 26) cm- loại gạch thường thấy ở các khu đền tháp như Cổ Lâm, Chót Mạt và Bình Thạnh- có niên đại khoảng thế kỷ VIII, theo một vài nghiên cứu. Đấy là chuyện đã xa rồi. Còn nay, bên tiếng máy nổ vang rền của con tàu hút cát, vẫn còn một bến nước của riêng nhà ông Kia đẹp tuyệt vời, với những cây dừa vẹo vọ nghiêng ra mặt sông, che mát cho vài ba chiếc xuồng con.

Lên phà trở về, hỏi thêm anh công nhân lái phà, thì được biết, ở đây đang có dự án cầu vượt sông Vàm. Vùng đất này rồi sẽ mạnh mẽ tiến vào công cuộc đô thị hoá như một điều tất yếu. Đã có một kế hoạch nào chưa, để bảo tồn những giá trị tiềm ẩn của Bến Đình? Để cho những cánh chim dồng dộc lại có dịp bay về Tiên Thuận, cùng nhau gắp từng sợi nắng đan cài chiếc tổ vàng ươm màu áo lụa Hà Đông.

TRẦN VŨ