Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Chính phủ đã trình Quốc hội Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đặt mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
![google news](/assets/images/gg-news-v2.png)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Trao đổi về nội dung này, các đại biểu Quốc hội nhận định có nhiều yếu tố thuận lợi, khó khăn để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng; đồng thời kiến nghị những giải pháp.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh về việc hoàn thiện thể chế, pháp luật; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân và công nghiệp chế biến, chế tạo; thúc đẩy tiêu dùng, thu hút khách du lịch; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến…
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nhấn mạnh yếu tố đảm bảo kinh tế vĩ mô, lạm phát ở mức hợp lý, đồng thời có giải pháp kích thích tiêu dùng, bởi thị trường trong nước rất quan trọng và có dư địa cho tăng trưởng. “Tích lũy và tiêu dùng là mối quan hệ, cân đối lớn trong nền kinh tế phải giải quyết hài hòa, cần có chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ phù hợp. Bên cạnh đó, để kích thích được đầu tư, đưa tiền vào sản xuất kinh doanh thì giải pháp quan trọng là kiểm soát lạm phát, nếu không tài sản, dòng tiền sẽ chảy vào các kênh đầu cơ, tiết kiệm” - đại biểu phân tích.
Bên cạnh đó là cần có những giải pháp tháo gỡ vướng mắc ở nhiều dự án và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, có giải pháp về tín dụng, từ đó tạo động lực cho tăng trưởng. Theo đại biểu, đây sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng nhất trong thời gian tới. Trong nhóm giải pháp về thúc đẩy đầu tư công nên tập trung vào chi đầu tư cho hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ, cho chuyển đổi số...
Phân tích về động lực tăng trưởng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, quyết tâm tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, giảm gánh nặng cho bộ máy Nhà nước cũng như ngân sách là động lực đầu tiên, tạo thuận lợi cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8%. Đại biểu cũng nhấn mạnh việc sắp xếp bộ máy sẽ tạo ra những xáo trộn và thách thức nhất định, nhưng đây là việc cần phải làm. Đại biểu cũng cho rằng cần có những cách làm mới tạo ra động lực tăng trưởng mới.
Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, bên cạnh thuận lợi thì năm 2025 sẽ có nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu 8%. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) chia sẻ, đây là mục tiêu tăng trưởng phần lớn các đại biểu đồng tình, nhưng để thực hiện được phải có những nỗ lực vượt bậc, có sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của mỗi người dân. Theo đại biểu, cần chuẩn bị nhiều điều kiện khác nhau, trong đó điều kiện quan trọng nhất là yếu tố con người.
“Trong đó chúng ta phải xem xét về vấn đề tăng năng suất lao động, đi liền với các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Phải chú trọng triển khai các dự án trọng điểm sắp tới, cũng như kế hoạch các dự án trọng điểm khác để duy trì tốc độ tăng trưởng” - đại biểu phân tích.
Đại biểu Việt Nga cho rằng cần đưa ra các kịch bản để ứng phó linh hoạt, nhanh nhạy nhất với các bối cảnh diễn ra để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.
Nguồn TTXVN