BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bên những dòng kênh 

Cập nhật ngày: 14/04/2020 - 08:37

BTNO - Có lần trong tháng ba, khi Chính phủ còn chưa ban bố lệnh cách ly xã hội vì dịch bệnh Covid-19, tôi đã có chuyến đi sang Ninh Điền bằng lối qua phà An Bình- Gò Nổi.

Lúc trở về, vừa qua cổng chào xã nông thôn mới An Bình bắt gặp một dòng kênh cắt ngang đường nên đứng lại. Kênh ăm ắp nước đầy, lại leo lẻo xanh trong. Nhìn sang bên phải, lại có một khúc cong tuyệt đẹp. Một bên cánh đồng thấp xuống như một thung lũng với vàng ươm màu nắng trên những vạt lúa ở đằng xa. Lại có những thửa xanh mượt mà những cánh đồng mì đang tươi tốt. Chân trời viền đậm bởi những bờ cây cao chạy dài xa tắp phía chân trời.

Những cánh cò vờn trên ao cá.

May gặp một “bác” trung niên cởi trần đang đứng trên bờ kênh ngắm lúa. Hoặc bác ngắm hoàng hôn, vì mặt trời đang đỏ ối phía đằng tây. Hỏi anh, kênh nào đây? Trả lời: TN17. Anh còn tự hào kể, tôi cũng có dự phần đào đắp con kênh này đấy. Vào khoảng năm 86 hay là 87, thời tôi mới ra quân, trở về lực lượng TNXP huyện Châu Thành…

Lại hỏi anh, đây thuộc ấp xã nào; thì anh khoát tay chỉ sang bên vùng đất thấp:- Bên kia đã thuộc ấp Thanh Bình của An Bình, còn bên này kênh đã thuộc ấp Thanh Hùng của xã Thanh Điền rồi đấy. Sau lưng anh, kênh lượn một vòng cong vắt giữa những bờ tràm và keo tai tượng vút cao. Cả hai bờ kênh đều mịn màng cỏ mọc với đường đất đỏ chạy xe thoải mái.  

Kênh qua suối Dộp Thái Bình.

Vào đây, chợt thèm được ngả lưng trên thảm lá khô mà ru mình vào giấc ngủ. Để khi thức dậy, thấy gió đồng mát rượi ru mình và ngập tràn màu xanh cây trái bao quanh.

Sang đầu tháng tư, cao điểm của công cuộc phòng chống dịch, cũng là lúc miền Tây đang khát nước. Đài báo tin xâm nhập mặn trên từng dòng sông đã làm nên miền Châu Thổ mượt mà. Như ngày 5.4, sông Vàm Cỏ Đông đã bị nước mặn xâm nhập sâu 125 km. Nhiều tỉnh thành thiếu cả nước sinh hoạt, nói gì đến nước tưới cho cây. Vậy mà trên khắp đất Tây Ninh, vẫn có những dòng kênh chảy miên man, đầy ắp nước.

Như con kênh TN17 đây, mà tôi đã từng nhiều dịp đi qua. Người Tây Ninh ai cũng đã biết tới những dòng kênh lớn như kênh Đông, kênh Tây, kênh Tân Hưng. Mỗi con kênh như một dòng sông chở nước Lòng Hồ về khắp nơi trong tỉnh. Riêng kênh Đông còn đưa nước tới Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh, vừa cho đồng ruộng, vừa làm nguồn nước thô sản xuất nước sạch cho TP.

Kênh qua ấp Thanh Bình,  xã An Bình.

Nhưng còn những dòng kênh cấp I, cấp II như những mạch máu lan tỏa tới từng làng quê, xóm ấp, phố phường. Như kênh TN 17 dài khoảng gần 20 km, lấy nước từ kênh Tây ở đoạn qua Suối Ông Đình, xã Trà Vong. Rồi nhằm phía Nam tiến tới, cắt qua quốc lộ 22B ở đoạn gần ngã ba Vịnh trên quê hương Đồng Khởi, huyện Châu Thành.

Nếu như ở đoạn qua 2 xã An Bình và Thanh Điền lòng kênh đã thu nhỏ lại, dịu dàng uốn lượn thì ở đoạn đầu tiên qua các xã Đồng Khởi, Thái Bình dòng kênh còn thênh thang cường tráng biết bao. Bởi vậy có lần tôi đã nhầm đấy là kênh Tây. May gặp một lão nông ở ấp Suối Dộp mới biết vẫn là TN17. Đoạn kênh qua trước nhà ông giữa mùa nắng tháng 3 mà mặt nước dâng đầy, chỉ cách mặt bờ kênh chừng nửa mét. Trong khi ruộng hai bên lại thấp xuống chừng 2 mét. Lão nông này đã khơi rộng thêm lạnh nước ven bờ kênh thành hai cái ao sen, đang rực nở những sen hồng.

Cánh đồng gần kênh TN 17 ở Tua Hai, Đồng Khởi.

Bên kia kênh là vàng rực cánh đồng lúa, óng ả ruộng mì xanh hoặc ruộng bắp lai vừa thu hái. Ra đến đầu kênh cắt qua con đường thị trấn Châu Thành sang Đồng Khởi, lại thấy sen hồng chung chiêng nghiêng ngả giữa gió xuân. Sen ở đây mới thật là… Sen. Vừa thuần túy bản địa, vừa lớn đẹp, lộng lẫy hơn hẳn những ruộng sen ở Thanh Điền mà tôi từng thấy.

Nhưng điều kỳ diệu nhất của chuyến đi này lại ở ấp An Điền thuộc xã An Bình. Bên bờ kênh TN17, có một ao nuôi cá rô rộng khoảng 3 công (3.000 m2). Kênh đã cho ao đầy ắp nước và xôn xao cá quẫy như sôi trên mặt nước. Một bầy cò thấy vậy đã về cư ngụ bên hồ từ mấy tháng qua. Chúng tha hồ bay, lướt trên mặt nước như những nghệ sĩ trượt băng nghệ thuật. Đẹp, và vui thế nên chủ ao chẳng nỡ đuổi đi, dù cũng thiệt hại ít nhiều.

Sen dưới bờ kênh.

Bên bờ kênh TN17, cuộc sống vẫn tràn đầy những niềm vui, như dòng kênh luôn đầy ắp nước. Những dòng kênh mến yêu.

N.Q.V