Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bệnh sợ trách nhiệm gây trở ngại cho sự phát triển
Thứ ba: 05:17 ngày 23/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian gần đây, hiện tượng trì trệ, dấu hiệu “ngủ đông” trong công việc chứng minh rằng, bài viết của Tổng Bí thư vô cùng đúng đắn.

Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tác giả- người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ ra, hiện nay có nhiều người giữ trọng trách lãnh đạo nhưng lại sợ trách nhiệm. Thời gian gần đây, hiện tượng trì trệ, dấu hiệu “ngủ đông” trong công việc chứng minh rằng, bài viết của Tổng Bí thư vô cùng đúng đắn.

Dựa dẫm tập thể

Trong bài viết, tác giả cuốn sách dẫn câu nói của Tổng Bí thư Lê Duẩn, như sau “...Người lãnh đạo phải tiêu biểu cho đức tính trung thành và tận tuỵ trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, phải có năng lực đầy đủ và quyết tâm đầy đủ để thực hiện đường lối, chủ trương.

Đó là người có kiến thức, giàu kinh nghiệm, biết nhìn xa, nhạy cảm với cái mới, có đầu óc sáng kiến, tính chủ động cao, kết hợp được tính tập thể trong lãnh đạo với khả năng quyết đoán sáng suốt trên cơ sở hiểu tường tận công việc và nắm chắc tình hình...”.

Sau khi dẫn lại phát biểu của vị lãnh đạo tiền bối, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- tác giả cuốn sách chỉ ra hàng loạt biểu hiện của những người lãnh đạo nhưng lại sợ trách nhiệm. Vì sợ trách nhiệm, những người này vin vào nhiều lý do để né tránh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, nhiệm vụ trước mắt đòi hỏi mọi người phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, nhưng hiện nay trong cán bộ, đảng viên ta còn có những đồng chí sợ trách nhiệm.

Người sợ trách nhiệm thường làm việc một cách cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn. Vì luôn luôn lo sợ phải chịu trách nhiệm về những việc sẽ xảy ra, cho nên không muốn cải tiến công tác, không dám mạnh dạn thay đổi những cái không hợp lý, chỉ làm theo nếp cũ.

Vì sợ trách nhiệm mà đi đến bảo thủ. Hồ Chủ tịch nói: “Tính bảo thủ: tức là không có sáng kiến. Trước thế nào là sau cứ làm thế. Không có chịu nghĩ ra cái mới. Nghĩ đến cái mới lại ngại, không muốn tiến bộ. Xã hội bây giờ ngày một phát triển. Tư tưởng hành động cũng phát triển. Nếu cứ giữ lấy cái kẹp giấy cũ, không thay đổi, là không đi đến đâu cả”.

Người sợ trách nhiệm thường rụt rè, do dự trong khi giải quyết công việc, không phát biểu rõ ràng, dứt khoát ý kiến riêng của mình, không dám quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình. Vì muốn trốn tránh trách nhiệm cá nhân của mình, các đồng chí này thường vin vào lý do chưa có chỉ thị của cấp trên để ỷ lại và chờ đợi một cách thụ động.

Trước những công việc mới cần có ý kiến của cấp trên thì chỉ xin ý kiến rồi ngồi chờ, không chủ động tìm tòi và kiến nghị cách giải quyết cho kịp thời. Đối với những việc đã có chủ trương rõ ràng rồi cũng vẫn muốn chờ sự hướng dẫn thật chi tiết của cấp trên rồi mới làm, chứ không mạnh dạn quyết định các kế hoạch, biện pháp tích cực để thực hiện cho nhanh chóng và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương hay đơn vị mình.

Người sợ trách nhiệm cũng thường lấy lý do làm việc tập thể, tôn trọng tập thể để dựa dẫm vào tập thể. Đốì với những công việc cụ thể thuộc phạm vi giải quyết của chính mình, đúng với chức trách và quyền hạn của mình, người sợ trách nhiệm vẫn không dám mạnh dạn giải quyết, việc lớn, việc nhỏ gì cũng muốn đưa ra tập thể bàn, chờ “ý kiến tập thể” cho “đỡ phiền”.

Có những đồng chí khi đưa ra tập thể bàn định một công việc do chính mình phụ trách cũng chỉ nêu vấn đề, nêu thắc mắc chung chung, chứ không đề ra kiến nghị cụ thể, không nói rõ ý kiến riêng của mình về việc đó.

Người sợ trách nhiệm còn ngại “va chạm” trong quan hệ với các đồng chí trong đơn vị, với cấp trên và cả với cấp dưới. Lấy cớ phải có tác phong “thận trọng, chín chắn”, phải “giữ gìn đoàn kết”, các đồng chí đó không thẳng thắn phê bình những người phạm khuyết điểm, không đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực, những tư tưởng và việc làm trái với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Để tránh “sự hiểu lầm” của cấp trên, người sợ trách nhiệm không mạnh dạn phát biểu ý kiến và nêu đề nghị cụ thể của mình với cấp trên, khi thấy có việc chưa hợp lý hoặc chủ trương chưa sát cần sửa đổi.

Và để giữ “quan hệ tốt” với cấp dưới, các đồng chí đó cũng bỏ qua hoặc chỉ nhận xét nhẹ nhàng, khéo léo khi thấy cấp dưới làm sai hoặc báo cáo sai sự thật, không nghiêm khắc phê bình và kiên quyết yêu cầu sửa chữa đến nơi, đến chốn.

Thái độ sợ trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên đang là một trở ngại cho công tác của Đảng và Nhà nước, làm cho công việc bị trì trệ, giẫm chân tại chỗ, làm cho những nhân tố mới không phát huy được, những khuyết điểm và nhược điểm không được khắc phục kịp thời, làm cho trình độ, năng lực công tác của cán bộ chậm được nâng cao.

“Chỉ làm những việc nguời ta bảo làm”

Theo Tổng Bí thư, sợ trách nhiệm là một khuyết điểm thuộc về ý thức tư tưởng, về phẩm chất cách mạng của người cán bộ, đảng viên, bởi vì sợ trách nhiệm tức là muốn yên thân, né tránh khó khăn, là thiếu tính chiến đấu, thiếu dũng khí cách mạng, là trái với “tinh thần dám xả thân vì sự nghiệp cách mạng, quyết đấu tranh xoá bỏ áp bức bóc lột, xoá bỏ nghèo đói và dốt nát, đấu tranh kiên cường, không mệt mỏi cho sự thực hiện thắng lợi cương lĩnh chính trị của Đảng.

Tinh thần trách nhiệm chính là một yêu cầu thuộc về tiêu chuẩn của người cán bộ. Mỗi cán bộ đều được Đảng và Nhà nước giao cho một nhiệm vụ công tác nhất định. Lòng trung thành với Đảng, với Nhân dân, phẩm chất, năng lực của người cán bộ thể hiện trước hết và chủ yếu ở tinh thần phấn đấu không mệt mỏi, quyết vượt mọi khó khăn, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đem hết sức lực và tài năng ra hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao.

Đó là tinh thần trách nhiệm của người cán bộ cách mạng. Sợ trách nhiệm, lẩn tránh trước khó khăn, làm việc cầm chừng, bàng quan trước mọi việc đúng, sai, đó chính là kiểu làm việc của người “công chức cũ”, chứ không phải là tác phong của người cách mạng. Dẫn lại câu nói của một nhà lãnh đạo Liên Xô, Tổng Bí thư chỉ ra, người nào sợ trách nhiệm không phải là một người lãnh đạo. Người nào không biết có sáng kiến, chỉ biết nghĩ rằng “tôi chỉ làm những việc mà người ta bảo tôi làm, người đó không phải là một người bônsêvích".

Nguồn gốc chủ yếu của bệnh sợ trách nhiệm là chủ nghĩa cá nhân. Chính vì luôn luôn tính toán cho lợi ích cá nhân, bo bo “bảo vệ” lấy cái cá nhân của mình mà mất cả dũng khí đấu tranh, thiếu hẳn “tinh thần trách nhiệm nghiêm túc, tính kiên quyết, tính nguyên tắc trong khi giải quyết các vấn đề”, không dám đương đầu trước khó khăn, không dám nghĩ, không dám làm, chỉ tránh khó ngại phiền.

Vì vậy, khắc phục bệnh sợ trách nhiệm trước hết là phải chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao tinh thần cách mạng của cán bộ, đảng viên, làm cho mỗi người đều có tinh thần xả thân vì sự nghiệp cách mạng, đều thật sự “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” như Hồ Chủ tịch đã dạy.

Bệnh sợ trách nhiệm có những điều kiện khách quan để tồn tại và phát triển. Trong một số trường hợp, chính những khuyết điểm của tập thể hoặc của cấp trên trong sự tổ chức chỉ đạo và lề lối làm việc là chỗ dựa của bệnh sợ trách nhiệm.

Hiện nay còn có những cơ quan, đơn vị vì phân công không rõ ràng, quy định không rành mạch về trách nhiệm và quyền hạn của từng người cho nên không thể đánh giá đúng ai làm tốt, ai làm không tốt; khi xảy ra việc làm sai gây tổn hại cho Đảng và Nhà nước thì chỉ có thể kiểm điểm tập thể chung chung, không biết quy trách nhiệm cụ thể về ai.

Có những cán bộ cấp trên không tôn trọng chức trách, quyền hạn của cấp dưới, đã không chú ý đề cao, phát huy tính chủ động sáng tạo của cán bộ cấp dưới, rồi tự cho mình là đi sâu đi sát, là có tác phong cụ thể. Cách làm việc như vậy thường khiến cho những cán bộ vốn ỷ lại, thụ động dễ dàng lẩn tránh trách nhiệm.

Cũng có trường hợp người lãnh đạo ở cấp trên không khách quan lắng nghe ý kiến của cán bộ cấp dưới, chỉ muốn nghe những lời khen và đồng tình với mình, không thích những cán bộ có ý kiến trái với mình, cho nên không cổ vũ, khuyến khích cán bộ cấp dưới độc lập suy nghĩ, chủ động sáng tạo trong công việc và thẳng thắn phát biểu, đề đạt ý kiến.

Thái độ đó của cấp trên thực tế là ủng hộ những cán bộ sợ trách nhiệm, những người “chỉ làm những việc mà người ta bảo làm”. Trong cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu nhanh chóng khắc phục bệnh sợ trách nhiệm, nâng cao tinh thần trách nhiệm nghiêm túc, tính kiên quyết, tính nguyên tắc của cán bộ, đảng viên - nhất là những cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý.

Việt Đông

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục