Thời Sự - Chính trị   Việt Nam - Thế giới

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bệnh viện bay ORBIS trở lại Đà Nẵng

Cập nhật ngày: 11/08/2010 - 09:44

Bệnh viện bay ORBIS - Ảnh Chinhphu.vn

ORBIS International là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập năm 1973 hoạt động trong lĩnh vực phòng chống mù loà tại các quốc gia đang phát triển trên thế giới và là thành viên sáng lập Sáng kiến thị giác 2020 - Quyền được nhìn thấy của Tổ chức Y tế Thế giới (WTO).

Bệnh viện Mắt hàng không duy nhất trên thế giới (Bệnh viện bay) là một trong các hoạt động của Orbis. Bệnh viện Bay từng tới 75 quốc gia để đào tạo các bác sĩ người địa phương và thực hiện hàng nghìn ca phẫu thuật mắt, đem lại ánh sáng cho những bệnh nhân nghèo.

Các bác sĩ thiện nguyện của ORBIS đã trở lại Đà Nẵng để thực hiện công tác tập huấn, chuyển giao công nghệ nhãn khoa và phẫu thuật phòng chống mù loà cho nhân dân miền Trung từ ngày 10 – 20.8.2010.

Đến Việt Nam lần này, các chuyên gia sẽ chú trọng vào các chủ đề chuyên sâu trong điều trị và phẫu thuật gồm võng mạc, glôcôm, lác trẻ em và chấn thương chỉnh hình mắt, gây mê và điều dưỡng nhãn khoa.

Trong hai tuần làm việc, 13 chuyên gia nhãn khoa hàng đầu thế giới sẽ tập huấn trực tiếp cho 41 y, bác sĩ Bệnh viện Mắt Đà Nẵng cùng khoảng 150 y, bác sĩ cả nước và nước bạn Lào, Campuchia thông qua truyền hình phẫu thuật trực tuyến từ Bệnh viện bay. Bệnh viện bay dự kiến sẽ khám và điều trị cho 275 bệnh nhân, 50% trong số đó sẽ được phẫu thuật hoặc điều trị laser để phục hồi thị lực.

Bệnh viện bay thực chất là chiếc máy bay hiệu McDonnel Douglas DC-10 số hiệu N220AU được thiết kế thành một Bệnh viện chuyên khoa mắt di động với các trang thiết bị nhãn khoa hiện đại nhất. Thân máy bay luôn mang dòng chữ: Saving Sight Worldwide – Trả lại ánh sáng cho những người mù khắp hành tinh. Các thiện nguyện viên trên Bệnh viện bay cùng làm việc vì một mục đích duy nhất: Vì một thế giới không mù loà, vì “quyền được nhìn thấy” của mọi người.

Với diện tích khoang rộng 610m2, Bệnh viện bay có 6 phòng với đầy đủ chức năng với các trang thiết bị y tế hiện đại gồm phòng khám và điều trị laser, phòng phẫu thuật, phòng hậu phẫu, phòng hồi sức cấp cứu, phòng đào tạo, phòng dựng hình. Mỗi ca mổ sẽ được truyền hình trực tiếp và trao đổi chuyên môn, chuyển giao công nghệ cho các bác sĩ nhãn khoa, điều dưỡng nhãn khoa, bác sĩ gây mê.

Theo kế hoạch, sau khi kết thúc chương trình tại Đà Nẵng, từ ngày 23 - 27.8, đoàn bác sĩ tình nguyện quốc tế của ORBIS sẽ đến Huế thực hiện chương trình đào tạo nhãn khoa chuyên sâu tại Bệnh viện Mắt Huế và Khoa Mắt Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế cho các bác sĩ đến từ các tỉnh miền Trung. Số bệnh nhân may mắn được khám và điều trị là khoảng 200 người.

Hiện ORBIS đã và đang hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nâng cao năng lực và chuyển giao kỹ thuật cho chuyên gia nhãn khoa để thực hiện chiến lược phòng chống mù lòa từ nay đến 2020.

Hiện nay có khoảng 500.000 người Việt không nhìn thấy ánh sáng nhưng 80% chứng mù ở Việt Nam có thể phòng tránh.

(Theo chinhphu.vn)