Trong ngôi nhà người Tày, tuỳ theo nhà rộng hay hẹp mà họ bố trí từ một đến hai cái bếp. Bếp ở gian ngoài dành cho ông chủ nhà và khách nam giới, còn bếp phía trong dành cho bà chủ nhà và những vị khách nữ.
Cũng như nhiều dân tộc khác, bếp là nơi nấu nướng các loại đồ ăn, thức uống của người Tày. Đây cũng là nơi sưởi ấm và tiếp khách trong những ngày đông, tháng giá.
Trong ngôi nhà người Tày, tuỳ theo nhà rộng hay hẹp mà họ bố trí từ một đến hai cái bếp. Bếp ở gian ngoài dành cho ông chủ nhà và khách nam giới, còn bếp phía trong dành cho bà chủ nhà và những vị khách nữ.
Thông thường, người dân tôc Tày sẽ làm bếp mới khi dựng nhà mới. Và cái bếp đó sẽ được sử dụng đúng theo tuổi thọ ngôi nhà. Sàn nhà sẽ được khoét xuống một ô vuông để làm bếp. Tuỳ theo nhà lớn hoặc nhà nhỏ để tạo kích thước bếp, nhưng thông thường mỗi bề khoảng 1 mét và được kê chắc chắn bằng loại gỗ tốt. Những người đàn ông trong gia đình sẽ dùng đất sét nhuyễn nện chặt vào ô vuông gỗ để làm nền bếp. Nền bếp sẽ nằm thấp hơn sàn nhà khoảng 5 phân. Theo truyền thống, người Tày dùng ba hòn đá kê lại để làm đầu rau bếp. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều gia đình người Tày dùng kiềng sắt ba chân. Phía trên bếp là giàn bếp gồm hai tầng. Tầng trên là nơi chứa những đồ dùng cồng kềnh, ít sử dụng đến. Tầng dưới treo lọ muối, lọ mỡ, hạt giống… hoặc đồ mới đan lát xong.
Khi đã làm xong nhà mới và bếp mới, trước khi vào ở nhà mới, việc quan trọng của đầu tiên của người Tày là đốt bếp. Gia chủ sẽ đi mời một hoặc vài ông già có uy tín trong làng bản đến châm bếp và chúc phúc cho căn nhà mới của mình. Những người đó sẽ vừa châm lửa vừa nói to lên rằng: Tôi mang lửa đến cho gia đình. Cầu mong hạnh phúc và sung túc. Người già khoẻ mạnh, người trẻ giỏi giang. Gia đình sinh sôi như ngọn lửa này… Sau đó, gia đình sẽ chuyển vào ở trong ngôi nhà mới và phải giữ cho ngọn lửa trong cái bếp mới cháy liên tục trong một ngày một đêm, ba ngày ba đêm thì càng tốt. Làm như vậy, gia đình mới yên vui, hạnh phúc, ăn nên làm ra…
Giống như người Kinh, người Tày cũng thờ Táo quân và lập bàn thờ ngay bên cạnh bếp. Họ không bao giờ gõ vào đầu rau bếp hay nhỏ nước bọt vào bếp lửa. Người Tày cũng “cúng tiễn” ông Táo về chầu Ngọc hoàng vào ngày 23 tháng chạp. Nhưng họ không “đón” ông Táo vào chiều ba mươi, mà đón vào chiều tối mùng một tết. Người dân tộc Tày cho rằng nếu đón ông Táo mới sớm quá, dễ gặp phải ông Táo “háu ăn” sẽ thường xuyên “quấy rầy gia đình”, nên cúng muộn hơn về tối để mong đón được một ông Táo “điềm đạm” hơn trong năm mới.
K.D (st)