Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bí ẩn mai vàng Yên Tử

Cập nhật ngày: 16/01/2012 - 12:50

Không nhiều người biết những cây mai vàng nở hoa bạt ngàn quanh núi Yên Tử lại có "họ" với cây mai vàng của miền Nam. Chắc cũng ít người biết rằng, mai vàng Yên Tử vốn chỉ nở hoa vào mùa lễ hội nhưng nay nhờ sự "can thiệp" của khoa học, giống mai quý này có thể nở vào dịp Tết Nguyên đán.

Cùng một loài

Năm 2007, TS Đặng Văn Đông, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Hoa Cây cảnh, Viện Nghiên cứu Rau quả được Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh mời tham gia vào một cuộc khảo sát đánh giá các giống cây trồng bản địa quý hiếm trên địa bàn tỉnh này. Chuyến thực địa đó đã giúp ông khám phá vẻ đẹp của quần thể mai vàng trên núi Yên Tử. Điều đáng nói, TS Đặng Văn Đông đồng thời cũng nhận ra, nhiều cây mai cổ thụ có nguy cơ bị phá hủy bởi sự khai thác thiếu bền vững của người dân.

Sản phẩm sau 3 năm nghiên cứu

Sau chuyến đi, TS Đông và cộng sự đề xuất ngay dự án "Nghiên cứu bảo tồn lưu giữ và phát triển giống hoa mai vàng Yên Tử" với số tiền chỉ vẻn vẹn 260 triệu đồng.

Việc đầu tiên là khảo sát. Nhiều ngày liền, nhóm chuyên gia băng rừng vượt núi để đếm từng gốc cây rồi đo đạc, đánh số... Nhóm khảo sát phát hiện đa số cây có độ tuổi từ 60 trở lên, chu vi gốc từ 40cm trở lên, cao từ 5 - 7m, thân cành gân guốc, có dáng và thế rất đẹp. Đa số cây mọc trên vách đá ở độ cao từ 400 - 900m so với mực nước biển.

Bước tiếp theo là tìm tên khoa học. Nhóm nghiên cứu thu thập tất cả các giống mai có ở Việt Nam như mai vàng miền Nam, mai vàng dại... mang về để so sánh. Sau khi phân tích đặc điểm hình thái, phân tích gen, kết quả cho thấy có sự giống nhau tới 70% giữa cây mai vàng Yên Tử và mai vàng miền Nam. 

TS Đặng Văn Đông

"Chắc chắn mai vàng Yên Tử và mai vàng miền Nam cùng một loài", TS Đông quả quyết. Tuy nhiên, do sống trong điều kiện thời tiết á nhiệt đới của miền Bắc nên cây mai vàng Yên Tử cũng có một số đặc điểm khác mai vàng miền Nam như nở theo chùm và một cây có rất nhiều chùm.

Ngoài ra, hoa mai Yên Tử có mùi thơm nhẹ, có màu vàng sáng và có 5 cánh. Trong khi đó mai vàng miền Nam lại có nhiều màu (vàng sáng, vàng nhạt...) hoa có giống 5 cánh, giống nhiều hơn hoặc ít hơn 5 cánh và cũng không nở theo chùm.

Nam Bắc kết hợp

KS Phùng Tiến Dũng, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, một nhiệm vụ nữa mà nhóm nghiên cứu đặt ra là phải nhân giống để bảo tồn và phát triển giống mai quý của miền Bắc. Hàng loạt biện pháp được thực hiện như gieo hạt, giâm cành, ghép cành...

Điều thú vị là trong các phương pháp, phương pháp ghép cành mai vàng Yên Tử trên các gốc mai vàng miền Nam lại cho kết quả cao nhất. Năm 2008, tại một làng nằm dưới chân núi Yên Tử các nhà khoa học đã tiến hành ghép các cành bánh tẻ được lấy từ các cây mai Yên Tử đầu dòng với các gốc mai vàng miền Nam. Kết quả với tỷ lệ bật mầm sau 3 tháng đạt trên 95%, tỷ lệ cây ghép sống đạt 85%.

Hiện chúng tôi chỉ phát hiện, ở miền Bắc, cây mai vàng xuất hiện nhiều ở Yên Tử và một số vùng lân cận như Bình Khê, Uông Bí (Quảng Ninh). Điều này cũng có thể lý giải được vì sau những cơn bão, những đợt gió lớn, hạt mai vàng Yên Tử sẽ được phát tán đi một số nơi. 

ThS Lê Thị Thu Hương

Nở hoa đúng dịp Tết
ThS Lê Thị Thu Hương, một thành viên khác của nhóm nghiên cứu giải thích, mai vàng Yên Tử nở hoa vào thời điểm tháng 1 - 2. Thật ngẫu nhiên, thời điểm nở hoa này lại trùng với mùa lễ hội ở Yên Tử. Tuy nhiên, tham vọng của nhóm nghiên cứu là phải điều khiển sao cho hoa nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán.

Hàng loạt các nghiên cứu đã được thực hiện từ bẻ cành, tuốt lá, bón phân sao cho hoa nở đúng như mong muốn. Sau nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học đã thành công. Hiện quy trình trồng, chăm sóc, điều khiển nở hoa cây mai vàng Yên Tử đã được hoàn thiện.

Tuy nhiên, TS Đặng Văn Đông cũng khẳng định: Để mai vàng Yên Tử nở đúng dịp Tết Nguyên đán thì yếu tố kỹ thuật chỉ chiếm khoảng 70%, kinh nghiệm của người trồng hoa chiếm 30%. Lý do là bởi việc nở hoa chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi thời tiết. Người trồng mai phải quan sát thời tiết để quyết định thời kỳ trẩy lá (vặt lá) chính xác.

Nếu theo dự báo của ngành khí tượng tháng cuối năm âm lịch ấm áp tạo điều kiện tốt cho hoa mai nở sớm thì việc trẩy lá trễ vài ngày so với dự tính. Nếu thời gian đó có mưa to hay thời tiết trở lạnh, hoa mai sẽ nở trễ, vì vậy cần trẩy lá mai sớm hơn dự định vài ngày...

Đối với việc trẩy lá cũng rất khắt khe. Nếu nụ hoa nhú nhỏ bằng hạt gạo nên trẩy lá sớm vào ngày 12 - 13.11, nếu nụ lớn bằng hạt đậu xanh thì trẩy lá vào 20.11, nếu nụ khá to và có khả năng bung vỏ lụa thì trẩy lá vào ngày 25 tháng Chạp. Quá trình nở hoa diễn ra từ khi nụ hoa mới nhú bằng hạt đậu xanh. Khi nụ hoa bằng hạt đậu phộng thì gọi là hoa cái có lớp vỏ lụa bọc bên ngoài, mất khoảng thời gian từ 6 - 7 ngày.

Một ngày sau đó lớp vỏ lụa tự bung ra, lộ ra bên trong có 1 chùm hoa có 3 - 4 nụ có kích cỡ không đều nhau. Mỗi nụ nhỏ đó sẽ nở thành 1 bông hoa. Nụ lớn nở trước, nụ nhỏ nở sau, cách nhau vài ba ngày. Từ khi bung vỏ lụa đến ngày chùm hoa bên trong bắt đầu nở mất khoảng 1 tuần. Vì vậy, vào ngày cúng ông Táo mà cây mai vàng có nhiều nụ bung vỏ lụa thì sẽ nở vào đúng dịp Tết.

"Sau khi khảo sát chúng tôi phát hiện các cây mai phân bố khá nhiều và tập trung tại các chùa ở Yên Tử... Phát hiện này cho phép chúng ta liên tưởng đến khả năng chính vua Trần Nhân Tông là người đã trồng những cây mai này khi ông từ bỏ ngai vàng lên núi tu hành. Tuy nhiên, đây chỉ là giả thiết chưa được kiểm chứng. Cho tới thời điểm này, ai đã trồng giống mai này ở Yên Tử và trồng từ bao giờ vẫn còn là những câu hỏi cần phải được tiếp tục nghiên cứu trong tương lai".        

TS Đặng Văn Đông

Theo Bee