Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
BVĐK Tây Ninh vừa tiếp nhận một trường hợp nghi bị côn trùng cắn, dẫn đến phần vết thương có dấu hiệu hoại tử.
Vết thương của bệnh nhân khi nhập viện và sau điều trị. |
Bệnh nhân tên Trần Thị Xuân (*), khoảng 40 tuổi, nhà ở xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành. Khi nhập viện, phần da quanh vết đốt có dấu hiệu hoại tử. Phía BVĐK tỉnh đã báo cáo, Sở Y tế Tây Ninh mời Viện Sốt rét- Ký sinh trùng-côn trùng TP.Hồ Chí Minh lên xem xét hội chẩn lâm sàng ca bệnh.
Đoàn do tiến sĩ Phùng Đức Truyền- Phó Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-côn trùng TP.Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn, cùng thạc sĩ, bác sĩ Lương Trường Sơn- Phó Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-côn trùng TP.Hồ Chí Minh và các chuyên gia côn trùng, dịch tễ của Viện đã tham gia hội chẩn.
Kết luận sau hội chẩn cho thấy, bệnh nhân bị kiến ba khoang đốt. Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-côn trùng TP.Hồ Chí Minh đã có hướng dẫn phác đồ điều trị, sau 3 ngày tích cực điều trị, sang thương bệnh nhân đã cải thiện, vết thương khô miệng.
Theo lời của bệnh nhân, cách nay gần 4 tuần, chị đột nhiên cảm nhận ngứa khủng khiếp ở vùng đùi sau chân phải. Sau đó chị dùng tay chà, gãi cho đỡ ngứa. Cứ nghĩ do kiến hay côn trùng nào đó cắn phải nên không để ý; sau đó, chị bị thêm một vết đốt khác nhưng nhỏ hơn.
Tuy nhiên, vết đốt cũ lại lan rộng, càng gãi thì vùng da quanh đó càng ngứa, nhìn lại thì vết thương hở miệng, gây đau nhức. Quá sợ, người thân vội đưa chị vào bệnh viện chữa trị.
Kiến ba khoang. |
Tin thêm từ người nhà bệnh nhân cho biết, trước đó, gia đình cũng có 2 người bị vết đốt tương tự nhưng vết thương nhẹ, cứ nghĩ là do bị zona nên tự mua thuốc trị, may mắn là vết đốt của 2 người này sau đó đã khỏi.
Theo khuyến cáo của ngành Y tế, khi bị kiến ba khoang cắn, không nên dùng tay trần để bắt, giết, miết kiến ba khoang khiến độc tố lan rộng gây hoại tử; bắt kiến ba khoang ra khỏi da bằng cách thổi hoặc đặt một tờ giấy cho kiến bò lên và lấy ra khỏi người. Khi tiếp xúc với kiến ba khoang, đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm lót.
Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Tránh đưa tay đã tiếp xúc với kiến chạm vào các vùng da khác... chú ý các biểu hiện để đến khám ở bác sĩ da liễu khi cần thiết.
Yên Khuê
(*) Tên bệnh nhân được thay đổi theo yêu cầu của người bệnh
Kiến ba khoang thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng... Chúng xuất hiện nhiều vào mùa mưa, khi độ ẩm cao, thuận lợi cho kiến phát triển. Kiến ba khoang ưa thích ánh sáng đèn ban đêm nên bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn, chất độc trong cơ thể kiến có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da) nếu chất này được giải phóng ra khi kiến bị tác động hoặc bị chà sát hoặc bị giết. Để phòng tránh kiến ba khoang, người dân nên đề phòng côn trùng bay vào nhà bằng cách hạn chế mở cửa, nên buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng... khi thắp đèn. Ngủ trong màn; vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ; giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng; tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang rất hay xuất hiện ở nơi có đèn sáng. Nếu có thể thì bật đèn ban công, hành lang để thu hút kiến ba khoang ra ngoài nhà và diệt. Khi đi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa mưa bão, cần dùng phương tiện bảo hộ lao động như: quần áo dài tay, đội mũ/nón, khẩu trang, đi ủng... (Nguồn Cục Y tế Dự phòng) |