Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Biển đảo tưởng xa, mà lại thật gần
Thứ bảy: 07:41 ngày 18/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thứ bảy và chủ nhật vừa rồi (ngày 4 và 5.8.2018), Ban Tôn giáo tỉnh có chuyến đi ra xã đảo Thạnh An của huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh. Chuyến đi vừa để “đổi gió” cho cán bộ công chức, vừa để họ hiểu biết về một miền biển đảo của đất nước. Thạnh An chỉ cách Tây Ninh chừng 150 cây số.

Xe xuất phát tại Tây Ninh lúc 5 giờ. Chưa tới 9 giờ, xe đã đến bến phà Bình Khánh. Bên này là huyện Nhà Bè. Biết vậy vì các anh lãnh đạo Ban Tôn giáo dừng xe thăm họ đạo Cao Ðài Nhà Bè. Do vậy đứng trước bến phà chợt nhớ câu ca dao đất Gia Ðịnh xưa: “Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Ðịnh, Ðồng Nai thì về”.

 Mới chỉ là sông đấy thôi mà đã mênh mông như biển. Những con tàu to như những nhà tầng cao lừng lững. Những sà lan phăm phăm rẽ nước ngược xuôi dòng. Nghe nói đây là nơi hợp lưu giữa sông Lòng Tàu và sông Soài Rạp.

Một hướng sang Ðồng Nai để ra biển Vũng Tàu. Một dòng đi về các tỉnh miền Tây, sông Tiền, sông Hậu. Xa xa bên trái bến là những nhà cao, những bến cảng lô nhô cần trục, nổi bật trên nền trời xám là một cây cầu còn đang bị đứt quãng. Ðấy là cầu dây văng, đang thi công trên tuyến đường cao tốc Thành phố - Long Thành.

Qua phà. Bên đây đã là đất huyện Cần Giờ. Những con rạch miên man dừa nước. Nối tiếp từng dặm dài rừng đước và cây mắm. Ðước đặc trưng bởi những bộ rễ hình cái nơm úp chụp xuống đất đai. Còn mắm thẳng tưng như rừng keo tràm ở Tây Ninh.

Cần Giờ có những  di tích nổi tiếng cả nước và quốc tế nên khá nhiều xe du lịch chạy ra. Ðấy là đảo khỉ và Khu di tích Ðặc công Rừng Sác. Nhưng lần này ra đảo nên đoàn tạm thời bỏ qua cho kịp chuyến tàu ra. Ðây là chuyến ra đảo thứ hai của Ban Tôn giáo nên đã có “mối mang”. Mối quen ấy đã điều hẳn một tàu vào đón khách.

Ðến chuyến về mới được thưởng thức tàu đò. Vé có 10 ngàn một người, rất rẻ. Mà được đi đến gần 10km trên biển từ thị trấn Cần Thạnh ra xã đảo. Anh bạn trẻ người địa phương mới quen còn khoe:- Vé xe buýt từ thị trấn về phà Bình Khánh còn rẻ hơn, chỉ 6 ngàn đồng trên chặng đường 50 cây số.

Những con tàu Cần Giờ, mang biển số CG. Tàu nào cũng có mũi nhọn vót lên cao sẵn sàng lao vào sóng gió. Mà chỉ đóng bằng gỗ, sơn màu xanh gần điệp với màu trời. Biển bữa ấy chỉ lao xao sóng nhỏ, nên thuyền lướt rất êm. Chẳng mấy chốc đã ngắm được toàn bộ thị trấn ở phía đằng sau, lô nhô, liên tục những khối nhà đủ sắc màu tươi sáng.

Xã đảo đây rồi! Người đón đoàn giới thiệu. Thì bên phải con tàu là một đảo nhỏ um tùm cây mọc. Bên trái là bạt ngàn rừng đước cùng sú vẹt đậm đà xanh. Một tấm biển nhỏ ghi: sông Thêu, cho biết từ đây đã là cửa sông, dù mặt nước vẫn luênh loang xa tắp.

Tàu lướt qua một làng bè với vài căn nhà nổi mái tôn xanh, cùng rất nhiều phao nổi. Sau mới biết đấy là nơi dân xã đảo nuôi hàu. Người ta buộc rất nhiều miếng đúc xi măng vào các thân cây mắm, rồi buộc phao thả trên mặt nước. Hàu sẽ bám vào xi măng mà lớn.

Lúc ấy còn chưa biết rằng mình sắp được ăn những con hàu tươi rói mới vớt lên ngay trong bữa ăn đầu tiên trên đảo. Từng con hàu sẽ đặt trên bếp than, rồi chan thêm một chút mỡ hành. Lòng dạ cứ nao nao khi có tiếng xèo xèo, rồi khói xanh bốc lên một mùi thơm sực nức.

Ðấy là lát nữa cơ! Vì tàu đang lướt vào bến đảo. Phần trung tâm của xã đảo đã nổi bật lên phía mạn phải con tàu. Ô kìa, một dáng hình kiến trúc quen quen, đấy đích thị là một ngôi thánh thất Cao Ðài, với đủ ba ngọn tháp đặc trưng là lầu trống, lầu chuông và đài bát quái. Liền bên là một ngôi nhà lớn ba tầng cũng xanh màu tường, lợp ngói, đấy là trường tiểu học của đảo, rất to và đẹp.

Hoá ra “mối mang” của Ban Tôn giáo tỉnh lại là ông Nguyễn Thanh Sơn, dân đảo ai cũng biết và gọi là “anh Sáu”. Ông Sáu ra tận bến tàu đón đoàn rồi đi bộ về nhà. Ông từng là cán bộ biệt phái của Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh, được điều ra đảo từ đầu những năm 1980, khi xã đảo còn cực kỳ gian khổ, lại thêm nạn vượt biên trái phép phổ biến ở các vùng biển đảo lúc bấy giờ.

Ông cũng đã làm chủ tịch, rồi bí thư xã suốt từ năm 1981 đến khi về hưu vào năm 1999. Về tới nhà ông Sơn, mới được biết thêm ông và các con đã xây dựng trạm cấp nước ngọt cho dân xã đảo. Quanh nhà xây toàn những đài và tháp nước. Một chiếc sà lan 5.000m2 đậu bên bờ biển mé sau nhà để bơm nước lên. Trạm cấp nước cho hơn 1.000 hộ dân với mỗi ngày 500m3.

Thạnh An là vùng đất sắt, hoàn toàn không nước ngầm, nước ngọt, nên nước vẫn phải chở từ Thành phố ra mỗi ngày. Vậy là xã đảo đã đầy đủ cả: điện, đường, trường, trạm (y tế và nước sạch). Mà chỉ thấy xe lôi chở khách, thứ duy nhất thiếu có lẽ là những chiếc xe hơi.

Xã đảo. Duy nhất có một con phố nhỏ cùng vài con hẻm chạy loanh quanh. Ðường chỉ rộng 5-6m, hai bên chủ yếu nhà trệt tường xây, mái tôn nghiêm ngắn. Dân phố toàn làm cửa hàng ăn uống hoặc dịch vụ, có cả phòng cho thuê và những sạp đồ hải sản tươi, khô. Một số hộ dân chế biến tại nhà.

Trước cửa phơi toàn khô cá lưỡi trâu hoặc cá lù đù. Món tươi ngon nhất mùa này là hàu và tôm thẻ, chúng tôi đã được thưởng thức ngay bữa đầu tiên tại nhà ông Sáu. Bà Năm- vợ ông Sáu khoe:- hàu mới mua từ những nhà bè vừa vớt. Vỏ hàu tách ra óng ánh xà cừ, giữa là một con hàu mây mẩy trắng.

Vòng qua con hẻm ra phía bờ kè. Ðây là niềm tự hào của người dân xã đảo. Kè dài 900m xây toàn đá khối, chở sang từ Vũng Tàu. Ðây lại là công trình huy động từ sức dân là chính, mà nòng cốt là các phụ lão. Họ quyết làm kè để chống sự xâm thực của biển.

Vì theo các cụ, phía Ðông Nam đối diện Vũng Tàu, mỗi năm biển lấn đảo tới hàng chục mét. Nay sóng xô bờ chỉ còn tan ra thành bọt trắng như cười vui, nô giỡn với những tốp bạn trẻ ra tắm và chụp ảnh. Ông Sáu nói, các cụ kể trước kia từ đây sang Vũng Tàu gần lắm. Vậy mà nay biển như đã rộng ra, tàu đi mất đúng 1 giờ.

Nói cho chính xác, đối diện bờ kè vẫn là cửa sông Lòng Tàu. Bên kia là Bà Rịa. Vậy chính là nơi lưu dân miền Trung, miền Bắc đi qua để khai phá vùng Gia Ðịnh, Ðồng Nai hoang hoá thuở xa xưa. Họ Trương ở Thanh Ðiền vẫn còn lưu giữ được ký ức thời các cụ Cao tổ đi tìm đất mới.

Thoạt đầu thuyền ghé vào Mô Xoài, nay là vùng xã Phước Kiểng thuộc Bà Rịa. Sau dần dà mới theo sông vào Gia Ðịnh, rồi lại theo sông Vàm Cỏ Ðông tới định cư ở ấp Thanh Trung. Ðến nay đã 6-7 đời người.

Khi cuộc tiến chiếm Gia Ðịnh của Hải quân Pháp vào tháng 2.1859, đoàn tàu chiến Pháp đã bị chặn lại nơi đây suốt một tuần liền. Ðến thời cách mạng, trận đánh lớn nhất của lực lượng vũ trang Rừng Sác làm nổ tung tàu chiến tải trọng 7.000T của giặc vào năm 1950.

Và suốt thời kháng chiến chống Mỹ thì ai cũng đã biết rồi. Thạnh An cũng là căn cứ của Trung đoàn 10- Bộ đội Ðặc công Rừng Sác. Họ đã làm nên những chiến công lẫy lừng suốt thời đánh Mỹ (sách Lịch sử truyền thống của Ðảng bộ và nhân dân xã Thạnh An 1930-2005).

Sách này cũng cho biết xã đảo Thạnh An đã có từ rất lâu đời. Từ năm 1836: “Thạnh An là những xóm nhỏ thuộc Cần Thạnh thôn, tổng Bình Trị, huyện Bình Dương… Ðến năm 1871 có tên làng là Tân Thạnh… Năm 1956 mới tách ra thành hai xã Tân Thạnh và Thạnh An thuộc tổng Cần Giờ…”.

Vì thế, miền đất đảo cũng có đủ các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng từ xa xưa để lại. Thật ngạc nhiên trước ngôi miếu Bà (Thuỷ Long thần nữ) rộng tới cả ngàn mét vuông ở ngay gần trụ sở UBND xã, sát bên lại có Lăng ông Thuỷ tướng, là nơi thờ những “ông cá voi” luỵ (chết) từ biển dạt vào.

Hai ngôi này cũng làm nên bản sắc đặc trưng tín ngưỡng của dân xã đảo. Mùng 5.5 âm lịch cúng Lăng Ông. Ðến rằm tháng 10 có tới 3 ngày du khách chen nhau về dự hội cúng Bà. Người dân đảo có lúc phải ít ra đường, nhường lối đi cho khách. Cũng ngay sát bên trụ sở UBND xã là Hưng Phúc tự- chùa của Tịnh độ cư sĩ Phật hội miền Nam.

Ðến năm 1942, ngôi thánh thất Cao Ðài được dựng lên, bằng tranh tre nứa lá. Tín ngưỡng và tôn giáo cũng tác động phần nào khiến người dân thuần hậu, bền bỉ làm ăn, bám đất giữ vùng biển đảo… Tìm hiểu qua Ban Cai quản Thánh thất, có tới 1.180 chức sắc tín đồ đạo Cao Ðài, trên dân số hơn 5.000 người toàn xã. Ngôi thánh thất khá lớn, ngang 9,2m và dài 24,4m, mới được trùng tu.

Chưa kịp ăn đến bữa thứ ba thì đã rời xã Thạnh An. Người Tây Ninh và xã đảo lại hẹn nhau dịp khác. Và sắp tới đây, hơn tháng nữa là tới rằm tháng 8, lễ Hội yến Diêu Trì cung của Toà thánh Cao Ðài. Nhiều tín đồ Thạnh An lại có dịp về Tổ đình dự lễ.

Tàu lại lướt êm trên sóng đường về. Có khác với chuyến ra. Là trên trời có hải âu bay từng đàn sát đuôi tàu đưa tiễn. Về đến gần thị trấn Cần Thạnh, còn thêm những bầy cá chuồn bay trên mặt sóng. Tây Ninh và biển đảo, tưởng xa mà lại thật gần.

Ghi chép: NGUYỄN QUỐC VIỆT

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục