Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tâm trạng háo hức đón chờ những tờ tiền mới tinh, kèm theo lời chúc tốt đẹp từ ông bà, cha mẹ luôn là một phần ký ức tuổi thơ ngày Tết. Riêng với những họa sỹ thiết kế, vẽ tiền, đã 17 năm trôi qua, họ vẫn nhớ như in cảm giác giác bồi hồi, lo lắng, nhưng cũng đầy tự hào khi được giao trọng trách thiết kế bộ tiền Polymer đầu tiên của Việt Nam.
"Đại sứ" của một đất nước
Theo họa sỹ Trần Tiến, nguyên Trưởng phòng Phòng thiết kế tiền, Cục Phát hành kho quỹ thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), ngày 17/12/2003, NHNN phát hành 2 mệnh giá tiền polymer đầu tiên là 500.000 và 50.000 đồng để thay thế bộ tiền cũ phát hành năm 1985. Bộ tiền polymer được phát hành theo phương thức cuốn chiếu, cho đến ngày 30/8/2006, những đồng tiền cuối cùng được phát hành là 200.000 và 10.000 đồng. Đề án bộ tiền mới polymer hoàn thành với 6 mệnh giá gồm: 10.000, 20.000, 50.000, 100.000, 200.000 và 500.000 đồng.
“Thiết kế tiền là nghề đòi hỏi kỹ thuật rất cao nhưng lại không có trường đào tạo nên các bí kíp cũng như kinh nghiệm thiết kế ở Việt Nam chỉ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các họa sỹ vẽ tiền phải tự mày mò học các kỹ thuật in tiền tiên tiến ở các nước trên thế giới”, họa sỹ Trần Tiến chia sẻ.
Mẫu tiền polymer được thiết kế không chỉ đáp ứng các yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, ấn loát, sự bảo an mà còn phải truyền tải vẻ đẹp, biểu tượng của tinh thần dân tộc Việt. Hình tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhân vật chính luôn được đặt ở vị trí quan trọng nhất, mặt trước tờ tiền - còn lại xung quanh cũng như mặt sau tiền polymer, các họa sỹ vẽ những phong cảnh điển hình về văn hóa, kinh tế và con người Việt Nam. “Người ta nói, đồng tiền là ‘đại sứ’ của một đất nước. Đó chính là vẻ đẹp Việt Nam, nói lên giá trị lớn mạnh của một dân tộc; đồng thời cũng khẳng định vị thế và sức mạnh của đất nước ta trên trường quốc tế”, họa sỹ Trần Tiến cho hay.
Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, họa sỹ Hồ Trọng Minh, giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết: Lãnh tụ Hồ Chí Minh là chân dung duy nhất trên tiền Việt Nam. Các nước khác có thể dùng nhiều chân dung cho tiền của quốc gia mình. Chân dung Bác Hồ thường thể hiện nhìn thẳng (các nước khác thường nghiêng 3/4). Góc nhìn chính diện, mang phong cách riêng, đặc trưng của văn hóa Việt Nam vì góc nhìn này cho mọi người cảm nhận được sự nghiêm trang, thành kính. Đặc biệt, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh thường được đặt ở vị trí bên cạnh nhằm tránh việc nếp gấp đôi tờ bạc vào chính giữa chân dung.
Theo họa sỹ Hồ Trọng Minh, hình ảnh nội dung mặt sau tờ tiền polymer đều là phong cảnh, mang tính tượng trưng cho miền Bắc, Trung, Nam vừa tượng trưng cho thiên nhiên, nguồn cội và hiện đại hóa đất nước như: Khai thác dầu khí ở ngoài khơi được khắc họa trên tờ tiền 10.000 đồng; Chùa Cầu Hội An (tờ 20.000 đồng); Phu Văn Lâu, sông Hương - Huế (tờ 50.000 đồng); Khuê Văn Các (tờ 100.000 đồng); vịnh Hạ Long (tờ 200.000 đồng) và làng Sen quê Bác (tờ 500.000 đồng).
“Khi nhận nhiệm vụ thiết kế mặt sau tờ 500.000 đồng, tôi đã lựa chọn 7 hình tượng như: Ngôi nhà, lũy tre, hàng cau, cái võng, ngọn đèn dầu, khung cửi dệt vải và hoa sen. Tất cả đều liên quan tới tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, TS Hồ Trọng Minh cho biết.
Trung tâm của không gian là ngôi nhà tại quê nội Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Sen, đây cũng là hình ảnh tượng trưng cho gia đình, quê hương Việt Nam; hình tượng lũy tre mạnh mẽ dạt dào phía sau tượng trưng cho người Cha. Những cây tre được họa sỹ vẽ lại chi tiết từ hàng tre ở Lăng Bác. Hình tượng hàng cau tượng trưng cho người Mẹ, gày gò, tần tảo sớm hôm; hình tượng các vòng tròn đồng tâm ở đầu hồi nhà tượng trưng cho ánh sáng từ ngọn đèn (hình thành trí tuệ con người Việt); hình tượng Cái võng được thể hiện bởi các ô màu hình quả trám (tượng trưng cho việc hình thành tâm hồn con người); khung cửi dệt vải mà mẹ của Bác hàng đêm cặm cụi vừa dệt vải vừa ru con được thể hiện bằng các hoa văn chìm (thể hiện tinh thần yêu lao động); biểu tượng hoa sen được thể hiện ở chi tiết bảo an như: Cửa sổ hình hoa sen, hoa văn trang trí hoa sen, in chìm hoa sen…Tất cả đều thể hiện vẻ đẹp tinh thần của dân tộc Việt Nam.
Nghề vẽ tiền còn đòi hỏi sự tinh xảo, nhạy bén của một chuyên gia phòng chống tội phạm, chiến thắng mọi thứ công nghệ sao chép…
Nghề vẽ công phu và tính bảo an đặc biệt cao
Họa sỹ Trần Tiến được đảm đương thiết kế hai mặt tờ 200.000 đồng, mặt sau tờ 50.000 đồng, mặt trước của đồng 500.000 đồng.
Kể về quá trình thiết kế tiền polymer, họa sỹ Trần Tiến nhấn mạnh: “Chúng tôi phải phối hợp hàng chục công đoạn như: Vẽ, khắc tay, làm bằng máy tính, mạ, in, ghép bản... Phần phải khắc tay cũng hết sức công phu như chân dung Bác Hồ và các hình ảnh phong cảnh Việt Nam. Phác thảo bao giờ cũng phải vẽ với tỷ lệ 1:1 như thật, vẽ qua kính lúp bằng một loại bút cực nhỏ để vẽ được những nét nhỏ li ti. Bản vẽ không chỉ là một bản mỹ thuật mà còn phải là một bản công nghệ với các yêu cầu về tính bảo mật và khả năng chống làm giả.
“Việc vẽ một đồng tiền khác rất nhiều so với việc vẽ một bức tranh. Người vẽ tiền không thể sử dụng các đường nét, màu sắc một cách phóng khoáng mà luôn phải tuân theo các quy trình sản xuất đặc biệt của công nghệ in tiền. Quá trình học hỏi này không phải chỉ ngày một ngày hai mà thông thường, một họa sỹ được đào tạo chỉn chu từ các trường mỹ thuật phải mất từ 10 đến 15 năm lao tâm khổ tứ với nghề thì may ra mới có thể coi là bắt đầu bước chân vào nghề thiết kế tiền”, họa sỹ Trần Tiến trải lòng.
Theo chuyên gia thiết kế tiền dạn dày kinh nghiệm Trần Tiến, việc phát hành bộ tiền polymer đầu tiên của Việt Nam được tính toán dựa trên rất nhiều yếu tố về công nghệ, bảo an và xã hội, đi trước xu hướng, phù hợp với sự phát triển của thời đại phù hợp với nhiều đối tượng người sử dụng. Thậm chí, người khiếm thị cũng có thể phân biệt được giá trị của tiền polymer dựa trên các vạch nổi được quy định trên mỗi đồng tiền.
Họa sỹ Trần Tiến ví von: Nghề vẽ tiền còn đòi hỏi sự tinh xảo, nhạy bén của một chuyên gia phòng chống tội phạm, chiến thắng mọi thứ công nghệ sao chép… Ông dẫn chứng: “Về mặt cơ giới hóa, khi thiết kế đồng tiền polymer, chúng tôi phải tính toán làm sao để khuôn khổ của đồng tiền phù hợp nhất với các loại máy ATM, thỏa mãn các tiêu chuẩn chung của thế giới. Trong thời đại công nghệ số, đồng tiền cũng phải được thiết kế sao cho chống được việc sao chụp, photo màu, laze máy hay các kỹ thuật in phun, thiết bị làm giả”, hoạ sỹ cho biết.
Kể từ khi phát hành bộ tiền polymer Việt Nam, đến nay, tiền giả polymer hầu như không thấy xuất hiện từ các loại máy sao chụp số. Sau 17 năm tiền Việt Nam được làm từ chất liệu polymer, ông Bùi Công Lư, nguyên Giám đốc Nhà máy in tiền quốc gia khẳng định: “Đây là một bộ tiền hiện đại, áp dụng các kỹ thuật in tiền tiên tiến nhất hiện nay. Vì vậy, tiền Việt Nam hiện nay sở hữu các yếu tố bảo an tốt, nhằm chống các đối tượng làm giả”.
Nguồn Báo Tin tức