Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới:
Bình đẳng giới là vấn đề cần quan tâm với cả nam và nữ
Thứ sáu: 14:15 ngày 10/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 9.11, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, nghe Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung báo cáo thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Để đảm bảo cho mục tiêu bình đẳng giới, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đề nghị cần có chiến lược đáp ứng, đào tạo nâng cao trình độ, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển; cân nhắc, xem xét trong đào tạo quy hoạch không nên tính đến độ tuổi ở nữ; nếu vẫn giữ độ tuổi nữ nghỉ hưu chênh lệch nam 5 tuổi, đại biểu đề nghị cách tính lương, nâng quân hàm cho nữ khi nghỉ hưu phải bằng với nam giới…

Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) thì cho rằng, thực tiễn còn nhiều vấn đề chưa ổn về giới, như trong gia đình trọng nam hơn nữ, biểu hiện ở quyền tài sản, quyền thừa kế; hiện tượng hôn nhân cưỡng bức mà đối tượng chủ yếu là phụ nữ; việc kết hôn trước tuổi, hiện tượng bóc lột, lao động tình dục, buôn bán người... giới nữ chiếm số nhiều; tỷ lệ nữ không biết chữ, tái mù chữ cũng cao hơn năm giới.

Qua nhiều nỗ lực của Đảng và nhà nước, cho đến nay nhận thức về bình đẳng giới đã có những chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, đến nay, bình đẳng giới giữa nam nữ, phái nữ vẫn còn yếu thế. Đặc biệt, cán bộ nữ tham gia trong bộ máy lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp và trong hệ thống chính trị cũng rất khiêm tốn.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) kiến nghị các ngành chức năng nghiên cứu sửa đổi tiêu chí về mục tiêu bình đẳng giới phù hợp với chủ trương của Đảng, với luật hiện hành; đề ra nhiều giải pháp phòng chống xâm hại tình dục, bóc lột phụ nữ, mất cân đối giới tính; cần có giải pháp điều chỉnh cách tính lương hưu như một số ý kiến đại biểu đề nghị.

Đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định) bày tỏ: quan niệm cho rằng, phụ nữ là phái yếu, đàn ông là phái mạnh, nên công tác bình đẳng giới là bảo vệ, bênh vực phụ nữ, như vậy cũng chưa đúng. Bình đẳng giới là vấn đề cần quan tâm với cả nam và nữ.

Khi nói về bạo hành gia đình, nạn nhân không chỉ có phụ nữ và trẻ em, thậm chí thực tế có những nạn nhân bị bạo hành là nam giới, bị vợ con hắt hủi, bị cấm vận, thậm chí bị đánh. Trong những trường hợp này, do sĩ diện nên ít người đàn ông nói ra và xã hội cũng chưa thực sự quan tâm.

Bình đẳng giới là vấn đề cần quan tâm ở cả nam và nữ- Ảnh minh hoạ.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị phải nghiên cứu rất kỹ quy định về tuổi nghỉ hưu của nữ, để cho bộ phận lao động nữ được lựa chọn quyền nghỉ hưu từ 55 đến 60 tuổi. Theo quan điểm của đại biểu là quy định 2 giới phải tương đương nhau; còn phụ nữ có quyền lựa chọn về hưu từ tuổi 55 hay 60, không nên bắt buộc phụ nữ phải về nghỉ hưu từ lúc 55 tuổi. Đại biểu cho rằng giải quyết như thế sẽ hài hòa, vừa bình đẳng giới và cũng vừa đảm bảo quyền của một bộ phận người lao động nữ có cơ hội để thăng tiến, cống hiến…

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới còn có những mặt hạn chế, báo cáo của Chính phủ chưa chỉ rõ vì sao còn hơn 50% số chỉ tiêu chưa có số liệu hoặc số liệu chưa phù hợp với tiêu chí; chưa đánh giá về nguồn nhân lực, kể cả nguồn nhân lực nam và nữ để so sánh.

Việc thực hiện bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực vẫn chưa đạt, đó là  lao động nữ còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận cơ hội việc làm tốt, về lựa chọn ngành nghề và vị trí việc làm so với nam giới; tỷ lệ nữ tham gia hoạt động chính trị chưa đạt chỉ tiêu; thực trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em, bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em và tình trạng xâm hại tình dục trẻ em còn có những diễn biến rất phức tạp, đòi hỏi trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhà trường, gia đình và toàn xã hội…

Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung báo cáo, cung cấp thêm thông tin, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Hôm nay (10.11), Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi), dự án Luật Đo đạc và bản đồ; thảo luận ở tổ về dự án Luật Đo đạc và bản đồ. Buổi chiều, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và thảo luận ở tổ về dự án Luật này.

Kim Chi

Tin cùng chuyên mục