Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thơ lục bát của Trần Kế Hoàn bình dị, gần gũi với đời sống của những người lao động nghèo ở nông thôn, thâm trầm về câu chữ, sâu sắc về ý tứ, dễ làm người đọc đồng cảm, nhớ lâu.
Nhà thơ Trần Kế Hoàn sinh năm 1955 tại thị trấn Gôi, Vụ Bản, Nam Ðịnh. Ông vừa được vinh danh với giải thưởng “Lục bát Kim cương năm 2018” trong cuộc thi thơ lục bát có chủ đề “Tổ quốc và Ðạo pháp” (2012-2018) do Uỷ Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ đạo tổ chức. Nhà thơ Trần Kế Hoàn hiện là cựu chiến binh, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Non Côi, Nam Ðịnh.
Bài thơ “Ô sin giặt áo” là một bài thơ hay về tâm trạng của một người đi phụ giúp việc gia đình. Một thực tế hiện nay ở nông thôn, trong lúc khó khăn, hay lúc nông nhàn, người phụ nữ phải tạm gác lại chuyện gia đình để ra thành phố làm thuê việc nhà cho người khác, nhất là ở các vùng quê phía Bắc. Cái tên “Ô sin” ám chỉ người đi làm thuê việc nhà, xuất phát từ bộ phim cùng tên của Nhật Bản
Bài thơ lấy đề tài “Ô sin giặt áo”, một trong những công việc gia đình mà người đi làm thuê phải làm. Mở đầu bài thơ tác giả viết: “Ðã vò nhàu cả tâm tư/ Áo trong tay vẫn cứ như chông chà/ Em đi giặt áo người ta/ Bọt xà bông sủi xót xa mấy lần”.
Những câu thơ mộc mạc nhưng xa xót như tâm tư chính người trong cuộc. “Giặt áo cho người ta”, tức giặt áo cho gia đình chủ, phải “vò” bằng tay, nhưng trí óc, tâm tư của người phụ nữ như cảm thấy “vò nhàu” cả tâm tư của mình.
Các từ so sánh “như chông chà” hay “xà bông sủi xót xa” đã khắc sâu hình ảnh “xa xót” của người đàn bà, phải đi làm thuê, phục vụ người khác, trong khi hoàn cảnh gia đình ở quê nhà thì: “Con thơ ai tắm ai chăm?/ Mấy ngày mới giặt một lần áo anh?/ Lạy giời cây cỏ cứ xanh/ Mà em vo rách cái lành xót xa!”.
Hai câu hỏi tu từ cũng chính là hai câu hỏi rất thực, xuất phát từ tình cảm người phụ nữ, luôn phải đa đoan, bận bịu, đau đáu, lo cho chồng cho con ở nhà. “Ai tắm cho con”, rồi ai sẽ “giặt áo cho chồng” khi mình phải vắng nhà, khiến người đọc cảm thông và chia sẻ cùng nhân vật.
Tuy vất vả, cực nhọc vì công việc làm thuê, nhưng người mẹ, người vợ ấy vẫn dành tâm ý lo cho chồng, con. Một đặc tính đáng quý của phụ nữ Việt Nam, thật đáng trân trọng!
Hai câu thơ cuối, kết lại bài thơ: “Ô-sin giặt áo người ta/ Tưởng vò vào vải hoá ra vò lòng”. Lại một lần nữa khắc sâu vào lòng người đọc, cả một tấm lòng trăn trở của người phụ nữ, vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phải đem sức lao động của mình ra để làm thuê kiếm sống, cái cảm giác đời thực “Tưởng vò vào vải hoá ra vò lòng” càng khiến chúng ta thêm đồng cảm, chia sẻ và trân trọng hơn với tấm lòng người “Ô-sin” nhưng luôn biết lo lắng cho gia đình, chồng con ở nhà...
Thơ lục bát của Trần Kế Hoàn bình dị, gần gũi với đời sống của những người lao động nghèo ở nông thôn, thâm trầm về câu chữ, sâu sắc về ý tứ, dễ làm người đọc đồng cảm, nhớ lâu.
NGUYỄN SÔNG TRÀ