BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bình ổn giá 10 mặt hàng thiết yếu

Cập nhật ngày: 08/09/2012 - 04:52

(BTN)- Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ -CP ngày 24.2.2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10.5.2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khắn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu năm 2012 và Tết Nguyên đán 2013.

Đánh giá chung về kết quả công tác bình ổn thị trường từ năm 2011 đến ngày 31.5.2012, Sở Công thương cho biết các cấp, các ngành có liên quan, các doanh nghiệp tổ chức thực hiện kế hoạch bình ổn thị trường đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của nhân dân, không có biến động giá cả, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoá giả tạo.

Tuy nhiên, trong công tác bình ổn thị trường vừa qua vẫn còn một số hạn chế như: chưa hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp phát triển hệ thống phân phối và điểm bán hàng bình ổn; tại các chợ truyền thống, các xã vùng nông thôn chỉ có bán hàng lưu động, thời gian ngắn nên người dân chưa tiếp cận được việc mua hàng lâu dài do lực lượng nhân viên của các doanh nghiệp hạn chế, chỉ tập trung bán hàng tại siêu thị hiện hữu và các địa điểm cố định.

Một điểm bán hàng bình ổn giá

Để khắc phục và phát huy tốt nhiệm vụ bình ổn giá thị trường trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường đến ngày 15.3.2013. Kế hoạch này dự kiến phục vụ cho khoảng 1,25 triệu người bao gồm cả lượng khách vãng lai, nhập cư.

Theo kế hoạch này, tỉnh sẽ tạo nguồn hàng dự trữ đủ số lượng, chủng loại với giá bán lẻ có tính ổn định tương đối, khi giá cả hàng hoá tăng thì hàng bình ổn vẫn tiếp tục bán theo giá bình ổn trong thời gian nhất định (2-3 tháng) sau đó mới được điều chỉnh tăng; hàng bình ổn giá sẽ bán thấp hơn khoảng 10% so với giá thị trường. Khi đột biến tại mốt số khu vực, hàng bình ổn sẽ được điều động đến can thiệp. Như vậy, hàng bình ổn có 2 nhiệm vụ: một là định hướng giá cả thị trường, làm cho giá cả thị trường tăng chậm lại hoặc không tăng, hai là chống đột biến giá nhất thời tại khu vực. Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp thực hiện bình ổn giá, là tác động quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp xây dựng hệ thống phân phối, giảm chi phí, giảm trung gian trong lưu thông.

Năm nay có 10 mặt hàng được lựa chọn để bình ổn và nhu cầu số lượng hàng hoá dự kiến dự trữ gồm: 500 tấn gạo, 100 tấn đường, 64.000 lít dầu ăn, 130 tấn thịt gà, 292,5 tấn thịt heo, 780.000 quả trứng gà, 37.450 bộ sách giáo khoa. Đối với mặt hàng rau, củ, quả là mặt hàng mới được bổ sung cũng có số lượng dự trữ 30 tấn; ngoài ra còn có thuốc trị bệnh, sữa bột cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi, và sữa bột dành cho người cao tuổi theo nhu cầu thực tế.

Hiện tại đã có trên 10 doanh nghiệp đăng ký tham gia bình ổn giá. Riêng mặt hàng thịt heo, thịt gà, trứng gà, ngoài Siêu thị Coop Mart đã đăng ký tham gia, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn chủ trì phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài Chính đang lựa chọn các doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia bình ổn mặt hàng này. Với mặt hàng thuốc trị bệnh thông thường, Sở Y tế giao nhiệm vụ cho các công ty dược phẩm phân phối thuốc trên địa bàn tới các nhà thuốc, các bệnh viện huyện, cơ sở y tế để phục vụ nhân dân với giá bán lẻ thấp hơn giá thị trường 10%.

Yêu cầu đặt ra đối với các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường  là phải có năng lực tài chính, có hệ thống phân phối bán lẻ, hàng hoá tham gia bình ổn phải đúng chủng loại, bảo đảm cung cấp đủ số lượng, chất lượng; vệ sinh an toàn thực phẩm phải được bảo đảm, đồng thời các doanh nghiệp phải có kế hoạch đưa hàng hoá thiết yếu về vùng nông thôn, các khu, cụm công nghiệp và phải đăng ký giá bán với cơ quan quản lý Nhà nước.

BẢO TRUNG