Thời Sự - Chính trị   Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bịt lỗ hổng cơ chế 

Cập nhật ngày: 01/04/2024 - 15:57

BTN - Thời gian càng lùi xa càng cho thấy, người đứng đầu Đảng luôn nhất quán giữa lời nói và việc làm. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng, chỉnh đốn tổ chức là một cuộc “tự giải phẫu khắc nghiệt”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày 9.12.2021

Trong cuốn sách “Toàn Đảng, toàn dân chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”, tác giả - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành nhiều tâm huyết nói về công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng. Thời gian càng lùi xa càng cho thấy, người đứng đầu Đảng luôn nhất quán giữa lời nói và việc làm. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng, chỉnh đốn tổ chức là một cuộc “tự giải phẫu khắc nghiệt”.

“Không có thứ trách nhiệm chung chung”

“Tổng Bí thư có thể cho biết đâu là những yếu tố căn cốt nhất để tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới?”. Trả lời câu hỏi này vào thời điểm năm 2018, Tổng Bí thư Nguỵển Phú Trọng nhấn mạnh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống suy thoái, tiêu cực, tham nhũng không phải chỉ là xử lý vi phạm, xử lý cán bộ. Điều quan trọng hơn, rút ra các bài học kinh nghiệm để giáo dục, nâng cao nhận thức, tính tự giác cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, từ đó, bịt kín các lỗ hổng về cơ chế, chính sách, quy định pháp luật. Chống tham nhũng phải bằng nhiều biện pháp tổng hợp, đặc biệt bằng cơ chế, bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để làm sao đích cuối cùng đạt được là không ai muốn tham nhũng, không ai dám tham nhũng và không ai có thể tham nhũng.

Thời gian qua, Đảng và các cơ quan nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, nhiều quy định để nhằm mục tiêu này. Chúng ta không chỉ kêu gọi chung chung, giáo dục tư tưởng suông, phải bằng sự kiểm tra của Đảng, sự giám sát của Nhân dân và pháp luật của Nhà nước. Tức là, phải bằng nhiều biện pháp kiểm soát được quyền lực, “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế, luật pháp, Mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải tự mình tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ để tay không nhúng chàm.

Tương tự như vậy, trong công tác cán bộ, trước đây cứ nói là “đúng quy trình” nhưng thực tế lại có không ít trường hợp mượn “quy trình” để hợp thức hoá cho những việc làm sai. Rồi do trách nhiệm chung chung, không rõ ràng dẫn đến quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ trong nhiều trường hợp có phần ưu ái, vun vén cho những ngưòi thân quen, dĩ hoà vi quý. Vì thế, Bộ Chính trị đã ban hành một số quy định mới để chấn chỉnh, bảo đảm cho việc bổ nhiệm cán bộ công tâm, khách quan, rõ ràng, từ khâu lựa chọn, quy hoạch, giới thiệu đến đánh giá, thẩm định, quyết định. Tất cả đều được quy định rõ ràng, minh bạch, cả về thẩm quyền và trách nhiệm, ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm và bị xử lý, chứ không thể cứ nói trách nhiệm chung chung, để rồi rốt cuộc không ai chịu trách nhiệm.

“Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng, chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân không đủ tiêu chuẩn. Thực sự dựa vào dân, lắng nghe, chia sẻ với những bức xúc chính đáng của dân, dựa vào các tổ chức đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc hậu thuẫn mạnh mẽ cho công tác này. Tăng cường phòng, chống, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, xã hội đặc biệt quan tâm; thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm gì trái lòng dân, để mất niềm tin của Nhân dân là mất tất cả”- Tổng Bí thư nói.

Tại thời điểm đó, trả lời phỏng vấn Báo Đại biểu Nhân dân, Tổng Bí thư nhấn mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là vấn đề lớn được cử tri và Nhân dân hết sức quan tâm. “Sở dĩ tôi dùng hình ảnh “lò đã nóng lên” là vì tất cả bộ máy trong hệ thống cùng vào cuộc. Đảng đề ra đường lối, Nhân dân đóng góp ý kiến, các cơ quan Thanh tra, Kiểm tra, Điều tra, Kiểm sát, Toà án, Kiểm toán... phối hợp, làm việc nhịp nhàng. Khâu nào yếu phải chấn chỉnh ngay, mắt xích nào hỏng phải thay ngay”- Tổng Bí thư giải thích cho việc dùng hình ảnh “lò nóng lên”. Theo Tổng Bí thư, chúng ta có bộ máy như thế, chỉ đạo như thế, lòng dân như thế, cho nên quyết tâm phải làm, bình tĩnh làm từng việc, làm từng bước. Thực tế cho thấy, làm cùng lúc nhiều việc không làm được ngay, vì đòi hỏi phải có lực lượng, phải làm sao cho “tâm phục, khẩu phục” mới được cử tri và Nhân dân đồng tình ủng hộ. Tinh thần là không có chuyện chùn lại, chùng xuống hay mệt mỏi, ai cảm thấy nhụt chí thì đứng sang một bên cho ngưòi khác làm.

“Cuộc tự giải phẫu khắc nghiệt”

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức phấn đấu thực hiện Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập quốc tế, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là một sự nghiệp cách mạng vô cùng to lớn, vĩ đại, “một cuộc chiến đấu khổng lồ”, “cuộc tự giải phẫu khắc nghiệt” như Bác Hồ đã dạy. Bối cảnh quốc tế, tình hình trong nước bên cạnh mặt thuận lợi, thời cơ, cũng có nhiều khó khăn, thách thức đan xen, chúng ta đứng trước nhiều vấn đề mới phải xử lý, nhiều việc hết sức phức tạp phải giải quyết. Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, hơn bao giờ hết, phải phát huy cao độ truyền thống yêu nước và cách mạng, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khán, thử thách để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn. Sự phấn đấu kiên cường, sáng tạo của toàn dân, của các ngành, các địa phương, các thành phần kinh tế là nhân tố cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển đất nước ta. Tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, “không quá say sưa với thắng lợi, ngủ quên trên vòng nguyệt quế”.

Đảng đã dành không ít thời gian và công sức cho công tác xây dựng Đảng, coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhất là việc đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân... Các thế lực thù địch vẫn đang tìm mọi cách phá hoại sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta. Họ ra sức xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước ta, đánh thẳng vào hệ tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, kích động, chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng, Nhà nước với Nhân dân, hòng làm tan rã Đảng, chế độ ta từ gốc, từ bên trong, hết sức thâm độc và nguy hiểm. Để chăm lo thế nước, vun đắp lòng dân, xây dựng Đảng xứng đáng là “đứa con nòi” của dân tộc, “là người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”, dẫn dắt công cuộc đổi mới tiếp tục tiến lên, Đảng phải ra sức đẩy mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, làm tròn trách nhiệm là đội tiền phong lãnh đạo sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.

Trong điều kiện Đảng đảng cầm quyền, hoạt động trong môi trường phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, cán bộ, đảng viên giữ nhiều trọng trách, đối mặt với bao cám dỗ, chúng ta càng phải chăm lo giữ vững bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng. Nếu không nhận thức sâu sắc điều này, nếu cán bộ, đảng viên không tích cực kiên trì rèn luyện thì rất dễ bị thoái hoá, biến chất. Vấn đề giữ vững bản chất của Đảng - là một Đảng Cộng sản, đảng cách mạng chân chính, hoạt động vì sự nghiệp của giai cấp công nhân, của dân tộc, vì lợi ích của Nhân dân là vấn đề hết sức cơ bản và quan trọng - Tổng Bí thư nói về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

“Xây dựng Đảng là xây dựng về tư tưởng, về tổ chức, về cán bộ. Vậy chúng ta đã có chủ trương gì về công tác tư tưởng, làm quy hoạch cán bộ như thế nào, công tác tổ chức như thế nào, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên chúng ta hiểu hết chưa. Nếu nói chung chung và nhận định cơ bản là tốt thì dễ thôi, nhưng đi sâu vào nội tình của từng nơi thì chắc là còn nhiều việc phải làm để xây dựng con người và xây dựng tổ chức, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính trị”- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu năm 2008, trong vai trò Chủ tịch Quốc hội.

Việt Đông